Phẫu thuật tạo hình khuyết hổng xương sọ

Khuyết xương sọ có thể gặp phải khi trẻ vừa chào đời hoặc ở người lớn sau chấn thương sọ não hoặc trải qua phẫu thuật mở hộp sọ để giải áp. Tình trạng khuyết xương sọ nếu không được giải quyết triệt để thì có thể dẫn đến những bất lợi cho não bộ cũng như làm giảm tính thẩm mỹ của người bệnh. Tạo hình xương sọ hiện đang là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với tình trạng bệnh lý này.

1. Khuyết xương sọ là gì?

Khuyết xương sọ là một tình trạng bất thường của hộp sọ, có thể do bẩm sinh hoặc do bệnh nhân sau phẫu thuật sọ não, phẫu thuật cắt u xương sọ hoặc mắc phải tình trạng viêm và tiêu xương hộp sọ.

Tình trạng khuyết xương sọ không những gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh không tự tin khi tiếp xúc với mọi người mà còn ảnh hưởng đến một số vấn đề liên quan đến sức khỏe như não bộ sẽ không được bảo vệ an toàn như trước, giảm áp lực nội sọ khiến bệnh nhân chóng mặt, đau nhức đầu, có thể dẫn đến liệt, ý thức bị suy giảm, rối loạn cơ vòng... Một số trường trường hợp xương sọ bị lõm còn gây nên tình trạng thần kinh chậm phát triển và chứng động kinh ở người bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện bệnh nhân bị khuyết xương sọ thì cần can thiệp xử lý bằng biện pháp phù hợp để tránh những biến chứng không mong muốn trong tương lai.

Khuyết xương sọ
Khuyết xương sọ là một tình trạng bất thường của hộp sọ

2. Tạo hình xương sọ

Tạo hình xương sọ là phương pháp điều trị khuyết xương sọ mang lại hiệu quả cao nhất hiện nay. Tạo hình xương sọ gồm 2 phương pháp chính đó là tạo hình xương sọ bằng xương tự thân và tạo hình bằng những vật liệu nhân tạo.

2.1 Tạo hình xương sọ bằng xương tự thân

Đây là phương pháp được chỉ định sau khi bệnh nhân được phẫu thuật sọ não để giải pháp sau chấn thương sọ não hoặc sau tai biến mạch máu não. Chống chỉ định của phương pháp này là những trường hợp những bệnh nhân đang mắc nhiều bệnh lý toàn thân thể nặng, bệnh nhân có vấn đề về tâm thần cũng như vùng khuyết xương sọ bị viêm nhiễm nặng.

Xương tự thân dùng để ghép có thể là xương mào chậu, bản ngoài xương sọ hoặc xương sườn, được lấy để ghép vào vùng khuyết xương sọ, sau đó đặt dẫn lưu trong những trường hợp cần thiết. Hoặc cũng có thể tạo hình xương sọ bằng chính mảnh sọ cắt ra lúc phẫu thuật giải áp. Mảnh sọ được cắt ra và chuyển đến những ngân hàng mô, bảo quản và tiệt trùng với tia gamma, giữ ở nhiệt độ -85°C và sử dụng trong vòng 3 – 9 tháng sau khi mở hộp sọ giải áp.

Nếu gặp phải tình trạng viêm rò hoặc tiêu mảnh ghép xương sọ thì cần điều trị tình trạng viêm trên bệnh nhân một cách ổn định sau đó có thể bổ sung bằng một số vật liệu nhân tạo phù hợp. Một số biến chứng có thể gặp phải sau khi tạo hình xương sọ bằng xương tự thân đó là chảy máu vết thương, tụ máu dưới da, nhiễm trùng vết mổ, viêm não, viêm màng não, hoại tử vùng da đầu, hoại tử mảnh ghép...

Đối với những biến chứng không mong muốn như trên thì bệnh nhân có thể được xử trí bằng cách bù tuần hoàn, cầm máu, băng ép, cấy dịch vết thương để làm kháng sinh đồ, điều trị nhiễm trùng và viêm não màng não theo kháng sinh đồ, có thể phẫu thuật lấy mảnh ghép ra lại và tiến hành tạo hình bảo vệ màng cứng...

2.2 Ghép sọ nhân tạo

ghéo sọ nhân tạo
Những vật liệu nhân tạo thường được sử dụng để tạo hình xương sọ như lưới titan vá sọ, xi măng nhân tạo, carbon..

Ghép sọ nhân tạo được chỉ định trong những trường hợp như sau:

  • Ghép thì đầu, thực hiện sau khi cắt u xương sọ hoặc u di căn xương sọ, bệnh nhân bị khuyết xương sọ bẩm sinh, chấn thương sọ não kín dẫn đến lún sọ
  • Ghép thì hai, thực hiện sau khi bệnh nhân bị chấn thương sọ não xuất hiện vết thương hở gây nát sọ hoặc vỡ sọ, viêm rò mảnh xương tự thân được ghép trước đó, tiêu mảnh xương tự thân...

Những vật liệu nhân tạo thường được sử dụng để tạo hình xương sọ như lưới titan vá sọ, xi măng nhân tạo, carbon... Đặc biệt hơn, những trường hợp khuyết xương sọ như xương hốc mũi, xương trán... thì cần có những miếng ghép nhân tạo có kích thước phù hợp, tạo hình khéo léo để vừa khít với vị trí bị khuyết nên công nghệ in 3D đã được phát minh và áp dụng vào việc sản xuất những miếng ghép xương sọ nhân tạo, giúp đảm bảo được độ thành công của phẫu thuật cũng như nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh.

Để có được miếng ghép xương sọ nhân tạo in 3D thì bệnh nhân cần được chụp cắt lớp vi tính sọ não để có được hình ảnh 3D của vùng khuyết xương sọ, sau đó những thông tin này sẽ được sử dụng trong giai đoạn tạo hình và sản xuất mảnh ghép xương sọ nhân tạo có kích thước và hình dáng phù hợp với phần khuyết của bệnh nhân.

Tạo hình xương sọ trên những bệnh nhân khuyết xương sọ bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật sọ não là một phương pháp điều trị hiện đại và cần nhiều kiến thức chuyên sâu cũng như kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Bên cạnh xương tự thân thì sự ra đời của những mảnh ghép xương sọ nhân tạo cũng góp phần to lớn đến khả năng thành công của phẫu thuật tạo hình xương sọ, giúp được nhiều bệnh nhân khuyết xương sọ trong việc giải quyết những vấn đề về sức khỏe và mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan