Nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng tiết nước bọt là gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Cháu bị tiết nước bọt nhiều. Bác sĩ cho cháu hỏi nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng tiết nước bọt là gì?

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng tiết nước bọt là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Sialorrhea, còn được gọi là chảy nước dãi/ptyalism, là khi lượng nước bọt dư thừa trong miệng ngoài/quá mép môi. Chảy nước dãi phổ biến như một sự phát triển bình thường ở trẻ sơ sinh nhưng giảm dần theo độ tuổi từ 15 đến 36 tháng sau khi tiết nước bọt hình thành ổn định, và được coi là bất thường nếu tồn tại sau 4 tuổi. Chảy nước dãi /thừa nước bọt có thể là một hiện tượng riêng biệt do tăng tiết hoặc do một số rối loạn thần kinh như xơ cứng teo cơ bên (ALS), bại não (CP), bệnh Parkinson (PD) hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất chảy nước dãi là bại não, chiếm khoảng 10% - 38%. Ở người lớn, bệnh Parkinson là nguyên nhân phổ biến nhất khoảng 70% - 80%. Ở 30% - 80% bệnh nhân tâm thần phân liệt, biểu hiện tăng tiết khi dùng clozapine.

Bất kể nguyên nhân là gì, chảy nước dãi nghĩa là có vấn đề, dẫn đến các biến chứng lâm sàng và chức năng như suy giảm chức năng xã hội (xấu hổ và cô lập), khịt khạc nhiều, mùi hôi và nhiễm trùng.

Ở trạng thái không bị kích thích, 70% nước bọt được tiết ra bởi các tuyến dưới hàm và dưới lưỡi. Ngược lại, ở trạng thái kích thích, tuyến mang tai cung cấp hầu hết nước bọt. Lưu lượng nước bọt ở trạng thái kích thích lớn hơn gấp 5 lần so với ở trạng thái bình thường, ví dụ khi nhai. Nước bọt được sản xuất tương ứng với khối lượng của mỗi tuyến và hầu như được kiểm soát hoàn toàn bởi hệ thần kinh tự chủ, cả giao cảm và phó giao cảm. Do đó, rối loạn tăng tiết nước bọt còn liên quan đến nhiều nguyên nhân về điều tiết nước bọt từ sản xuất và cân bằng thông qua phản xạ nuốt và tất cả những cấu trúc vùng họng miệng cũng như hệ tiêu hóa,...

Điều trị tăng tiết nước bọt tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Những nguyên nhân tạm thời như viêm nhiễm, thai kỳ, các tình trạng răng miệng, trào ngược hay do tác dụng phụ của thuốc,... có thể cải thiện khả quan sau khi điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp dai dẳng và nguyên nhân phức tạp khác, hầu như việc điều trị rất hạn chế. Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen, tập vận động miệng, sử dụng các thiết bị luyện tập vòm miệng và tiêm độc tố botulinum. Các phương pháp điều trị xâm lấn hơn bao gồm phẫu thuật hoặc xạ trị.

Nếu bạn còn thắc mắc về tăng tiết nước bọt, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan