Công dụng thuốc Atocor 20

Thuốc Atocor 20 thuộc nhóm thuốc tim mạch, được dùng điều trị rối loạn lipid máu. Vậy thuốc Atocor 20 sử dụng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về tác dụng, lưu ý khi sử dụng thuốc này.

1. Thuốc Atocor 20 là thuốc gì?

Thuốc Atocor 20 có chứa thành phần chính Atorvastatin hàm lượng 20mg và các tá dược vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc bào chế ở dạng viên nén, quy cách đóng gói hộp 1 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

2. Thuốc Atocor 20 có tác dụng gì?

Thuốc Atocor 20 được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Tăng cholesterol máu và các rối loạn lipid máu hỗn hợp.
  • Tăng triglyceride máu.
  • Rối loạn beta – lipoprotein.
  • Tăng cholesterol máu mang tính chất gia đình đồng hợp tử.

Mặt khác, thuốc Atocor 20 chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân như sau:

  • Dị ứng với hoạt chất Atorvastatin hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
  • Rối loạn chức năng gan.
  • Phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Đang điều trị các thuốc ức chế men khử HMG – CoA và các fibrate.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Atocor 20

Thuốc Atocor 20 bào chế ở dạng viên nén, dùng bằng đường uống. Thuốc có thể uống bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả lúc bụng no hay đói. Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn giảm cholesterol trước khi sử dụng thuốc Atocor 20 và vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng trong suốt thời gian dùng thuốc này.

Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Atocor 20:

Trường hợp người bệnh tăng cholesterol máu và rối loạn lipid máu hỗn hợp:

  • Liều dùng hằng ngày 10mg/ lần. Có thể điều chỉnh liều từ 10 – 80mg/ ngày tùy vào mục đích điều trị và đáp ứng của từng bệnh nhân.
  • Liệu pháp điều trị thường đáp ứng trong vòng 2 tuần và đáp ứng tối đa thường đạt được sau 4 tuần sử dụng. Nên kiểm tra chỉ số lipid khoảng từ 2 – 4 tuần/ lần và điều chỉnh liều phù hợp.

Trường hợp người bệnh tăng cholesterol máu có yếu tố gia đình đồng hợp tử:

  • Liều dùng được đề nghị thay đổi từ 10 – 80mg/ ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Atocor 20

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Atocor 20 đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn. Thuốc Atocor 20 nói chung được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như sau:

  • Toàn thân: Đau ngực, phù nề mặt, sốt, cứng cổ, khó chịu.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, viêm dạ dày ruột, tăng men gan, viêm đại tràng, nôn mửa, khô miệng, xuất huyết trực tràng, ợ hơi, phân đen, vàng da ứ mật.
  • Hô hấp: Viêm phế quản, viêm phổi, khó thở, hen suyễn, chảy máu cam.
  • Thần kinh: Mất ngủ, chóng mặt, buồn ngủ, mất trí nhớ, lú lẫn, giảm ham tình dục, rối loạn cảm xúc, vẹo cổ, tê liệt.
  • Cơ xương khớp: Viêm khớp, chuột rút ở chân, viêm bao hoạt dịch, viêm bao gân, nhược cơ, viêm cơ.
  • Da và phần phụ: Ngứa, viêm da tiếp xúc, rụng tóc, da khô, đổ mồ hôi, mụn trứng cá, nổi mề đay.
  • Tiết niệu – sinh dục: Nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu nhiều, viêm bàng quang, tiểu máu, tiểu khó, sỏi thận, tiểu đêm, xuất huyết âm đạo, viêm thận.
  • Tim mạch: Đánh trống ngực, giãn mạch, ngất, đau đầu, hạ huyết áp tư thế, viêm tĩnh mạch, đau thắt ngực, tăng huyết áp.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng đường huyết, tăng HbA1c, hạ đường huyết.
  • Máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu, giảm tiểu cầu, đốm xuất huyết.

5. Tương tác thuốc Atocor 20

Báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược,... để tránh các phản ứng tương tác xảy ra khi dùng kết hợp thuốc trong quá trình điều trị.

Sau đây, là một số thuốc có khả năng tương tác với thuốc Atocor 20 khi dùng kết hợp như sau:

  • Tăng nguy cơ tổn thương cơ khi sử dụng đồng thời với các thuốc Cyclosporine, Gemfibrozil, thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat, colchicin hoặc thuốc kháng nấm nhóm azol.
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc Erythromycin, Clarithromycin, acid Fusidic hoặc Telithromycin có thể gây tăng nguy cơ bệnh cơ do tăng nồng độ hoạt chất Atorvastatin trong huyết tương.
  • Có khả năng làm tăng nồng độ của Digoxin trong huyết tương khi dùng phối hợp với thuốc Atocor 20.
  • Nguy cơ làm tăng tác dụng của thuốc Warfarin, vì vậy nên kiểm tra thời gian prothrombin trước khi dùng thuốc này.
  • Nên có khoảng cách dùng thuốc trong trường hợp người bệnh được chỉ định điều trị bằng các thuốc có gắn acid mật do có khả năng là giảm sinh khả dụng của thuốc Atocor 20.
  • Làm tăng tỷ lệ và mức độ hấp thu của các thuốc tránh thai đường uống có chứa Norethindrone và Ethinyl estradiol.
  • Các thuốc kháng acid: Làm giảm nồng độ của thuốc Atocor 20 trong huyết tương, tuy nhiên mức độ giảm cholesterol LDL không thay đổi.
  • Việc dùng chung với các thuốc ức chế enzym CYP3A4 có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương, dẫn đến tăng nguy cơ bệnh cơ và tiêu cơ.
  • Nguy cơ gây ra chứng tiêu cơ vân ở người bệnh khi dùng phối với các thuốc Amiodarone nếu dùng liều quá 20mg/ngày thuốc Atocor 20. Có thể dùng thay thế loại thuốc khác (như Pravastin) để giảm nguy cơ này.
  • Thức ăn làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu khoảng 25% và 9% của thuốc nhưng việc giảm LDL cholesterol không ảnh hưởng. Do đó, có thể dùng thuốc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Atocor 20

Dưới đây là một số lưu ý khi dùng thuốc Atocor 20 giúp đạt hiệu quả của thuốc cũng như giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ:

  • Cần cân nhắc khi dùng thuốc Atocor 20 đối với bệnh nhân (trên 65 tuổi, thiểu năng tuyến giáp, bệnh thận) có yếu tố nguy cơ dẫn đến tổn thương cơ như teo cơ, viêm cơ.
  • Người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol khi bệnh nhân không đáp ứng đủ với chế độ ăn kiêng và các biện pháp không dùng thuốc khác.
  • Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Atocor 20, cần phải loại trừ các nguyên nhân gây tăng cholesterol máu (đái tháo đường kém kiểm soát, suy giáp, hội chứng thận hư, bệnh gan tắc nghẽn, điều trị bằng thuốc khác, nghiện rượu) và cần định lượng cholesterol toàn phần. LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerides.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Atocor 20 với bệnh nhân có rối loạn chức năng gan, nghiện rượu, do có nguy cơ làm tăng men transaminase trong huyết thanh. Vì vậy, khuyến cáo nên làm các xét nghiệm men gan trước khi bắt đầu điều trị với thuốc này.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai và cho con bú, trừ khi có chỉ định của bác sĩ điều trị. Chỉ nên dùng cho phụ nữ độ tuổi sinh sản khi họ chắc chắn không mang thai và chỉ trong trường hợp cholesterol máu tăng rất cao mà không đáp ứng với các thuốc khác. Nên ngưng sử dụng thuốc Atocor 20 1 tháng trước khi có kế hoạch có thai.
  • Do thuốc có thể gây buồn ngủ, nhức đầu nên thuốc có khả năng ảnh hưởng đến công việc của những người làm nghề lái xe và điều khiển máy móc. Thận trọng khi dùng thuốc cho đối tượng này.

Hy vọng những thông tin trên về thuốc Atocor 20 sẽ giúp người bệnh dùng thuốc đạt hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn khi dùng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

126 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan