Công dụng thuốc Atgam

Atgam làm chậm hoặc ngăn chặn các tế bào lympho T tấn công tủy xương giúp quá trình tạo máu được diễn ra bình thường. Sản phẩm này được sử dụng trong một số bệnh lý về tạo máu hoặc ngăn ngừa thải ghép.

1. Công dụng thuốc Atgam

Atgam là một kháng thể đa dòng hay còn gọi là một globulin miễn dịch, được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch (có thể tiêm mạch hoặc truyền tĩnh mạch). Atgam được sử dụng để chống lại một loại tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho T (còn được gọi là thymocyte hoặc tế bào T). Tế bào lympho T là một phần của hệ thống miễn dịch. Trong một số rối loạn về máu (như thiếu máu bất sản, hội chứng rối loạn sinh tủy), tế bào lympho T có thể tự tấn công tủy xương của chính bệnh nhân do nhầm lẫn. Điều này làm cho tủy xương khó tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh. Thuốc Atgam làm chậm hoặc ngăn chặn các tế bào lympho T tấn công tủy xương để quá trình tạo máu của bệnh nhân quay trở lại bình thường.

Bước đầu của quá trình chế tạo ra thuốc Atgam là lấy các tế bào bạch cầu hiến tặng của người (tế bào lympho T) và tiêm vào ngựa. Máu của ngựa tự tạo ra các kháng thể (một loại protein trong máu) chống lại các tế bào lympho T này. Các kháng thể này sau đó được lấy từ máu của ngựa và bào chế thành thuốc Atgam. Khi tiêm truyền Atgam, cơ thể bệnh nhân có thể lấy các kháng thể (do ngựa tạo ra) và sử dụng chúng để làm chậm hoặc ngăn chặn các tế bào lympho T của chính họ tấn công tủy xương.

2. Đối tượng nào nên sử dụng thuốc Atgam?

Atgam được chấp thuận ở Hoa Kỳ trong các trường hợp sau:

  • Kiểm soát bệnh thiếu máu bất sản mức độ từ trung bình đến nặng. Đây là một rối loạn máu khi các tế bào gốc bị tổn thương;
  • Ngăn chặn hiện tượng cơ thể người bệnh thải ghép sau ghép thận.

Một số trường hợp thuốc Atgam có thể được sử dụng cho các bệnh rối loạn máu khác, bao gồm:

  • Ngăn ngừa hoặc giảm bớt ảnh hưởng của bệnh mảnh ghép chống ký chủ cấp tính (GvHD) trước hoặc sau khi cấy ghép tế bào gốc;
  • Kích thích tủy xương tạo ra các tế bào máu mới ở bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn sinh tủy.

Bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định xem bệnh nhân có phù hợp điều trị bằng thuốc Atgam hay không. Quyết định này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm kết quả xét nghiệm công thức máu, bệnh lý đi kèm và các phương pháp điều trị khác mà bệnh nhân đã thực hiện.

3. Cách sử dụng thuốc Atgam

Atgam sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch, thường được thực hiện tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình truyền thuốc Atgam, thời gian có thể mất vài giờ.

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc Atgam là tình trạng dị ứng. Nhân viên y tế có thể làm thực hiện các xét nghiệm dị ứng trên da trước khi truyền thuốc để xem liệu bệnh nhân có bị dị ứng với Atgam hay không. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc Atgam vào da của bệnh nhân và theo dõi các phản ứng dị ứng. Tùy thuộc vào kết quả phương pháp này mà bệnh nhân có thể phải sử dụng thêm các thuốc chống dị ứng trước khi truyền thuốc Atgam để ngăn chặn hoặc hạn chế phản ứng dị ứng. Các thuốc này bao gồm steroid (như methylprednisolon), thuốc đối kháng thụ thể Histamin H1 (Diphenhydramin) và thuốc giảm đau, hạ sốt (Acetaminophen).

Khi bắt đầu truyền thuốc Atgam, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ xem có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng hoặc bất kỳ tác dụng phụ nào khác hay không. Đo huyết áp, thân nhiệt và nồng độ bão hòa oxy mao mạch của bệnh nhân sẽ được kiểm tra nhiều lần.

4. Những rủi ro khi sử dụng Atgam là gì?

Một số rủi ro phổ biến nhất khi truyền thuốc Atgam bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng, bao gồm cả choáng phản vệ. Nhân viên y tế sẽ theo dõi các biểu hiện sau của bệnh nhân, bao gồm sốt, ớn lạnh, ngứa, sưng tấy, nổi mày đay, khó thở, hạ huyết áp, buồn nôn, nôn ói;
  • Suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch suy yếu, biểu hiện bao gồm: Giảm số lượng bạch cầu; Giảm số lượng tiểu cầu; Phát ban.

Atgam được bào chế từ các sản phẩm máu, vì vậy có một nguy cơ nhỏ là thuốc bị nhiễm các tác nhân truyền nhiễm. Tuy nhiên, một số biện pháp quan trọng sẽ được thực hiện trong quá trình sản xuất để ngăn điều này xảy ra.

Bệnh nhân nên tránh tiêm chủng vắc-xin sống giảm độc lực khi đang điều trị bằng thuốc Atgam, vì chúng có thể không mang lại tác dụng như mong muốn. Các vắc-xin đó bao gồm vắc-xin ngừa Herpes zoster (Zostavax), vắc-xin bại liệt đường uống, vắc-xin sởi, vắc-xin cúm dạng hít (FluMist®), vắc-xin rotavirus và vắc xin sốt vàng.

Nếu bị nhiễm trùng hoặc đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, người bệnh hãy cho bác sĩ điều trị biết ngay trước khi nhận thuốc Atgam.

5. Khi nào người bệnh nên liên hệ với bác sĩ?

Trong quá trình truyền thuốc Atgam, nhân viên y tế sẽ theo dõi bệnh nhân chặt chẽ. Điều quan trọng là người bệnh phải đảm bảo chắc chắn sẽ thông báo với bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ biểu hiện khác lạ nào. Khi đã hoàn tất việc truyền thuốc Atgam và được cho xuất viện, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức:

  • Thở hụt hơi;
  • Đau ngực, chóng mặt;
  • Sốt hoặc ớn lạnh;

Người bệnh có khả năng mắc phải “bệnh huyết thanh” sau khi điều trị bằng thuốc Atgam. Tình trạng này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau 1-2 tuần truyền liều đầu tiên của thuốc Atgam. Người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ nếu có những biểu hiện sau:

  • Phát ban;
  • Sốt;
  • Đau và nhức khớp.

Người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ về việc mang thai hoặc sinh con có an toàn khi dùng thuốc Atgam hay không. Lưu ý người bệnh không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc Atgam.

Thuốc Atgam có tác dụng làm chậm hoặc ngăn chặn các tế bào lympho T tấn công tủy xương giúp quá trình tạo máu được diễn ra bình thường. Sản phẩm này được sử dụng trong một số bệnh lý về tạo máu hoặc ngăn ngừa thải ghép.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

89 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan