Phẫu thuật thay khớp gối do lao

Lao khớp gối là một trong những dạng thường gặp của lao xương khớp. Lao khớp gối gây đau và sưng gối nhiều, giới hạn vận động khớp gối và có thể tạo đường rò mủ. Phẫu thuật thay khớp gối do lao có thể chỉ định nhằm giúp tạo cơ hội cho người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

1. Khái niệm về lao khớp gối

Trong các bệnh lý lao ngoài phổi như lao màng não, lao màng bụng, lao thận thì lao xương khớp chiếm khoảng 20% các trường hợp. Trong đó, lao cột sống luôn giữ vị trí hàng đầu trong lao xương khớp, tiếp theo là lao khớp gối và lao khớp háng. Theo thống kê thì lao cột sống chiếm khoảng 60% đến 70%, còn lao khớp gối chiếm khoảng 10% đến 15%. Lao xương khớp là bệnh lý nhiễm khuẩn tại hệ thống xương khớp do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao xương khớp đa số là tổn thương thứ phát, thường nhất là sau lao phổi. Vi khuẩn lao sau khi đi qua phổi hoặc hệ thống đường tiêu hóa sẽ đi theo đường máu hoặc đường bạch huyết đến lưu trú tại một bộ phận của hệ thống cơ xương khớp.

Lao khớp gối là tình trạng nhiễm khuẩn khớp gối do vi khuẩn lao gây ra, có thể ở một bên hoặc hai bên khớp gối. Viêm khớp gối do lao có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng trẻ em và người lớn tuổi thường dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch hoặc suy dinh dưỡng. Nam dễ bị lao khớp gối hơn nữ. Lao khớp gối khiến bệnh nhân đau khớp gối dữ dội, giới hạn các hoạt động hằng ngày và khớp gối ngày càng sưng to. Lâu dần, lao khớp gối sẽ gây cứng khớp, bệnh nhân không đi lại được và các cơ vùng quanh khớp teo lại. Viêm khớp gối do lao có thể hình thành áp xe trong khớp gối, gây phá huỷ sụn khớp và xương dưới sụn. Ổ áp xe có thể tạo đường rò ra ngoài gây chảy mủ liên tục.

2. Phẫu thuật thay khớp gối do lao

Thay khớp gối do lao là phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Đây là một phẫu thuật khó, cần cân nhắc kỹ lưỡng chỉ định trước khi thực hiện. Chỉ định của phẫu thuật thay khớp gối do lao là bệnh nhân đau nhiều gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ được tiến hành khi tổn thương lao khớp gối đã được điều trị ổn định bằng thuốc kháng lao và sau khi đánh giá tình trạng tổn thương xương khớp và tình trạng mô mềm quanh khớp nhận thấy rằng khớp gối còn cử động được và mô mềm quanh khớp gối còn khả năng đáp ứng với phẫu thuật. Không thực hiện phẫu thuật thay khớp gối do lao khi khớp gối đã bị xơ cứng dính khớp hoặc sẹo nhăn nhúm làm biến dạng khớp và mô mềm quanh khớp đã xơ dính.

Phẫu thuật thay khớp gối do lao
Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thay khớp gối nhân tạo

Thay khớp gối nhân tạo là phẫu thuật vừa làm sạch khớp gối vừa phục hồi chức năng vận động của khớp gần như hoàn toàn. Tuy nhiên đối với lao khớp gối, quan điểm cho đến nay của một số nước trên thế giới cũng như một số bệnh viện ở nước ta là không thay khớp vì nhiều lý do. Thứ nhất, thay khớp gối do lao là phẫu thuật rất khó khăn do vi khuẩn lao gây phá hủy xương nhiều, khác với trong bệnh lý thoái hóa khớp gối chủ yếu tổn thương vùng bề mặt sụn khớp, phần xương phía dưới sụn còn khá nguyên vẹn nên việc thay khớp gối nhân tạo dễ dàng hơn nhiều. Thứ hai, lao khớp gối là bệnh lý nhiễm trùng nên theo một số quan điểm rằng rất e ngại khi đặt dụng cụ nhân tạo vào khớp. Thứ ba, đối với lao khớp gối thì việc điều trị thuốc kháng lao là yếu tố quyết định thành công chứ không phải phẫu thuật. Trong lao xương khớp nói chung và lao khớp gối nói riêng, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nào. Tuy nhiên đa phần người bệnh đến bệnh viện chủ yếu ở giai đoạn muộn, khớp đã bị phá hủy nhiều và biến dạng, nên cần xem xét chỉ định chỉ định phẫu thuật thay khớp gối do lao. Thay khớp gối nhân tạo tạo cơ hội cho bệnh nhân mắc lao xương khớp mà cụ thể là lao khớp gối ở giai đoạn muộn có thể trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Bên cạnh phẫu thuật thay khớp gối do lao, bệnh nhân còn cần điều trị đa hoá trị liệu và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tương đối, chườm lạnh để giảm đau và sưng khớp, băng ép và gập duỗi cổ chân, nâng cao chân để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong khoảng vài ngày đầu. Sau đó, tập vận động giúp cơ chân tăng sức mạnh và phục hồi cử động khớp gối để tránh cứng khớp, giúp bệnh nhân có thể đi lại được và thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan