Vì sao bạn cần vận động?

Thói quen lười vận động có thể gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý nguy hiểm. Do đó, mỗi người cần tăng cường vận động để có một vóc dáng đẹp và một sức khỏe tốt.

1. Vì sao con người cần tăng cường vận động?

Con người sinh ra là để vận động. Cơ thể con người là một bộ máy được thiết kế dành riêng cho việc vận động và vận động là một nhu cầu thiết yếu cũng như ăn, uống, ngủ, nghỉ. Đó là vì:

1.1 Có những phản ứng nào xảy ra khi vận động?

Khi vận động, mỗi người đã kích thích hàng loạt những phản ứng có lợi cho cơ thể. Đó là:

  • Máu được bơm nhiều hơn đến các cơ quan, giúp cải thiện quá trình trao đổi chất;
  • Não sẽ sản sinh ra những hormone có lợi cho cơ thể như endorphin và oxytocin, giúp tinh thần phấn chấn hơn;
  • Cơ bắp được đàn hồi và tăng cường sức mạnh;
  • Xương được củng cố, các khớp xương được nuôi dưỡng nhờ dịch khớp tiết ra;
  • Cơ quan tiêu hóa được kích thích, cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng cường bài tiết độc tố,...

Khi chúng ta vận động, khoảng 37,2 nghìn tỷ tế bào cơ thể sẽ được kích thích hoạt động, tuần hoàn và trao đổi chất. Đồng thời, còn có vô vàn những lợi ích khác khi cơ thể vận động. Những lợi ích này sẽ được củng cố khi chúng ta có một chế độ tập luyện phù hợp và đều đặn.

1.2 Các hệ cơ quan có thay đổi gì khi vận động?

Vận động giúp cải thiện sức khỏe, chống lại bệnh tật, cải thiện ý chí kiên cường, kiên trì, sự tự tin và biết kiểm soát cảm xúc. Các hệ cơ quan sẽ có những thay đổi khi chúng ta vận động, đó là:

  • Cơ bắp: Các cơ bắp kết nối với xương thông qua hệ thống gân và dây chằng. Chúng hoạt động như 1 đòn bẩy, hỗ trợ cho xương. Khi chúng ta vận động cơ bắp thường xuyên, các mô cơ sẽ được kích thích phát triển;
  • Xương: Vận động giúp duy trì xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, giảm tỷ lệ té ngã, gãy xương và tàn tật;
  • Tâm trí: Tăng cường vận động giúp làm tăng lưu lượng máu đến não, kích thích tăng khối lượng não - đặc biệt là ở vùng hải mã (khu vực quan trọng về trí nhớ và lý luận). Duy trì khối lượng não khi bạn già đi sẽ ngăn ngừa, làm chậm nguy cơ mất trí nhớ. Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em và người lớn chăm chỉ tập thể dục sẽ có sức khỏe tinh thần và cảm xúc tốt hơn so với người ít vận động. Vận động giúp giải phóng endorphin, ngăn ngừa lo lắng và trầm cảm, cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm;
  • Tim và phổi: Khi vận động, tim, mạch và phổi sẽ phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ bắp thực hiện chuyển động. Các quá trình này giữ cho tĩnh mạch và động mạch linh hoạt, không có mảng bám hoặc cục máu đông. Ngoài ra, khi vận động, hoạt động của tim mạch tăng lên, cho phép bạn làm việc hiệu quả hơn, ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.
tập thể dục tốt cho cơ thể
Tập thể dục tốt cho cơ thể, vóc dáng

2. Lý do khiến chúng ta lười vận động

Tập thể dục tốt cho cơ thể, điều này ai cũng biết. Nhưng vẫn có những người ít vận động, tập thể dục vì:

  • Nhịp sống nhanh: Nhịp sống không ngừng dịch chuyển của xã hội hiện đại khiến bạn chạy theo những nhu cầu của một cuộc sống tiện nghi, ít quan tâm tới sức khỏe bản thân. Mặt khác, mạng xã hội và công nghệ phát triển đã vô tình khiến con người bị phân tâm, sa đà vào những hoạt động trên mạng, lười vận động thể dục;
  • Ảnh hưởng của hormone: Khi bạn lười vận động, cơ thể sẽ mệt mỏi, chán chường và càng cảm thấy lười vận động hơn. Đó là do ảnh hưởng của hormone. Vì vậy, khi không muốn vận động, cách duy nhất để bạn cảm thấy tốt hơn là đứng dậy tập luyện;
  • Chưa ý thức được vai trò của vận động: Không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường vận động hoặc chưa xây dựng một chế độ tập luyện cho mình;
  • Chưa tìm được cách vận động thích hợp: Nhiều người vẫn lơ là việc vận động vì chưa tìm được các bài tập thể dục phù hợp. Tuy nhiên, luôn có cách vận động phù hợp cho bạn - chỉ cần bạn muốn làm.

3. Hậu quả của lười vận động

Lười vận động gây nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Đó là:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Người ít vận động sẽ đốt cháy quá ít calo, khiến các thụ thể insulin giảm độ nhạy, giảm tiêu thụ lượng đường trong cơ thể;
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim: Thói quen ít vận động khiến năng lượng tích tụ lại trong cơ thể tạo thành mỡ, tăng lượng cholesterol xấu (LDL) và giảm lượng cholesterol tốt (HDL). Đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch;
  • Dễ mắc chứng nghẽn mạch và suy tĩnh mạch: Khi bước qua tuổi trung niên, bạn dễ mắc phải tình trạng suy tĩnh mạch ngoại biên nếu ngồi quá nhiều, ít vận động. Từ đó, dễ hình thành huyết khối ở chân. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng nếu cục máu đông di chuyển đến phổi. Bên cạnh đó, ngồi quá lâu còn làm giảm lưu lượng máu chảy về chân, làm tăng thêm áp lực trong tĩnh mạch, dẫn tới tình trạng giãn tĩnh mạch, khiến người bệnh đau đớn;
  • Làm chậm quá trình trao đổi chất: Cơ thể không được vận động thường xuyên sẽ khiến quá trình trao đổi chất bị chậm lại, chậm lưu thông máu, tăng nguy cơ mắc một số vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe;
  • Dễ gây stress và trầm cảm: Những người ít hoạt động thể chất thường dễ bị stress và trầm cảm (do không vận động nên cơ thể không giải phóng endorphin - hormone giảm cảm giác đau và tăng cảm giác hạnh phúc);
  • Gây béo phì: Lười vận động là nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân, béo phì vì lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy đã dẫn tới tình trạng tích tụ mỡ thừa. Người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, sỏi mật, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư vú, bệnh tim mạch, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng,...;
  • Hệ lụy khác: Đau lưng và vai gáy, giảm tuổi thọ,...

4. Một số bài tập thể dục tốt cho cơ thể

Tăng cường vận động mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Vì vậy, bạn hãy ý thức được tầm quan trọng của việc vận động, tránh xa những thứ làm bạn xao nhãng việc tập luyện và đứng dậy vận động ngay lập tức. Một số bài tập tốt cho bạn và gia đình là:

4.1 Bài tập căng cơ ngực và cổ

Bài tập này giúp giảm đau nhức ở cổ, các cột sống ở lưng hiệu quả, phù hợp với học sinh và người làm việc công sở phải ngồi nhiều. Cách thực hiện như sau:

  • Bắt đầu với tư thế ngồi thư giãn, đặt 2 chân như tư thế hoa sen rồi duỗi thẳng 2 chân trên sàn nhà thành 1 góc 90° với thân mình;
  • Vươn tay phải qua đầu, đặt tay vào thái dương trái, kéo nhẹ đầu sang phải, thả lỏng tay trái hướng xuống đất;
  • Thả lỏng đầu và cổ qua bên phải theo hướng tay;
  • Giữ lưng thẳng, làm ngược lại với bên kia;
  • Thực hiện động tác trên xen kẽ mỗi bên 3 - 5 lần/ngày.

4.2 Bài tập leo núi

Đây là bài tập tăng cường vận động khá đơn giản, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Thực hiện tư thế leo núi thường xuyên sẽ giúp bạn sở hữu cơ bụng săn chắc, hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn và cải thiện sức khỏe tim mạch. Cách thực hiện như sau:

  • Chống 2 tay xuống sàn;
  • Đẩy nhanh 2 chân về phía ngực;
  • Lặp lại động tác 5 - 10 lần hoặc thực hiện liên tục 15 giây.
tập thể dục tốt cho cơ thể
Bài tập leo núi là bài tập thể dục tốt cho cơ thể

4.3 Bài tập gập người chữ V

Đây là bài tập dành riêng cho cơ bụng, giúp người tập làm săn chắc vùng cơ lõi. Cách thực hiện như sau:

  • Bắt đầu với tư thế nằm thư giãn, duỗi 2 tay qua khỏi đầu;
  • Nâng chân và phần bụng dưới cùng lúc, duỗi 2 tay thẳng, cố chạm tay tới chân theo hình chữ V;
  • Lặp lại động tác 15 - 20 lần. Khi cơ thể tạo thành chữ V, cha mẹ có thể đặt con ngồi vào lòng, phối hợp thực hiện với ba mẹ.

Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia bất kỳ môn thể thao nào vừa sức và phù hợp với sở thích của mình. Các môn như đi bộ, đạp xe,... cũng rất tốt vì vừa tăng cường vận động vừa góp phần bảo vệ môi trường. Điều cốt yếu là bạn cần tập luyện tối thiểu 30 phút/ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần.

Tăng cường vận động đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, đúng phương pháp, đúng thời gian theo lứa tuổi, thể trạng và sở thích. Bạn nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, từ bỏ thói quen lười vận động, ăn uống đủ chất và lành mạnh để duy trì sức khỏe tốt.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan