Công dụng của thuốc Aldactone

Thuốc Aldactone có thành phần chính là Spironolactone. Đây là thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp vô căn, điều trị ngắn hạn trước phẫu thuật cho những người bị tăng Aldosteron nguyên phát, suy tim sung huyết và các bệnh lý trong đó có thể xuất hiện chứng tăng Aldosteron thứ phát.

1. Thuốc Aldactone là thuốc gì? Các dạng thuốc Aldactone

Thuốc Aldactone có hoạt chất chính là Spironolactone. Đây là thuốc lợi tiểu giữ kali, một chất đối kháng có cạnh tranh với aldosterone. Thuốc có tác dụng lên ống lượn xa của thận, ức chế tác dụng giữ nước và Na+ và ức chế tác dụng thải trừ K+ của thuốc Aldosterone. Hoạt chất Spironolacton không những làm tăng thải trừ Na+ và Cl- và làm giảm thải trừ K+, mà còn có tác dụng ức chế thải trừ H+ vào nước tiểu. Do cơ chế tác dụng như trên, hoạt chất Spironolacton vừa có tác dụng lợi tiểu, vừa có tác dụng hạ huyết áp. Thuốc Aldactone có thể sử dụng liều điều trị đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc lợi tiểu khác tác dụng ở ống lượn gần.

Một số dạng thuốc Aldactone có thể gặp như:

  • Viên nén thuốc Aldactone 25 mg;
  • Viên nén thuốc Aldactone 50mg.

2. Thuốc Aldactone 25mg điều trị bệnh gì và tác dụng phụ gì?

2.1. Thuốc Aldactone điều trị bệnh gì?

Thuốc Aldactone được chỉ định điều trị trong những trường hợp sau:

  • Điều trị bệnh lý cao huyết áp vô căn.
  • Điều trị ngắn hạn trước phẫu thuật cho những người bị tăng aldosteron nguyên phát.
  • Suy tim sung huyết điều trị liều dùng đơn độc hoặc phối hợp với liệu pháp điều trị chuẩn.
  • Các bệnh lý trong đó có thể xuất hiện chứng tăng aldosteron thứ phát, bao gồm xơ gan kết hợp với phù và/hoặc cổ trướng, hội chứng thận hư và các trạng thái phù khác ( liều điều trị đơn độc hoặc phối hợp với điều trị chuẩn).
  • Liệu pháp hỗ trợ khi sử dụng với thuốc lợi niệu gây giảm kali máu/giảm magie máu.
  • Thiết lập chẩn đoán đối với chứng tăng Aldosteron nguyên phát.
  • Kiểm soát chứng rậm lông.

2.2. Tác dụng phụ của thuốc Aldactone

Việc sử dụng thuốc Aldactone trong thời gian lâu dài có thể các tác dụng không mong muốn dưới đây:

  • Các khối u lành tính, ác tính và không đặc hiệu (bao gồm u nang và polyp): u vú lành tính.
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết như giảm bạch cầu bao gồm mất bạch cầu hạt và giảm tiểu cầu.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: rối loạn điện giải, tăng kali trong máu.
  • Rối loạn tâm thần: thay đổi khả năng tình dục, hay quên.
  • Rối loạn hệ thần kinh: chóng mặt.
  • Rối loạn hệ tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn mửa.
  • Rối loạn chức năng gan mật: bất thường trong các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng về chức năng gan.
  • Rối loạn da và mô dưới da: hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), phát ban nguyên nhân do thuốc kèm tăng bạch cầu ưa acid, rụng tóc, rậm lông, ngứa, phát ban hay nổi mề đay.
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: chuột rút ở các chi.
  • Rối loạn thận và tiết niệu: bệnh lý suy thận cấp.
  • Rối loạn hệ sinh sản và tuyến vú: đau vú, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, hiện tượng vú to ở đàn ông. Tuy nhiên, hiện tượng vú to ở đàn ông thường phục hồi được khi ngừng điều trị hoàn toàn, mặc dù trong một số rất ít các trường hợp vẫn còn hiện tượng tăng phát triển tuyến vú.
  • Rối loạn toàn thân và tại chỗ: cảm giác mệt mỏi nhiều hay suy nhược.

Hiếm khi tác dụng phụ đối với cơ thể như ban sần hoặc ban đỏ, rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày, viêm dạ dày), rối loạn hệ thần kinh trung ương (thất điều, buồn ngủ, đau nhức đầu), mất bạch cầu hạt. Những tác dụng ngoại ý này thường mất đi khi ngừng điều trị với thuốc Aldactone.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Aldactone

3.1. Điều trị cường Aldosterone

Uống 100-400mg/ ngày trước phẫu thuật. Trong trường hợp không thích hợp cho phẫu thuật thì tiến hành điều trị duy trì dài ngày với liều tối thiểu có hiệu quả được xác định cho từng cá thể. Trong trường hợp này, liều điều trị khởi đầu có thể giảm mỗi 14 ngày 1 lần cho đến khi đạt liều điều trị tối thiểu để có hiệu quả. Trong thời gian điều trị lâu dài, bác sĩ thường chỉ định dùng phối hợp thuốc Aldactone với các thuốc lợi tiểu khác để giảm các tác dụng không mong muốn.

3.2. Điều trị phù (suy tim sung huyết, xơ gan hay hội chứng thận hư):

Đối với người lớn:

  • Liều khởi đầu thông thường là 100mg/ngày, chia đều làm hai lần, nhưng có thể dùng từ 25-200mg/ngày.
  • Với liều điều trị cao hơn, thuốc Aldactone nên được sử dụng kết hợp với một thuốc lợi tiểu khác, tốt nhất là với thuốc lợi tiểu có tác dụng ở ống lượn gần. Trong trường hợp này, liều điều trị với thuốc Aldactone vẫn không đổi.

Đối với trẻ em: 3,0 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 2 lần, hoặc uống làm 1 lần.

3.3. Điều trị bệnh lý cao huyết áp

Liều khởi đầu là 50-100mg/ngày, chia làm 2 lần và kết hợp với các thuốc chống cao huyết áp khác. Ðiều trị thuốc Aldactone liên tục ít nhất trong 2 tuần. Nguyên nhân là do hiệu quả điều trị tăng huyết áp tối đa chỉ có thể đạt được sau 2 tuần điều trị. Sau đó, các bác sĩ thường điều chỉnh liều tùy từng cá thể.

3.4. Giảm kali trong máu

Liều hàng ngày thay đổi từ 25-100mg, nếu không thể cung cấp K+ được bằng đường uống hoặc không thể sử dụng được phương pháp giữ kali khác.

4. Tương tác của thuốc Aldactone

  • Nhóm thuốc tăng kali trong máu: Việc sử dụng đồng thời thuốc Aldactone với các thuốc gây tăng kali huyết có thể dẫn tới tình trạng tăng kali huyết nghiêm trọng.
  • Nhóm thuốc lợi tiểu và thuốc điều trị tăng huyết áp khác: Tác dụng của thuốc Aldactone có thể tăng khi sử dụng đồng thời với các thuốc lợi tiểu và các thuốc chống tăng huyết áp khác. Bác sĩ điều trị thường giảm liều điều trị của các thuốc này khi thuốc Aldactone được thêm vào chế độ điều trị.
  • Thuốc Norepinephrine: thuốc Aldactone làm giảm đáp ứng của mạch máu đối với Norepinephrine.
  • Thuốc Digoxin: Báo cáo cho thấy thuốc Aldactone làm tăng thời gian bán thải của digoxin. Hoạt chất Spironolacton có thể gây cản trở định lượng nồng độ digoxin trong huyết tương.
  • Các thuốc chống viêm phi steroid như indomethacin, aspirin và acid mefenamic có thể làm giảm bớt hiệu quả bài tiết natri qua nước tiểu của thuốc lợi tiểu. Nguyên nhân là do thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận và làm suy giảm tác dụng lợi tiểu của spironolacton.
  • Thuốc Antipyrine: thuốc Aldactone làm tăng chuyển hóa của Antipyrin.
  • Amoni clorid: Nhiễm acid chuyển hóa tăng kali huyết được báo cáo ở những người điều trị kết hợp thuốc Aldactone đồng thời với amoni clorid hoặc cholestyramin.
  • Chỉ định đồng thời thuốc Aldactone với carbenoxolon có thể dẫn tới làm giảm hiệu quả điều trị của một trong hai thuốc.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Aldactone

5.1. Chống chỉ định khi điều trị thuốc Aldactone

  • Suy thận cấp tính, tổn thương tại thận, vô niệu;
  • Người mắc bệnh lý Addison;
  • Tăng kali trong máu;
  • Quá mẫn với hoạt chất Spironolactone;
  • Sử dụng đồng thời kết hợp với với thuốc Eplerenone.

5.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Aldactone

  • Dùng đồng thời thuốc Aldactone với các thuốc lợi niệu giữ kali, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chống viêm phi steroid, thuốc đối kháng angiotensin II, thuốc kháng aldosteron, heparin, heparin phân tử lượng thấp, hoặc những thuốc khác hay tình trạng khác được biết là gây tăng kali trong máu. Bên cạnh đó, các nguồn bổ sung kali, chế độ ăn giàu kali, hoặc các muối chứa kali, có thể dẫn tới tăng kali trong máu nghiêm trọng.
  • Bác sĩ điều trị thường chỉ định thực hiện đánh giá định kỳ các chất điện giải trong huyết thanh. Nguyên nhân là do khả năng tăng kali trong máu, giảm natri trong máu và có thể tăng nitơ urê trong máu thoáng qua, đặc biệt là đối với những người cao tuổi hoặc ở những người tiền sử suy chức năng thận hoặc chức năng gan.
  • Nhiễm acid chuyển hóa tăng cho máu có phục hồi, thường kết hợp với tăng kali trong máu.
  • Tăng kali huyết ở những người suy tim nặng: Tình trạng tăng kali huyết quá mức có thể dẫn đến tử vong.
  • Tránh sử dụng kết hợp với nhóm thuốc lợi tiểu giữ kali khác đi kèm.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Ngủ gà và chóng mặt đã được báo cáo xuất hiện ở một số người sau khi điều trị với thuốc Aldactone. Vì thế, khi lái xe hoặc vận hành máy móc cần đặc biệt chú ý cho tới khi đáp ứng với trị liệu ban đầu được xác định.
  • Thời kỳ mang thai: Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về tác dụng không mong muốn của thuốc Aldactone được tiến hành trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng Spironolacton trong thời gian mang thai nếu đã được bác sĩ điều trị cân nhắc lợi ích mang lại cho mẹ vượt trội hơn so với những nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.
  • Thời kỳ cho con bú: Canrenon là một chất chuyển hóa chính và có hoạt tính của Spironolacton, xuất hiện trong sữa mẹ. Do có rất nhiều thuốc được bài tiết vào sữa mẹ và chưa biết rõ tác dụng có hại của các thuốc này lên trẻ bú mẹ. Vì thế, cần quyết định ngừng cho con bú hay ngừng thuốc sau khi đã xem xét và đánh giá tầm quan trọng của thuốc đối với sức khỏe của mẹ.

Thuốc Aldactone có thành phần chính là Spironolactone. Đây là thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp vô căn, điều trị ngắn hạn trước phẫu thuật cho những người bị tăng Aldosteron nguyên phát, suy tim sung huyết và các bệnh lý trong đó có thể xuất hiện chứng tăng Aldosteron thứ phát. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được accs tác dụng phụ, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan