Công dụng của thuốc Eltrombopag

Thuốc Eltrombopag được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Eltrombopag. Thuốc được chỉ định sử dụng trong điều trị một số bệnh lý bất thường về máu: Mức tiểu cầu thấp, thiếu máu bất sản,...

1. Công dụng thuốc Eltrombopag

Thuốc Eltrombopag là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính là Eltrombopag. Eltrombopag là 1 chất chủ vận thụ thể thrombopoietin (TPO) không peptit. Thành phần này liên kết, kích hoạt thụ thể TPO của con người, bắt đầu các con đường dẫn truyền tín hiệu gây tăng sinh, biệt hóa từ các tế bào tiền thân của tủy xương, làm tăng sản xuất tiểu cầu.

Chỉ định sử dụng thuốc Eltrombopag: Điều trị các tình trạng sau:

  • Mức tiểu cầu thấp;
  • Bất thường về máu;
  • Thiếu máu bất sản;
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mãn tính;
  • Giảm tiểu cần liên quan tới viêm gan C mãn tính;
  • Rối loạn máu.

Chỉ định sử dụng thuốc Eltrombopag:

  • Người bị dị ứng với thành phần/tá dược của thuốc;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Eltrombopag

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát:
    • Người lớn: Ở bệnh nhân không đáp ứng đủ với corticosteroid và immunoglobulin hoặc cắt lách dùng liều khởi đầu là 50mg/lần/ngày, điều chỉnh liều để đạt được, duy trì số lượng tiểu cầu ≥ 50 x 109 tế bào/L. Dùng liều tối đa là 75mg/ngày. Người bệnh có thể phải giảm liều, ngắt liều hoặc ngưng dùng thuốc tùy theo phản ứng của tiểu cầu;
    • Trẻ em: Trẻ 1 - 5 tuổi dùng liều ban đầu là 25mg/lần/ngày. Với trẻ 6 - 17 tuổi thì dùng liều như liều của người lớn.
  • Thiếu máu bất sản: Ở người lớn mắc bệnh nặng, không đáp ứng với liệu pháp ức chế miễn dịch, không thích hợp ghép tế bào gốc tạo máu thì dùng liều ban đầu là 50mg/lần/ngày, điều chỉnh liều tăng dần 50mg sau mỗi 2 tuần để đạt được, duy trì số lượng tiểu cầu ≥ 50 x 109 tế bào/L. Liều dùng tối đa là 150mg/ngày. Người bệnh có thể phải giảm liều, ngắt liều hoặc ngưng dùng thuốc tùy theo phản ứng của tiểu cầu. Ở bệnh nhân có đáp ứng 3 dòng máu độc lập với truyền máu ít nhất 8 tuần thì liều dùng có thể giảm 50%;
  • Giảm tiểu cầu liên quan tới viêm gan C mãn tính: Người lớn ban đầu dùng liều 25mg/lần/ngày, điều chỉnh liều tăng dần 25mg trong mỗi 2 tuần cho tới khi đạt đáp ứng đầy đủ để bắt đầu điều trị kháng virus. Liều dùng tối đa là 100mg/ngày. Người bệnh có thể phải giảm liều, ngắt liều hoặc ngưng dùng thuốc tùy theo phản ứng của tiểu cầu.

Quá liều: Triệu chứng dùng thuốc Eltrombopag quá liều gồm tăng số lượng tiểu cầu dẫn tới biến chứng huyết khối/huyết khối tắc mạch, nhịp tim chậm thoáng qua, phát ban, tăng ALT và AST, mệt mỏi,... Việc xử trí gồm sử dụng các chế phẩm chứa cation kim loại (Ca, Al, Mg) để hạn chế sự hấp thụ Eltrombopag, đồng thời theo dõi chặt chẽ số lượng tiểu cầu của bệnh nhân.

3. Tác dụng phụ của thuốc Eltrombopag

Một số tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Eltrombopag gồm:

  • Trầm trọng: Biến cố huyết khối tắc mạch, hình thành đục thủy tinh thể;
  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu, thiếu máu, nhồi máu lách;
  • Tim: Đau ngực, đánh trống ngực và khó thở khi gắng sức;
  • Tai và mê cung: Chóng mặt;
  • Mắt: Khô mắt, xuất huyết võng mạc, co thắt đáy mắt, xuất tiết võng mạc;
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, loét miệng, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, đau răng, khó tiêu, khô miệng, táo bón, căng bụng, đau hầu họng, viêm miệng, trĩ, khó chịu ở bụng, sưng lưỡi, rối loạn nhu động ruột, giãn tĩnh mạch thực quản, trào ngược dạ dày - thực quản;
  • Rối loạn chung và tình trạng tại chỗ dùng thuốc: Suy nhược, ớn lạnh, mệt mỏi, nóng rát, triệu chứng giống cúm, khó chịu, đau, hôn mê;
  • Gan mật: Vàng da, tăng bilirubin máu, ung thư gan;
  • Xét nghiệm: Chức năng gan bất thường, tăng AST và ALT, tăng phosphatase kiềm trong máu giảm hemoglobin, bạch cầu;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Phù ngoại biên, giảm cảm giác thèm ăn, quá tải sắt, sụt cân bất thường;
  • Cơ xương và mô liên kết: Đau khớp, đau cơ, đau cơ xương, đau xương, đau tứ chi, đau lưng;
  • Hệ thần kinh: Nhức đầu, dị cảm, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, bệnh não gan;
  • Tâm thần: Mất ngủ, lo âu, trầm cảm, rối loạn chú ý;
  • Thận và tiết niệu: Nhiễm trùng tiểu, protein niệu, bệnh vi huyết khối kèm theo suy thận, nhiễm sắc thể niệu;
  • Hô hấp, lồng ngực và trung thất: Viêm amidan, viêm họng, cúm, viêm mũi họng, ho, chảy máu cam, nhiễm trùng đường hô hấp trên;
  • Da và mô dưới da: Rụng tóc, phát ban, ngứa, khô da, chấm xuất huyết, ban đỏ, chàm, tăng huyết áp, đổi màu da;
  • Tác dụng phụ khác: Ngất, nhiễm độc gan nặng, đổi màu huyết thanh và cản trở một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (creatinin huyết thanh, bilirubin toàn phần),...

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Eltrombopag

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Eltrombopag:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Eltrombopag ở phụ nữ mang thai và cho con bú, chỉ dùng nếu được bác sĩ cho phép;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Eltrombopag ở người bệnh có nguy cơ thuyên tắc huyết khối (bệnh gan mãn tính tiến triển, thiếu hụt ATIII, hội chứng kháng phospholipid, có khối u ác tính, thời gian bất động kéo dài, phẫu thuật hoặc chấn thương, tuổi cao, béo phì, hút thuốc lá, sử dụng thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone);
  • Thận trọng khi dùng thuốc Eltrombopag ở người bệnh có nguồn gốc châu Á;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Eltrombopag ở bệnh nhân suy gan và suy thận, trẻ em;
  • Thuốc Eltrombopag có thể gây chóng mặt và thiếu tỉnh táo nên nếu có tác dụng phụ này thì người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc;
  • Khi bắt đầu dùng thuốc Eltrombopag và hàng tháng sau đó, người bệnh cần được theo dõi công thức máu (kiểm tra sự khác biệt về số lượng tiểu cầu);
  • Nên xét nghiệm chức năng gan trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Eltrombopag, xét nghiệm 2 tuần/lần trong khi điều chỉnh liều và thực hiện hàng tháng sau đó;
  • Trước khi điều trị bằng thuốc Eltrombopag nên kiểm tra tủy xương với chọc hút di truyền tế bào ở những bệnh nhân thiếu máu bất sản, sau đó kiểm tra mỗi 3 tháng và 6 tháng 1 lần;
  • Khi bắt đầu và trong khi điều trị với thuốc Eltrombopag cần kiểm tra mắt của bệnh nhân. Nên theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng của sự hình thành đục thủy tinh thể và tình trạng huyết khối tĩnh mạch.

5. Tương tác thuốc Eltrombopag

Một số tương tác thuốc của Eltrombopag gồm:

  • Thuốc Eltrombopag làm tăng nguy cơ mất bù ở gan ở những bệnh nhân viêm gan C mãn tính đang dùng interferon và ribavirin;
  • Thuốc Eltrombopag có thể làm tăng nồng độ huyết thanh của chất ức chế HMG CoA reductase như rosuvastatin, simvastatin;
  • Nồng độ thuốc Eltrombopag trong huyết thanh có thể bị giảm nếu sử dụng đồng thời thuốc Eltrombopag với cyclosporin hoặc lopinavir/ritonavir;
  • Thuốc Eltrombopag làm giảm hấp thụ đối với các cation đa hóa trị như Ca, Mg, Fe, Zn;
  • Thuốc Eltrombopag bị giảm nồng độ trong huyết tương của các bữa ăn có canxi cao (ví dụ như chế phẩm từ sữa) hoặc hàm lượng calo/hàm lượng chất béo từ trung bình đến cao.

Lời khuyên cho người bệnh khi sử dụng thuốc Eltrombopag là cần tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao và tránh được nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan