Tăng áp lực khoảng kẽ

Trong chuyên ngành phẫu thuật xương khớp, chấn thương chỉnh hình, nội soi và phẫu thuật thay khớp, tăng áp lực khoảng kẽ là yếu tố được quan tâm hàng đầu và có tính chất quyết định trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay. Vậy tăng áp lực khoảng kẽ là gì? Yếu tố căn nguyên của hội chứng ống cổ tay là gì?

1. Tăng áp lực khoảng kẽ là gì?

Trong tổng thể tích của cơ thể bao gồm cả không gian giữa các tế bào, những khoảng không này được gọi là khoảng kẽ. Các chất lỏng gồm chất keo và dịch tự do trong các không gian này được gọi là dịch kẽ. Tăng áp lực khoảng kẽ là sự gia tăng thẩm thấu các chất keo và dịch tự do trong khoảng kẽ, thường gặp trong quá trình phẫu thuật ngoại khoa về xương, khớp.

  • Chất keo trong khoảng kẽ

Nhờ sự khuếch tán và lọc của các mao mạch, dịch và các chất lỏng trong khoảng kẽ chứa các thành phần tương tự như huyết tương, ngoại trừ nồng độ protein trong chất keo thấp hơn. Điều này là do protein không dễ dàng vượt qua bên ngoài qua các lỗ mao mạch. Quá trình này tạo thành chất keo trong khoảng kẽ. Trong không gian nhỏ giữa các sợi proteoglycan, chất keo trong khoảng kẽ được tạo ra giúp gắn kết dịch kẽ và proteoglycan bên trong tạo nên những đặc điểm của một gel và được gọi là mô gel.

Tuy nhiên, dịch kẽ lưu thông qua các mô gel rất khó khăn, do bị ngăn cản bởi nhiều sợi proteoglycan nên dịch kẽ chủ yếu là khuếch tán qua gel, điều này tạo ra sự chuyển động qua phân tử từ nơi này đến nơi khác bằng động năng.

Sự khuếch tán chất keo trong dịch kẽ qua gel xảy ra nhanh như qua dịch tự do chiếm khoảng 95%-99% khuếch tán và càng nhanh hơn ở những vị trí có khoảng cách nhỏ giữa các mao mạch và các tế bào mô, điều này phép vận chuyển nhanh chóng thông qua khoảng kẽ các phân tử nước, các chất điện giải, các vi chất dinh dưỡng có trọng lượng phân tử nhỏ, oxy, carbon dioxide, ...

  • Dịch tự do trong khoảng kẽ

Trên thực tế, trong các khoảng kẽ vẫn có những dòng nhỏ dịch tự do và những túi dịch nhỏ cũng xuất hiện, do không có các phân tử proteoglycan. Hiện tượng này càng thể hiện rõ hơn khi tăng áp lực khoảng kẽ.

Tuy nhiên, sự có mặt của dịch tự do trong khoảng kẽ ở các mô bình thường là ít, thường nhỏ hơn 1%. Ngược lại, khi các mô bị phù nề kèm theo việc tăng áp lực khoảng kẽ, những túi nhỏ và dòng kẽ nhỏ của dịch tự do mở rộng rất nhiều cho đến khi một nửa hoặc nhiều hơn dịch phù chảy tự do không phụ thuộc vào sợi phân tử proteoglycan.

2. Hội chứng ống cổ tay là gì? Đâu là yếu tố căn nguyên?

Hội chứng ống cổ tay (CTS) là áp lực lên dây thần kinh ở cổ tay của người bệnh, gây ngứa ran, tê và đau ở bàn tay và các ngón tay. Người bệnh thường có thể tự điều trị nhưng có thể mất vài tháng để bệnh thuyên giảm.

Hội chứng ống cổ tay được tạo ra bởi sự chèn ép của dây thần kinh giữa nằm trên lòng bàn tay. Dây thần kinh giữa giúp duy trì khả năng cảm nhận cho các ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón tay dài và một phần của ngón áp út). Dây thần kinh giữa cũng cung cấp xung lực cho cơ đi đến ngón tay cái. Hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tay của người bệnh.

hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay gây ảnh hưởng tới hoạt động của bàn tay người bệnh

Khi có hiện tượng sưng bên trong cổ tay sẽ gây ra sự chèn ép trong hội chứng ống cổ tay của người bệnh, biểu hiện chính của tình trạng này có thể dẫn đến tê, yếu và ngứa ran ở bên bàn tay gần ngón cái.

2.1. Những nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay

Những triệu chứng được thể hiện qua các cơn đau trong ống cổ tay của người bệnh là do áp lực lớn ở cổ tay và dây thần kinh giữa. Nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng ống cổ tay là do một bệnh lý tiềm ẩn gây ra tình trạng viêm, sưng tấy ở cổ tay và đôi khi do sự cản trở lưu thông máu trong lòng bàn tay. Dưới đây là một số tình trạng bệnh lý thường liên quan đến hội chứng ống cổ tay ở người bệnh:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Người bệnh bị rối loạn chức năng tuyến giáp
  • Thai phụ bị phù khi mang thai hoặc ở giai đoạn mãn kinh
  • Người bệnh có huyết áp cao
  • Bệnh nhân có rối loạn hệ miễn dịch như viêm khớp dạng thấp
  • Người bệnh bị gãy xương hoặc chấn thương ở cổ tay
  • Người bệnh có các hoạt động lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay. Các hoạt động dễ gây ra hội chứng ống cổ tay như: định vị cổ tay khi sử dụng bàn phím hoặc chuột máy tính, tiếp xúc lâu với các rung động do sử dụng dụng cụ cầm tay hoặc dụng cụ điện, chơi piano hoặc đánh máy,...

2.2. Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay là gì?

Các triệu chứng thường được biểu hiện rõ bao gồm:

  • Tê, ngứa ran và đau ở ngón tay cái và ba ngón đầu tiên của bàn tay
  • Đau và lan lên cánh tay
  • Đau cổ tay vào ban đêm cản trở giấc ngủ
  • Yếu các cơ của bàn tay

Hội chứng ống cổ tay đang được quan tâm không phải chỉ ở vấn đề điều trị mà còn là vấn đề chẩn đoán. Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và chỉ định điều trị hội chứng ống cổ tay cho người bệnh bằng việc sử dụng điện chẩn thần kinh. Tuy nhiên, trong hội chẩn lâm sàng thì việc thăm dò chẩn đoán bằng điện sinh lý thần kinh đôi khi chưa đủ để phân biệt dễ dàng các thương tổn khác của thần kinh giữa như thương tổn nội tại thần kinh.

Trong khoảng thời gian gần đây, các chuyên gia phẫu thuật ngoại khoa ngoài việc sử dụng kỹ thuật thăm dò dây thần kinh giữa ở vùng ống cổ tay, còn phải xác định được áp lực ống cổ tay hay xác định được mức độ tăng áp lực khoảng kẽ cho các bệnh nhân nghi ngờ hội chứng ống cổ tay. Các bác sĩ chuyên ngành đã có những chẩn đoán chính xác cao và điều trị cho người bệnh bước đầu đạt được kết quả điều trị khả quan. Do đó, có thể kết luận rằng tăng áp lực khoảng kẽ cũng là một trong những yếu tố căn nguyên giúp loại bỏ hội chứng ống cổ tay cho người bệnh.

Bằng thực nghiệm lâm sàng cho thấy rằng các trường hợp hội chứng ống cổ tay ở người bệnh không xác định được rõ được căn nguyên chiếm trên 80% và nguyên nhân chính là do tăng áp lực khoảng kẽ trong ống tay. Mặc dù, việc điều trị phẫu thuật hội chứng ống cổ tay chỉ đạt hiệu quả cao nếu tổn thương thần kinh này là do chèn ép từ ngoài vào chẳng hạn như: các chèn ép cơ học trực tiếp do các cấu trúc giải phẫu vào dây thần kinh như chèn ép của đĩa đệm cột sống, chèn ép của tổ chức xơ và thoái hoá vào thần kinh trụ ở vùng mỏm khuỷu và ngay ở ống cổ tay, sự chèn ép vào thần kinh giữa cũng có thể do các cấu trúc giải phẫu chèn ép vào như lắng đọng tinh thể Urat trong bệnh Gout hay các tổn thương xơ hoá hay xương vỡ trật do chấn thương ở vùng cổ tay. Tuy nhiên, các nguyên nhân chèn ép trực tiếp đó chiếm khoảng dưới 20% các trường hợp hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay gây tê, ngứa ran và đau cho người mắc

Theo cơ chế bệnh sinh, đa số các trường hợp người bệnh bị hội chứng ống cổ tay không xác định rõ nguyên nhân nhưng có chịu tác động chèn ép trực tiếp lên thần kinh là do tăng áp lực khoảng kẽ trong ống cổ tay với cơ chế tương tự như hội chứng chèn ép khoang. Tình trạng này hay gặp trong lâm sàng ở những bệnh nhân có hội chứng khoang cẳng chân do chấn thương, gây ra bởi sự tụ máu, cơ bao quanh bị dập, và tình trạng phù nề do thoát dịch vào khoảng kẽ, dẫn đến chèn ép vào tổ chức cơ ở trong các khoang và hoại tử tổ chức cơ. Điều này được khẳng định hơn nữa dự theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia chuyên ngành phẫu thuật nội soi xương khớp cho thấy tình trạng áp lực ống cổ tay tăng ở những bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay được chỉ định phẫu thuật và với những bệnh nhân có tình trạng tăng áp lực trong ống cổ tay, sau phẫu thuật tình trạng lâm sàng cải thiện rõ và nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

921 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan