Công dụng thuốc Alzental

Alzental là thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh liên quan đến nhiễm ký sinh trùng như giun, sán và ấu trùng giun sán. Để sử dụng thuốc hiệu quả, bạn hãy cùng tìm hiểu thông tin về thuốc, đặc biệt là lưu ý khi dùng trong bài viết dưới đây.

1. Alzental là thuốc gì? Công dụng ra sao?

Alzental là một sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo có chứa thành phần chính là Albendazol hàm lượng 400mg và các loại tá dược khác vừa đủ 1 viên.

Albendazol - thành phần chính trong thuốc Alzental được biết đến là một dẫn xuất benzimidazol tương tự với các thuốc khác như Mebendazole, Flubendazole, Thiabendazole.

Khi nhắc đến thành phần Albendazol, các chuyên gia cho biết chúng không chỉ có phổ chống giun mạnh mà còn phát huy tốt hiệu quả điều trị trên các loại ấu trùng giun, nang sán. Cụ thể, thuốc tác dụng tốt trên nhiều loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun lươn, giun xoắn... với hiệu quả điều trị cực cao lên đến 90%.

Đặc biệt, hợp chất Albendazol còn có khả năng diệt cả trứng giun và giun trưởng thành. Ngoài ra, khi so sánh với các loại thuốc cùng nhóm khác, tác dụng của Alzental trong loại bỏ giun tóc được đánh giá là mạnh hơn so với Mebendazol- một loại thuốc trị giun nổi bật trên thị trường hiện nay.

Ngoài ứng dụng trong điều trị giun và ấu trùng giun, Alzental còn được sử dụng phổ biến trong trị ấu trùng sán ở các mô, nang sán, sán lá gan. Đặc biệt thuốc cũng có khả năng loại bỏ tối ưu các loại sán dây trong cơ thể như sán dây lợn, sán dây bò.

Về cơ chế tác dụng, Alzental diệt giun theo 2 con đường gồm:

  • Ngăn cản quá trình tổng hợp các vi cấu trúc hình ống để ức chế sự sinh sản của giun.
  • Ức chế sự hấp thu glucose, làm giảm dự trữ glycogen gây cạn kiệt nguồn năng lượng của giun khiến giun chết đi.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Alzental

2.1. Chỉ định

Với cơ chế tác động trên, thuốc Alzental được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân nhiễm một hoặc nhiều loại ký sinh trùng như giun đũa, giun móc, giun kim, sán lợn, sán bò, sán lá gan,...
  • Bệnh nhân nhiễm ấu trùng di trú ở da.
  • Bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn xuất hiện tổn thương não

2.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng Alzental đối với các trường hợp sau:

  • Người có tiền sử dị ứng với Albendazol hoặc các thuốc thuộc nhóm dẫn xuất Benzimidazol.
  • Phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng 1-2 tháng tới.
  • Nếu người bệnh đang dùng thuốc mà lỡ mang thai cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức.

Ngoài ra, cần thận trọng sử dụng thuốc trong một số trường hợp như:

  • Phụ nữ đang trong thời gian cho con bú và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
  • Bệnh nhân có tiền sử nhiễm độc tủy xương cẩn trọng khi dùng thuốc.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Alzental

3.1. Liều dùng thuốc Alzental

Đặc trị các loại giun và ấu trùng:

  • Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: Sử dụng thuốc với liều 1 viên duy nhất
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Sử dụng thuốc với liều 1/2 viên duy nhất.

Đặc trị giun lươn và sán dây lợn, sán dây bò:

  • Người lớn và trẻ em: Sử dụng thuốc Alzental với liều 1 viên duy nhất trong ngày, một đợt điều trị có thể kéo dài 3-14 ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Đặc trị nang sán:

  • Người lớn và trẻ em: Sử dụng với liều 10-15mg/ngày chia 3 lần, một đợt điều trị có thể kéo dài lên đến 28 ngày.

Đặc trị ấu trùng sán thần kinh, ấu trùng sán lợn ở não:

  • Người lớn và trẻ em: Sử dụng với liều 5mg/kg/lần x 3 lần/ngày, 1 đợt điều trị có thể kéo dài 28 ngày.

Đặc trị ấu trùng di chuyển dưới da:

  • Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: Sử dụng 1 liều 400mg duy nhất trong ngày, 1 đợt điều trị kéo dài trong thời gian 3 ngày.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Sử dụng với liều 5 mg/kg/ngày, 1 đợt điều trị kéo dài trong thời gian 3 ngày.

3.2. Cách dùng thuốc

  • Đối với người lớn và trẻ em trên 2 tuổi có thể nhai thuốc Alzental trực tiếp hoặc uống với nước lọc.
  • Đối với trẻ em dưới 2 tuổi hoặc bệnh nhân mắc các bệnh không có khả năng nhai nuốt có thể nghiền nhỏ thuốc và pha loãng để uống hoặc trộn cùng thức ăn.
  • Thời điểm lý tưởng để sử dụng thuốc là vào buổi tối, sau khi ăn nhẹ. Bạn không nên ăn quá nhiều hoặc nhịn ăn khi dùng thuốc bởi điều này sẽ khiến cho thuốc bị giảm tác dụng.

4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Alzental

Về cơ bản, Alzental là thuốc cho khả năng dung nạp tốt nên thường ít gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn. Thông thường, những phản ứng lạ sau dùng thuốc chủ yếu xuất hiện do độc tố của giun giải phóng ra khi bị phân hủy như:

  • Rối loạn tiêu hóa với những dấu hiệu như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy...
  • Sốt, nhức đầu thoáng qua.
  • Rối loạn chức năng gan, đang trong giai đoạn men gan tăng cao.
  • Xuất hiện phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa, mề đay.
  • Giảm bạch cầu, có dấu hiệu suy giảm chức năng thận.

Với những người sử dụng thuốc với liều cao, đợt điều trị kéo dài nhiều ngày, lúc này khả năng xuất hiện tác dụng phụ sẽ cao hơn và mức độ nặng hơn so với bệnh nhân sử dụng một liều duy nhất.

Trong quá trình dùng thuốc Alzental, nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện tác dụng phụ không mong muốn, bạn cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của các thuốc bạn đang sử dụng hoặc gia tăng nguy cơ gây tác dụng phụ. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn nên chia sẻ cho bác sĩ thông tin về các loại thuốc bạn đang sử dụng. Cụ thể, một số thuốc có thể tương tác với thuốc Alzental gồm: Dexamethasone, Praziquantel, Cimetidin, Theophylline.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Alzental mà bạn đọc có thể tham khảo. Bạn hãy chú ý sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết với liều dùng phù hợp để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan