Công dụng thuốc Amapileo

Thuốc Amapileo được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Glimepiride. Thuốc được sử dụng để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

1. Thuốc Amapileo là thuốc gì?

Thuốc Amapileo là thuốc gì? 1 viên thuốc Amapileo có thành phần chính là Glimepiride với hàm lượng 2mg. Glimepiride là 1 sulfamid hạ đường huyết thế hệ mới, thuộc nhóm các sulfonylurea sử dụng trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Nó tác động chủ yếu bằng cách kích thích các tế bào beta của đảo Langerhans ở tụy tạng giải phóng insulin. Hiệu lực này của thuốc dựa trên sự tăng đáp ứng của các tế bào này đối với tác nhân kích thích sinh lý là glucose. Ngoài ra, Glimepiride còn có tác dụng ngoài tuyến tụy (nói cách khác, Glimepiride có tác động kép: Tại tụy và ngoài tụy). Cụ thể:

  • Tác dụng của thuốc trên sự giải phóng insulin: Thuốc điều hòa sự bài tiết insulin bằng cách đóng các kênh kali lệ thuộc vào ATP ở màng của tế bào beta. Điều này gây khử cực ở màng, làm tăng di chuyển calci vào trong tế bào, kích thích giải phóng insulin ra khỏi tế bào;
  • Tác dụng của thuốc ngoài tuyến tụy: Cải thiện sự nhạy cảm của các mô ở ngoại biên đối với insulin, làm giảm sự thu hồi insulin ở gan.

Chỉ định sử dụng thuốc Amapileo:

  • Điều trị kết hợp với chế độ ăn và luyện tập nhằm kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 không phụ thuộc Insulin.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Amapileo:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Glimepiride, sulfonylurea hoặc sulfonamid, thành phần khác của thuốc;
  • Người bị tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh nhân hôn mê và nhiễm keto-acid do tiểu đường;
  • Người bệnh suy gan và suy thận nặng: Nên chuyển sang sử dụng insulin;
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Amapileo

Cách dùng: Đường uống. Nếu dùng thuốc ngay trước hoặc khoảng 30 phút trước bữa ăn thì đều có tác dụng tương tự nhau. Người bệnh nên dùng thuốc 1 lần/ngày vào bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên của ngày. Dùng 1 liều hằng ngày cho phép kiểm soát sự chuyển hóa trong vòng 1 ngày đêm.

Liều dùng:

  • Liều khởi đầu ở người bệnh chưa được điều trị trước đó: Dùng liều 1 - 2mg/ngày;
  • Bệnh nhân suy nhược, suy dinh dưỡng, người bệnh suy gan, suy thận, người cao tuổi, bệnh nhân có nguy cơ hạ glucose huyết: Dùng liều 1mg/ngày;
  • Người bệnh từng được điều trị bằng thuốc trị tiểu đường khác: Dùng liều 1 - 2mg/ngày, tối đa 2mg/ngày;
  • Liều duy trì: 1 - 4mg/ngày (ở người bệnh đã sử dụng Glimepiride 1mg/ngày, tăng tới 2mg/ngày nếu chưa đạt mức glucose mong muốn sau 1 - 2 tuần điều trị; sau khi dùng tới liều 2mg/ngày thì việc điều chỉnh liều sau đó sẽ tùy mức dung nạp và đáp ứng của bệnh nhân). Nên tăng liều từ từ, mỗi lần tăng không quá 2mg/ngày, cách quãng 1 - 2 tuần, tối đa 8mg/ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Amapileo

Khi sử dụng thuốc Amapileo, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ như: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, cảm giác đầy tức ở vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, rối loạn thị giác tạm thời (khi bắt đầu dùng thuốc),... Ngoài ra, tác dụng phụ quan trọng nhất là hạ glucose huyết. Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp xử trí kịp thời, hiệu quả.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Amapileo

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Amapileo:

  • Không nên sử dụng thuốc Amapileo cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú, trẻ em;
  • Lưu ý tới nguy cơ hạ đường huyết hoặc mất khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân sử dụng thuốc Amapileo;
  • Nguy cơ mất kiểm soát glucose huyết có thể xảy ra ở những bệnh nhân đã ổn định với chế độ điều trị tiểu đường nhưng có những yếu tố gây stress như chấn thương, sốt, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng;
  • Đã có trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng khi điều trị với Glimepiride như: Quá mẫn, phù mạch hoặc hội chứng Stevens - Johnson. Nếu nghi ngờ có phản ứng dị ứng, người bệnh nên nhanh chóng ngừng sử dụng thuốc Glimepiride;
  • Đã có trường hợp sử dụng thuốc Glimepiride bị thiếu máu tan máu, kể cả ở người bệnh thiếu hụt hoặc không thiếu hụt G6PD;
  • Đã có trường hợp tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi sử dụng thuốc hạ glucose huyết đường uống so với một chế độ ăn kiêng đơn thuần hoặc chế độ ăn kiêng kết hợp với dùng insulin;
  • Không nên sử dụng thuốc Amapileo ở những người bệnh bị thiếu hụt enzyme lactase toàn phần, không dung nạp galactose hoặc kém hấp thu glucose - galactose;
  • Tình trạng hạ glucose huyết, tăng glucose huyết hoặc suy giảm thị lực có thể làm giảm khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân. Do vậy, người sử dụng thuốc Amapileo nên thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Amapileo

Một số tương tác thuốc của Amapileo gồm:

  • Các thuốc tiểu đường dạng uống, insulin, dẫn xuất coumarin, IMAO, chloramphenicol, miconazol, phenylbutazon, -blocker,... làm tăng tác dụng hạ đường huyết của Glimepiride;
  • Các thuốc như acetazolamid, thuốc lợi tiểu, phenytoin, barbiturat, glucagons,... có thể làm giảm tác dụng của Glimepiride;
  • Các thuốc kháng histamin H2, reserpin, rượu, clonidine,... làm thay đổi tác dụng của thuốc Glimepiride;
  • Glimepiride có thể làm thay đổi tác dụng của coumarin - thuốc chống đông máu.

Khi sử dụng thuốc Amapileo, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều dùng thuốc. Nếu xảy ra bất kỳ sự cố bất thường nào, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để được xử trí thích hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan