Công dụng của thuốc Caldolor

Ibuprofen là hoạt chất nhóm kháng viêm không steroid. Hoạt chất này có trong nhiều chế phẩm thương mại khác nhau, trong đó có thuốc Caldolor. Vậy thuốc Caldolor công dụng là gì và nên sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn?

1. Caldolor công dụng là gì?

Caldolor được bào chế dạng thuốc tiêm với thành phần chính là hoạt chất Ibuprofen thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Cơ chế hoạt động của Ibuprofen là ức chế các chất gây viêm và đau trong cơ thể.

Thuốc Caldolor được sử dụng với mục đích hạ sốt và giảm đau. Ngoài ra, Caldolor còn có thể được sử dụng với một số mục đích không được liệt kê trong hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất. Một số chế phẩm khác có chứa Ibuprofen (như Neoprofen) đã được sử dụng cho trẻ sinh non để điều trị bệnh lý còn ống động mạch.

2. Những vấn đề cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc Caldolor

Thuốc Caldolor có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ và có thể gây tử vong ngay cả khi bệnh nhân không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc Caldolor ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG).

Việc sử dụng thuốc Caldolor cũng có nguy cơ gây xuất huyết dạ dày hoặc ruột và hoàn toàn có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tình trạng này có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc Caldolor mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi.

Bệnh nhân không nên được điều trị bằng Caldolor nếu có tiền sử bị dị ứng với Ibuprofen, hoặc trước đây từng khởi phát cơn hen phế quản cấp hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi dùng Aspirin hoặc các NSAID khác.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Caldolor, bệnh nhân hãy cho bác sĩ biết nếu tiền sử có những vấn đề sau:

  • Tiền sử mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol máu, đái tháo đường hoặc nghiện hút thuốc lá;
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc có huyết khối mạch máu;
  • Viêm loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa;
  • Tiền căn hen phế quản;
  • Bệnh lý gan hoặc thận;
  • Phù, tăng giữ nước trong cơ thể;
  • Bệnh mô liên kết như hội chứng Marfan, hội chứng Sjogren hoặc lupus ban đỏ hệ thống.

Nếu đang mang thai, bệnh nhân không nên tiêm thuốc Caldolor trừ khi được bác sĩ yêu cầu. Sử dụng NSAID trong 20 tuần cuối của thai kỳ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim hoặc thận ở thai nhi và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng đối với thai kỳ. Đồng thời, bệnh nhân cũng không nên cho con bú trong khi sử dụng thuốc Caldolor.

3. Cách sử dụng thuốc Caldolor

Thuốc Caldolor được sử dụng bằng cách tiêm tĩnh mạch và được thực hiện bởi nhân viên y tế chuyên nghiệp. Bệnh nhân nên uống nhiều nước trong thời gian sử dụng thuốc Caldolor.

Do thuốc Caldolor được sử dụng (tiêm mạch) trong cơ sở y tế nên khả năng quên một liều rất khó xảy ra. Kèm theo đó, việc tiêm thuốc Caldolor được thực hiện bởi nhân viên y tế (điều dưỡng) nên rất khó có thể xảy ra tình trạng quá liều.

Những việc cần tránh khi sử dụng thuốc Caldolor:

  • Không dùng Aspirin trong thời gian điều trị bằng Caldolor;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc khác để điều trị triệu chứng đau, sốt, sưng hoặc chữa cảm lạnh/cúm, vì chúng có thể chứa các thành phần tương tự như Ibuprofen (chẳng hạn như Aspirin, Ketoprofen hoặc Naproxen).

4. Tác dụng phụ của thuốc Caldolor

Bệnh nhân cần được cấp cứu y tế khẩn cấp nếu xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng dị ứng với Caldolor (như nổi mày đay, khó thở, sưng tấy ở mặt hoặc cổ họng...) hoặc các phản ứng da kiểu dị ứng nghiêm trọng (như sốt, đau họng, bỏng mắt, đau da, đỏ da hoặc phát ban dạng phồng rộp và bong tróc).

Ngừng sử dụng thuốc Caldolor và tìm kiếm các biện pháp điều trị phù hợp nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng phản ứng thuốc nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm phát ban da, sốt, sưng hạch, đau nhức cơ, suy nhược nghiêm trọng, bầm tím bất thường hoặc vàng da hoặc vàng mắt...

Bệnh nhân dùng thuốc Caldolor cần được điều trị y tế khẩn cấp nếu có các triệu chứng của nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, như:

  • Đau tức ngực, có thể lan lên hàm hoặc vai;
  • Đột ngột tê hoặc yếu một bên cơ thể;
  • Nói đớt;
  • Phù chân;
  • Cảm thấy khó thở.

Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Caldolor hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức nếu có những tác dụng phụ sau:

  • Thay đổi thị lực;
  • Sưng phù, tăng cân nhanh chóng;
  • Khó thở;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Đau nhói ở cổ hoặc tai;
  • Tiểu ít hoặc không đi tiểu;
  • Tăng cao nồng độ kali máu với các triệu chứng như buồn nôn, suy nhược cơ thể, cảm giác ngứa ran, đau ngực, nhịp tim không đều và mất khả năng vận động;
  • Các vấn đề về gan như chán ăn, đau hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu và vàng da và/hoặc vàng mắt;
  • Giảm số lượng tế bào hồng cầu gây thiếu máu với những dấu hiệu như da xanh xao, mệt mỏi bất thường, cảm thấy choáng váng hoặc khó thở, tay và chân lạnh;
  • Dấu hiệu xuất huyết dạ dày như phân có máu hoặc màu đen, nôn ra máu hoặc chất nôn trông giống bã cà phê.

Khi sử dụng thuốc Caldolor cho trẻ em và có những dấu hiệu bất thường sau thì phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức:

  • Triệu chứng nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, quấy khóc;
  • Chảy máu bất thường;
  • Bầm tím, sưng, nóng, đỏ hoặc kích ứng nơi tiêm Caldolor.

Một số tác dụng phụ thường gặp khác của thuốc Caldolor bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Đầy hơi, ăn khó tiêu;
  • Đau đầu;
  • Chóng mặt.

5. Tương tác thuốc của Caldolor

Để tránh tương tác thuốc bất lợi khi dùng Caldolor, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, trong đó đặc biệt chú ý những thuốc sau:

  • Lithium;
  • Methotrexate;
  • Thuốc chống đông máu như Warfarin, Coumadin, Jantoven;
  • Thuốc điều trị bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, bao gồm thuốc lợi tiểu;
  • Corticosteroid (như prednisone).

Thuốc Caldolor được bào chế dạng thuốc tiêm với thành phần chính là hoạt chất Ibuprofen thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Cơ chế hoạt động của Ibuprofen là ức chế các chất gây viêm và đau trong cơ thể. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: drugs.com, /holevn.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

122 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan