Sụn chêm hình đĩa gây đau khớp gối ở trẻ em

Sụn chêm hình đĩa là một sụn chêm có hình dạng bất thường ở đầu gối. Tình trạng này dễ bị chấn thương hơn so với sụn hình dạng bình thường. Chính hình dạng dày và bất thường của sụn chêm ngoài hình đĩa khiến người bệnh có nhiều khả năng bị rách hoặc kẹt ở đầu gối, gây đau khớp gối ở trẻ em từ lứa tuổi mới biết đi.

1. Sụn chêm hình đĩa là gì?

Sụn chêm là một mảnh sụn hình nêm nằm ở giữa các xương của đầu gối và đóng vai trò như một tấm đệm để bảo vệ xương khi vận động, giúp đầu gối dễ dàng uốn cong và duỗi thẳng. Mỗi đầu gối có hai khum sụn chêm, khum giữa ở bên trong đầu gối và khum bên ở bên ngoài. Các sụn chêm được gắn vào xương đùi bởi một mô chắc chắn được gọi là dây chằng sụn chêm. Dây chằng này cũng cung cấp nguồn máu cho một phần nhỏ của sụn chêm.

Các khum sụn chêm khỏe mạnh có hình dạng giống như mặt trăng lưỡi liềm. Trong khi đó, sụn chêm hình đĩa sẽ có mặt khum dày hơn bình thường và thường có hình bầu dục hoặc hình tròn. Đây là một trình trạng bẩm sinh, hay xảy ra nhất ở bên ngoài của đầu gối, gọi là sụn chêm ngoài hình đĩa và đôi khi có thể được tìm thấy ở cả hai đầu gối. Dị dạng này khiến trẻ dễ bị đau khớp gối từ lứa tuổi mới biết đi cũng như tăng nguy cơ chấn thương hơn so với sụn chêm có hình dạng bình thường. Ngược lại, có một số trẻ bị sụn chêm hình đĩa có thể trải qua cả cuộc đời và không bao giờ gặp bất kỳ vấn đề nào thì không cần điều trị.

2. Tổn thương sụn chêm hình đĩa như thế nào?

Sụn chêm hình đĩa sẽ dễ bị chấn thương hơn sụn chêm bình thường. Hình dạng dày, bất thường của lớp đĩa đệm khiến nó có nhiều khả năng bị kẹt hoặc rách ở đầu gối. Nếu dây chằng sụn chêm vào xương đùi cũng bị khiếm khuyết, nguy cơ chấn thương còn lớn hơn.

Một khi bị tổn thương do chấn thương hay rách, dù là sụn chêm bình thường cũng đều khó lành. Điều này là do sụn chêm thiếu nguồn cung cấp máu nuôi phong phú và các chất dinh dưỡng cần thiết để chữa bệnh nên không thể đến hàn gắn các mô bị thương.

Trong nhiều trường hợp mắc phải sụn chêm hình đĩa bẩm sinh, trẻ sẽ bị gây đau khớp gối từ tuổi biết đi, tăng lên hơn khi chạy nhảy trong khi không có bất kỳ tổn thương nào ở sụn chêm.

Mặt khác, chấn thương sụn chêm sẽ thường xảy ra hơn với các chuyển động vặn vẹo đầu gối, chẳng hạn như trong các môn thể thao đòi hỏi xoay hoặc thay đổi hướng nhanh.

Sụn chêm hình đĩa
Sụn chêm hình đĩa sẽ dễ chấn thương hơn sụn chêm thường

3. Các triệu chứng của tổn thương sụn chêm hình đĩa

Các triệu chứng phổ biến nhất của tổn thương sụn chêm hình đĩa hoặc khi bị rách sụn chêm là:

  • Đau đớn
  • Căng cứng khớp gối hoặc sưng tấy
  • Cảm giác khóa chặt đầu gối
  • Không có khả năng mở rộng hoàn toàn hay duỗi thẳng đầu gối

4. Cách thức chẩn đoán sụn chêm hình đĩa

Thăm khám

Sau khi khai thác bệnh sử của trẻ và bất kỳ sự kiện nào xảy ra trước khi các triệu chứng bắt đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra đầu gối của trẻ.

Trẻ có thể có hoặc không bị đau tại đầu gối. Tuy nhiên, để kiểm tra sụn chêm, bác sĩ sẽ vặn đầu gối của trẻ với tư thế đầu gối uốn cong và duỗi thẳng. Trong nhiều trường hợp nếu sụn chêm hình đĩa, đầu gối sẽ cho cảm giác lộp cộp hoặc lạch cạch. Điều này đôi khi thậm chí có thể được nghe thấy bằng tai bình thường. Trong trường hợp nghiêm trọng, một phần sụn chêm sẽ bật ra khỏi khớp gối và có thể nhìn thấy ngay dưới da.

Kiểm tra bằng hình ảnh

Mặc dù chụp X-quang không cho thấy vết rách của các mô mềm như sụn chêm, nhưng chúng có thể cho biết liệu có các vấn đề khác ở đầu gối hay không. Ngoài ra, do sụn chêm quá dày, dấu hiệu sụn chêm hình đĩa sẽ thể hiện gián tiếp bằng khoảng không gian giữa xương đùi và xương chày ở phần bên của đầu gối có thể bị rộng ra trên phim chụp X-quang.

Chụp cộng hưởng từ có thể tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mềm khớp gối và là xét nghiệm hình ảnh tốt cho các bất thường sụn chêm nói chung, sụn chêm hình đĩa nói riêng. Tuy nhiên, so với chụp X-quang, cách thức chụp MRI sụn chêm phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn, đòi hỏi trẻ phải hợp tác nằm yên trong 30-45 phút. Do đó, nhiều trẻ nhỏ có thể cần một số thuốc an thần hoặc gây mê để thực hiện chụp phim.

5. Cách điều trị sụn chêm hình đĩa như thế nào?

Nếu không gây đau nhức, chẩn đoán này đôi khi được phát hiện tình cờ khi đánh giá đầu gối cho một vấn đề khác. Nếu sụn chêm không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị cụ thể.

Tuy nhiên, khi sụn chêm bị lệch gây ra đau, xuất hiện hoặc xảy ra các triệu chứng khác, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể sẽ đề nghị phẫu thuật nội soi khớp chỉnh sửa sụn chêm.

Điều trị phẫu thuật

Nội soi khớp gối là một trong những phương pháp phẫu thuật chỉnh hình được thực hiện phổ biến hiện nay trong các trường hợp sụn chêm hình đĩa có triệu chứng.

Trong quá trình nội soi khớp, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vài vết nhỏ xung quanh đầu gối và đưa máy nội soi khớp vào ổ khớp. Máy ảnh hiển thị hình ảnh trên màn hình TV bên ngoài và bác sĩ phẫu thuật sử dụng những hình ảnh này để hướng dẫn các dụng cụ phẫu thuật thu nhỏ.

Hầu hết các ca phẫu thuật nội soi khớp được thực hiện trên cơ sở ngoại trú. Bệnh nhân thường về nhà vài giờ sau khi làm thủ thuật.

Nếu đơn thuần không có vết rách cần được xử lý, sụn chêm hình đĩa sẽ được cắt và tạo hình lại thành hình lưỡi liềm.

Nếu sụn chêm cũng bị rách, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành đo đạc và sau đó cắt bỏ phần bị rách. Một số vết rách có thể được sửa chữa bằng các mũi khâu, thay vì loại bỏ hoàn toàn.

Phục hồi chức năng

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể cố định đầu gối của trẻ bằng cách đeo nẹp hoặc quấn băng mềm. Do đó, trẻ có thể phải sử dụng nạng trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, những trẻ rất nhỏ có thể phải ngồi xe lăn trong vài tuần vì chúng không có khả năng giữ thăng bằng hoặc đủ sức mạnh chi trên để sử dụng nạng để đi lại.

Sau khi quá trình chữa lành ban đầu hoàn tất, bác sĩ có thể chỉ định các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi sức mạnh và khả năng vận động khớp gối. Trong giai đoạn này, các bài tập có thể được thực hiện tại nhà cùng với một nhà vật lý trị liệu.

Sụn chêm hình đĩa
Sau phẫu thuật sụn chêm hình đĩa, trẻ sẽ được cố định đầu gối bằng nẹp hoặc băng mềm

Khả năng hồi phục

Hầu hết bệnh nhân sau phẫu thuật sụn chêm hình đĩa có thể trở lại sinh hoạt bình thường hàng ngày sau khi nội soi khớp lấy sụn chêm bất thường. Tuy nhiên, nếu toàn bộ sụn chêm bị cắt bỏ, người bệnh sẽ có nguy cơ bị đau tiếp tục và có khả năng bị viêm khớp sớm.

Bên cạnh đó, các bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ khuyến cáo bệnh nhân nên tránh các môn thể thao gây căng thẳng quá mức cho đầu gối với các động tác xoay cơ thể đột ngột, bao gồm bóng đá, quần vợt, bóng rổ, nhằm đảm bảo duy trì chức năng khớp gối được lâu dài.

Tóm lại, sụn chêm hình đĩa là một biến thể bẩm sinh của khớp gối, liên quan đến hình thái bất thường và khả năng mất ổn định của sụn chêm, thường gặp là sụn chêm ngoài hình đĩa. Đây là nguyên nhân khiến trẻ bị đau khớp gối từ tuổi thơ ấu và tăng nguy cơ chấn thương khớp gối khi lớn lên cũng như thoái hóa khớp sớm từ tuổi trưởng thành. Nhờ vào sự tiến bộ của các kỹ thuật nội soi khớp gối cũng như công cụ chẩn đoán hình ảnh cấu trúc khớp, trẻ nhỏ khi bị đau khớp gối cần được thăm khám sớm, phát hiện và xử trí đúng nếu mắc phải sụn chêm hình đĩa sẽ giúp bảo tồn chức năng khớp về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

616 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan