Công dụng của Cam thảo phiến

Cam thảo còn có tên gọi khác là Cam thảo bắc, Lộ thảo. Cam thảo là một vị thuốc được sử dụng trong cả Đông y và Tây y, ngoài ra nó còn được dùng trong công nghệ sản xuất nước giải khát. Vậy cam thảo phiến dùng làm gì? Khi sử dụng cần lưu ý điều gì để đạt hiệu quả và an toàn?

1. Cam thảo phiến là gì?

Cam thảo (Glycyrrhiza uralensis Fisch) là cây thuốc của miền núi ôn đới, phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nga và Afghanistan. Cam thảo thuộc họ đậu, là loại cây lâu năm, cao khoảng 1 – 1,5 m. Toàn thân có lông rất nhỏ. Lá dài 2 – 5,5 cm, lá kép lông chim lẻ, gồm 9 – 17 lá chét, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Hoa màu tím nhạt, hình cánh bướm dài khoảng 14 – 22 cm. Quả giáp cong hình lưỡi liềm với chiều rộng 6 – 8 cm và chiều dài khoảng 3 – 4 cm. Quả có màu nâu đen, có nhiều lông ở mặt quả. Trong quả có từ hai đến tám hạt nhỏ dẹt màu xám nâu hoặc xanh đen nhạt, mặt bóng.

Rễ thường được thu hoạch vào cuối thu hoặc vào mùa đông, từ cây 3 – 4 năm tuổi. Vào thời điểm này, rễ chắc, nặng, nhiều bột và có chất lượng tốt. Sau khi thu hoạch, rễ được loại bỏ đất, phân loại lớn nhỏ rồi đem phơi khô. Khi rễ khô được 50% thì được bó thành bó, sau đó chỉ phơi đầu cắt, không phơi cả rễ để giữ cho vỏ có màu nâu đỏ đẹp. Cam thảo có thể được dùng dưới dạng sống (Sinh thảo), dạng tẩm mật (Chích thảo) hoặc dạng bột mịn.

Cam thảo có vị ngọt, tính bình. Về quy kinh, Cam thảo quy kinh tỳ, phế, vị và tâm.

Về thành phần hóa học, rễ của Cam thảo có chứa Triterpenoids, flavonoids.

Cam thảo có những tác dụng như sau :

  • Kích thích xuất tiết của hầu họng và khí quản, làm cho loãng đàm, chỉ khái, hóa đàm.
  • Chống rối loạn nhịp tim.
  • Tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.

Theo y học hiện tại, tác dụng của Cam thảo được chứng minh qua các nghiên cứu thực nghiệm là trấn tĩnh, giảm ho, ức chế thần kinh trung ương, tác dụng giải co thắt cơ trơn, tăng bài tiết mật, làm tăng tiết dịch vị của histamin, chống viêm và chống dị ứng, tác dụng giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu.

2. Cam thảo phiến có tác dụng gì?

Cam thảo phiến có tác dụng trong thanh nhiệt, giải độc, tâm khí hư, đinh nhọt sưng độc, táo nhiệt thương tổn tân dịch, viêm họng, trúng độc, điều hoà các vị thuốc.

Ngoài ra, Cam thảo còn được dùng để chữa bệnh Addison vì thảo dược này chứa acid glyrectic. Chất này có cấu tạo như cortisol, tác dụng tới sự chuyển hóa các chất như điện giải, cơ thể giữ lại natri và clorua, giúp bài tiết kali.

3. Chống chỉ định của Cam thảo phiến

Không dùng Cam thảo phiến trong những trường hợp tỳ vị hư yếu, tích trệ, nôn ói, huyết áp thấp, đái tháo đường.

4. Liều dùng và cách sử dụng Cam thảo phiến

Trị ho lâu ngày và ho lao:

  • Nướng 120 g Cam thảo sau đó nghiền thành bột, uống 4g/lần, ngày uống 3 - 4 lần .

Điều trị loét dạ dày:

  • Dùng 2 phần cao Cam thảo hoà tan với 1 phần nước uống. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê, ngày uống 3 lần. Không uống liên tục quá 3 tuần.

Tâm phế suy nhược, khó thở, mệt xỉu, mạch nhỏ yếu (hạ đường huyết hoặc huyết áp thấp):

  • Nghiền 12g Cam thảo, 8g Nhị sâm, 10g Đương quy thành bột. Mỗi lần uống 4g, ngày uống 3 - 4 lần hoặc sắc uống lúc nguy cấp.

Trị mụn nhọt và ngộ độc:

  • Uống 1 - 2 thìa cà phê cao mềm cao thảo mỗi ngày.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc

  • Không dùng Cam thảo phiến với Đại kích, Cam toại, Nguyên hoa và Hải tảo.
  • Nên dùng Cam thảo phiến theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tóm lại, cam thảo là một vị thuốc có công dụng kích thích xuất tiết của hầu họng và khí quản, làm loãng đàm, chỉ khái, chống rối loạn nhịp tim, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan