Mất vững khớp gối do chấn thương dây chằng khi chơi thể thao

Khớp gối thường phải vận động với biên độ lớn và chịu lực chính mỗi khi chơi thể thao như chạy bộ, đá banh, tennis... Vì vậy, khớp gối thường khó tránh khỏi những tổn thương dây chằng khi chơi thể thao gây mất vững khớp gối.

1. Mất vững khớp gối là gì?

Mất vững khớp gối là cảm giác khớp gối bị xoắn hoặc lệch hẳn sang bên khi người bệnh thực hiện các động tác liên quan đến khớp gối trong các sinh hoạt hàng ngày. Mất vững khớp gối đa hướng là tình trạng mất vững rất nặng, tình trạng này thường thấy trong trật gối dẫn đến tổn thương đa dây chằng (hay gặp khi chơi thể thao) hoặc lỏng khớp gối sinh lý như hội chứng Ehlers-Danlos syndrome.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mất vững khớp gối hay lỏng khớp gối nhưng phổ biến nhất là đứt dây chằng chéo do chấn thương hoặc chơi thể thao đòi hỏi vận động mạnh.

mất vững khớp gối
Mất vững khớp gối là cảm giác khớp gối bị xoắn hoặc lệch

2. Mất vững khớp gối do chấn thương dây chằng khi chơi thể thao

Một số nguyên nhân chính có thể dẫn đến tình trạng mất vững hay lỏng khớp gối bao gồm:

  • Tổn thương dây chằng: Bao gồm đứt dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng chéo sau (PCL) hoặc dây chằng bên trong;
  • Thoái hóa khớp: Đây là bệnh lý hay gặp ở những người cao tuổi;
  • Trật bánh chè: Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến mất vững khớp gối do trật khớp chè đùi.

Trong số các nguyên nhân trên, tình trạng tổn thương hay đứt hệ thống dây chằng khớp gối là nguyên nhân thường gặp nhất gây lỏng khớp gối ở những bệnh nhân thường xuyên chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Giải phẫu khớp gối tương tự một cái bản lề và được cố định vững chắc thông qua hệ thống dây chằng phức tạp.

Tổn thương dây chằng chéo trước do chấn thương hoặc do vận động mạnh, chơi các môn thể thao sai kỹ thuật... sẽ dẫn đến tình trạng mất vững khớp gối, gây khó khăn trong các hoạt động đòi hỏi cường độ cao như: chạy nhanh, nhảy, lên dốc, đổi hướng di chuyển một cách đột ngột... Tuy nhiên, các vận động cường độ thấp (đi bộ, chạy chậm, đạp xe chậm...) thì chức năng khớp gối về cơ bản vẫn có thể đảm bảo tuy nhiên lâu dài có thể dẫn đến tổn thương sụn khớp, sụn chêm, thoái hóa sớm khớp gối.

Mất vững khớp gối cũng làm tăng nguy cơ té ngã, tai nạn trong các sinh hoạt thường ngày dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, dây chằng chéo sau có đặc điểm kích thước lớn hơn, thường ít tham gia vào chức năng hạn chế chuyển động xoay của khớp gối. Vì vậy, tỷ lệ tổn thương xảy ra ở dây chằng chéo sau trong thể thao thường thấp hơn so với dây chằng chéo trước, tuy nhiên nếu bị tổn thương vẫn có khả năng gây mất vững khớp gối.

Ngoài việc được xem là nguyên nhân dẫn đến mất vững khớp gối thì ở chiều ngược lại, tình trạng lỏng khớp gối do các nguyên nhân khác vẫn có thể ảnh hưởng đến hệ thống dây chằng, dẫn đến tổn thương thứ phát và hệ quả là suy giảm chức năng vận động của khớp gối.

3. Đánh giá sự mất vững khớp gối

Một số biện pháp được áp dụng để đánh giá mức độ mất vững khớp gối bao gồm:

  • Rolimeter: Đây là một dụng cụ với thiết kế đơn giản, được sử dụng để lượng giá tình trạng mất vững trước sau của khớp gối. Tuy nhiên, nhược điểm của dụng cụ này là độ chính xác thấp;
  • Máy KT 1000, KT 2000: Máy có khả năng đánh giá chính xác mức độ mất vững khớp gối theo hướng trước sau với mức độ tin cậy khá cao. Do đó, loại dụng cụ này thường được các chuyên gia chấn thương chỉnh hình sử dụng;
  • Máy Genourob: Dụng cụ này được sự hỗ trợ của hệ thống máy tính, được phân chia thành 2 loại là GNRB để đo mức độ di lệch trước sau và ROTAM để đo mức độ di lệch xoay của khớp gối. Tuy nhiên, loại máy này có giá thành cao nên khó áp dụng đại trà;
  • Phương pháp đánh giá mức độ di lệch ra trước của xương chày so với xương đùi trên phim X quang dựa vào khung Telos, sau đó thực hiện nghiệm pháp ngăn kéo trước để đánh giá tình trạng mất vững khớp gối theo hướng trước sau.

Hiện nay, các chuyên gia về lĩnh vực phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thường ưu tiên sử dụng máy KT 1000, KT 2000 hoặc lượng giá thông qua hình ảnh X quang để thực hiện nghiệm pháp ngăn kéo trước với khung Telos đánh giá tình trạng và mức độ mất vững hay lỏng khớp gối, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước.

Việc đánh giá này là một tiêu chí quan trọng trong chỉ định phẫu thuật và đánh giá hiệu quả sau phẫu thuật. Do vậy, quá trình đánh giá mất vững khớp gối cần thực hiện một cách khách quan để vừa làm hài lòng người bệnh vừa hài lòng chính cho các bác sĩ phẫu thuật.

mất vững khớp gối
Mất vững khớp gối do chấn thương dây chằng khi vận động mạnh

4. Điều trị mất vững khớp gối như thế nào?

Những dấu hiệu như lỏng khớp gối, cảm giác mất vững khi di chuyển, leo cầu thang hay khi người bệnh đổi hướng đi là những biểu hiện đặc trưng mà bệnh nhân có thể tự phát hiện khi bị tổn thương hệ thống dây chằng khớp gối.

Việc điều trị mất vững khớp gối phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Do đó, đầu tiên bác sĩ chuyên khoa cần thăm khám toàn diện, kết hợp với các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác nguyên nhân gây mất vững khớp gối. Bên cạnh đó, bác sĩ chấn thương chỉnh hình cần xác định tính trạng mất vững này là cấp tính hay mạn tính, tổn thương mất vững là đơn thuần hay phức tạp và cuối cùng mới bước vào giai đoạn điều trị tùy theo nguyên nhân:

  • Nếu nguyên nhân mất vững là do thoái hóa khớp ở giai đoạn sớm hoặc đứt dây chằng chéo bán phần thì người bệnh chỉ cần đeo nẹp cố định kết hợp với thuốc giảm đau và tập phục hồi chức năng;
  • Nếu mất vững khớp gối do đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn hoặc tổn thương nhiều dây chằng cùng lúc thì bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật.

Tuy nhiên, những tổn thương ở mức độ nhẹ hoặc bệnh nhân cao tuổi có cường độ vận động thấp, phương pháp điều trị bệnh có thể bao gồm phương pháp RICE kết hợp sử dụng đai hoặc nẹp cố định để bảo vệ khớp gối khỏi tình trạng mất vững.

Với bất kì phương pháp nào thì việc áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng, tập vật lý trị liệu đều mang lại hiệu quả trong quá trình phục hồi, tăng cường sức mạnh các cơ chân, từ đó hỗ trợ khớp gối phục hồi chức năng vận động tốt hơn sau khi bị tổn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

830 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan