Ung thư xương chữa được không?

Nội dung được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư xương đều có chung một câu hỏi, ung thư xương có chữa khỏi không. Hiện nay, với sự phát triển của y khoa, ung thư xương đã trở thành một căn bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm hoặc có thể có thời gian sống thêm lâu dài. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư xương dựa trên loại ung thư, giai đoạn ung thư, sức khỏe tổng quát, quyết định của bệnh nhân và gia đình.

Các loại ung thư xương khác nhau đáp ứng với các phương pháp điều trị khác nhau và bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn phác đồ nào là tốt nhất cho loại ung thư xương đó. Ví dụ, một số loại ung thư xương được điều trị chỉ bằng phẫu thuật; một số với phẫu thuật và hóa trị; và một số bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

1. Bệnh ung thư xương có chữa được không?

Điều trị ung thư xương phụ thuộc vào loại ung thư xương, mức độ di căn và tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh. Các phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Việc lên kế hoạch điều trị của từng người bệnh nên được quản lý bởi một trung tâm chuyên khoa có kinh nghiệm điều trị ung thư xương, nơi bạn sẽ được chăm sóc bởi một đội ngũ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nhau phối hợp nhiều chuyên khoa. Các thành viên nhóm điều trị bệnh ung thư xương sẽ bao gồm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình chuyên về xương và khớp, bác sĩ nội khoa ung thư (điều trị hoá chất), bác sĩ xạ trị, bác sĩ phục hồi chức năng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh và y tá chuyên khoa ung thư. Đội ngũ này sẽ giúp bệnh nhân nhận được phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Một kế hoạch điều trị ung thư xương được đề xuất có thể bao gồm sự kết hợp của:

  • Phẫu thuật để loại bỏ phần xương chứa tế bào ung thư - thường có thể tái tạo hoặc thay thế phần xương đã bị loại bỏ bằng xương nhân tạo hoặc xương tự thân, hoặc đôi khi người bệnh cần phải cắt cụt chi và sử dụng chi giả thay thế.
  • Hóa trị - phương pháp điều trị sử dụng hóa chất để diệt các tế bào ung thư trước hoặc sau phẫu thuật.
  • Xạ trị - phương pháp sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư

2. Phẫu thuật giúp bệnh ung thư xương chữa được không?

Phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi khối u không chỉ giúp loại bỏ được các khối ung thư mà còn đảm bảo không bỏ sót tế bào ung thư ở các tổ chức xung quanh khối u. Đối với khối u tại chân tay trước đây khi y học chưa phát triển các bệnh nhân cần phải cắt cụt chi. Ngày nay với các kĩ thuật mới nhất, các bác sĩ đã dùng phương pháp phẫu thuật bảo tồn chi giúp cho bệnh nhân có thể giữ lại được chân tay của mình, đảm bảo về mặt chức năng và thẩm mỹ sau phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật bảo tồn chi bao gồm cắt rộng rãi đoạn u và thay bằng đoạn xương và khớp nhân tạo bằng kim loại hoặc đoạn u xương sau khi cắt ra được xử lý bằng Nitơ lỏng sau đó được ghép trở lại vào vị trí cũ.

Một số trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật bảo tồn chi thì cần phải cắt cụt chi. Người bệnh ung thư xương phục hồi sau phẫu thuật như thế nào? Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ cần được giúp đỡ để trở lại cuộc sống bình thường bằng các phương pháp phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng thường bao gồm các buổi vật lý trị liệu, nơi người bệnh thực hiện các bài tập để giúp lấy lại chức năng thích hợp của bộ phận cơ thể được điều trị và liệu pháp vận động, nơi bạn được dạy các kỹ năng để thực hiện các hoạt động hàng ngày.

ung thư xương có chữa được không
Ung thư xương có chữa được không khi người bệnh đã phẫu thuật cắt bỏ chi

3. Hóa trị liệu có chữa được bệnh ung thư xương không?

Có các phương pháp hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư xương:

  • Hóa trị trước khi phẫu thuật - để thu nhỏ khối u và giúp phẫu thuật dễ dàng hơn.
  • Hóa trị kết hợp với xạ trị - phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong điều trị ung thư xương loại sarcoma Ewing.
  • Hóa trị sau khi phẫu thuật, để ngăn ngừa ung thư quay trở lại, kiểm soát các triệu chứng trong trường hợp không thể chữa khỏi (được gọi là hóa trị liệu giảm nhẹ).

Hóa trị cho bệnh ung thư xương bao gồm việc sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau qua đường truyền tĩnh mạch. Việc hóa trị thường được lên kế hoạch theo chu kỳ. Một chu kỳ bao gồm việc dùng thuốc hóa trị trong vài ngày, sau đó nghỉ ngơi trong vài tuần để cơ thể bạn phục hồi sau tác động của việc điều trị. Số chu kỳ bạn cần sẽ phụ thuộc từng loại phác đồ.

Hóa trị có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh khác của cơ thể trong quá trình phá hủy các tế bào ung thư, có nghĩa là nó có thể gây ra một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu bao gồm:

  • Người bệnh cảm thấy mệt mỏi và bị ốm, chán ăn
  • Nôn, buồn nôn
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Viêm loét miệng
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng
  • Rụng tóc tạm thời
  • Khô da
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu
  • Tăng men gan

Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến hóa trị liệu sẽ biến mất sau khi quá trình điều trị của bạn kết thúc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan