Cách dùng thuốc giảm phù nề sau chấn thương

Sau khi gặp phải các chấn thương hay phẫu thuật, phù nề như một phản ứng mà bất cứ ai cũng sẽ gặp phải trong quá trình hồi phục. Để giảm tình trạng phù nề thì người bệnh cần biết sử dụng thuốc giảm phù nề đúng cách. Dưới đây sẽ là bài chia sẻ của Vinmec về cách sử dụng thuốc chống phù nề trong chấn thương phần mềm và sau phẫu thuật.

1. Thuốc giảm phù nề đóng vai trò gì trong phục hồi sau chấn thương?

1.1. Phù nề là gì

Phù nề là hiện tượng sưng bọng ở các vùng trên cơ thể, phù nề thường xuất hiện ngoài da đặc biệt là bàn tay, mắt cá chân, bàn chân, cơ. Phù nề là biểu hiện cho sự tổn thương các mô liên kết tại chỗ như cơ, dây chằng, gân, da, mỡ, bao khớp, mạch máu nuôi dưỡng. Khi bị phù nề, người bệnh sẽ có cảm giác đau tức kèm theo sưng, tiếp đó 24h-48h sẽ có phản ứng bầm tím và sưng tấy mạnh hơn.

Trong các sinh hoạt hàng ngày, các chấn thương phần mềm như bong gân, viêm cơ, dây chằng là điều rất dễ gặp phải. Các dạng chấn thương phần mềm thường gây ra sưng, đau, nhức tại chỗ và đặc biệt là phù nề, bầm tím. Khi gặp các dạng chấn thương này, nếu được xử lý bước đầu đúng cách như chườm, sát trùng,... thì vết thương sẽ nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, với các vết thương chấn thương phần mềm nặng thì người bệnh cần sử dụng thêm thuốc chống phù nề để giảm sưng nhất có thể.

1.2. Vai trò của thuốc giảm phù nề trong chấn thương phần mềm

Các loại thuốc giảm phù nề trong chấn thương phần mềm có vai trò làm giảm sự tụ máu đến vùng mô và cơ quan đang bị viêm, giúp cho quá trình viêm và áp xe được giảm đáng kể.

2. Các tác dụng của thuốc giảm phù nề

2.1. Tác dụng chính

Các thuốc chống viêm và giảm phù nề đều thuộc loại thuốc không kê đơn nên người dùng có thể tự mua ngoài hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Các loại thuốc giảm phù nề sau chấn thương phần mềm thường gặp là aspirin, alphachymotrypsin, ibuprofen, naproxen đều là các thuốc chống viêm giảm phù nề không steroid. Các thuốc này còn được viết tắt là nhóm thuốc NSAIDs, tác dụng trên cơ thể bằng cách ngăn chặn Prostaglandin (là một chất nhạy cảm với các dây thần kinh làm tăng cảm giác đau khi gặp phản ứng viêm, phù nề). Nhờ ngăn chặn Prostaglandin dẫn truyền tới thần kinh, thuốc NSAIDs giúp giảm phù nề và hạ sốt.

2.2. Tác dụng phụ

Ngoài những tác dụng chính ra thì thuốc giảm phù nề thuộc nhóm NSAIDs cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khác cho người bệnh như tiêu chảy, ù tai, phát ban, nổi sẩn, nôn, tức ngực và rối loạn nhịp tim. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có thành phần biệt dược, tá dược khác nhau gây ra một số tác dụng phục cũng khác nhau. Do đó nếu sử dụng loại thuốc giảm phù nề sau chấn thương nào thì bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết rõ tác dụng phụ của chúng.

3. Cách dùng thuốc giảm phù nề sau chấn thương

Một số loại thuốc giảm phù nề phổ biến hiệu quả trên thị trường hiện nay mà người bệnh có thể tìm và mua. Tuy nhiên cũng cần đọc kỹ HDSD trước khi sử dụng để tránh gặp các tác dụng không mong muốn.

3.1. Alpha chymotrypsin

Đây là thuốc chống phù nề sau chấn thương có thành phấn chính là Chymotrypsin hay Alphachymotrypsin. Alphachymotrypsin là men thủy phân protein có nguồn gốc từ chymotrypsinogen trong dịch tụy bò, 1 viên Alpha chymotrypsin được bào chế có thể uống, ngậm dưới lưỡi.

Thuốc Alpha chymotrypsin có công dụng giúp làm kháng viêm, tụ máu và giảm phù nề ở các trường hợp áp xe, lở loét, chấn thương phần mềm hay người bệnh sau phẫu thuật.

Trong các bệnh lý viêm họng, viêm phế quản, thuốc Alpha chymotrypsin còn có tác dụng lỏng các dịch tiết đường hô hấp.

Liều dùng Alphachymotrypsin: Uống hoặc ngậm dưới lưỡi 2 viên/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày. Nếu dùng theo đường ngậm dưới lưỡi thì tránh nhai thuốc mà nên để thuốc tan dần ra.

3.2. Thuốc Katrypsin

Katrypsin là thuốc có thành phần chính alphachymotrypsin 21 microkatals, được dùng nhiều trong chống phù nề mô mềm. Trong các bệnh lý như viêm họng viêm phế quản thì Katrypsin được dùng nhiều do có tác dụng tiêu hủy dịch lỏng bám dính ở đường hô hấp hiệu quả. Thuốc Katrypsin cũng được sử dụng để làm thuốc giảm phù nề sau phẫu thuật, giảm phù nề sau các chấn thương phần mềm.

Liều dùng Katrypsin: Thuốc Katrypsin dùng theo đường uống, liều dùng 2 viên/lần, ngày uống từ 3-4 lần.

Lưu ý, các thuốc thuốc giảm phù nề thường có tác dụng phụ gây tiêu chảy, tiết acid dạ dày nên người bệnh có thể phải dùng thuốc ức chế bơm proton hoặc giảm acid dạ dày trước khi uống thuốc giảm phù nề sau chấn thương.

Phù nề là phản ứng khó tránh khỏi sau khi gặp các chấn thương phần mềm hoặc sau khi được thực hiện phẫu thuật. Để sử dụng thuốc giảm phù nề sau chấn thương, người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần hiểu rõ các tác dụng phụ, liều dùng, thời điểm dùng thuốc thích hợp. Ngoài ra, sau các chấn thương phần mềm hay phẫu thuật, người bệnh cũng cần có được một chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi phù hợp để quá trình lành thương có kết quả tốt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan