......

Chấn thương ngón chân khi đá bóng

Chấn thương ngón chân khi đá bóng là dạng chấn thương thường gặp nhất trong bộ môn thể thao này, đặc biệt là với người mới chơi. Trong đó, chấn thương ngón chân cái khi đá bóng là thường gặp nhất do nhiều nguyên nhân khác nhau.

1. Nguyên nhân chấn thương ngón chân khi đá bóng

Việc đau ngón chân, đặc biệt là ngón cái sau khi tham gia đá bóng có thể là do chân bị bong gân, bầm tím hoặc thậm chí là gãy. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này gồm có:

  • Đá bóng mà không mang giày thể thao
  • Đi giày không phù hợp: giày quá chật, không đúng loại, không có độ hở giữa mũi giày và ngón cái có thể đến từ sở thích đi giày chật ở một số cầu thủ. Đặc biệt đối với sân phủi, nếu đá giày chật trên sân cứng rất dễ dẫn tới chấn thương.
  • Do ngón chân chịu quá nhiều tác động từ bóng, thường là do cầu thủ chỉ sút bằng mũi bàn chân mà không kết hợp má trong, má ngoài gây nên quá tải ở các ngón chân.
  • Do vận động quá nhiều, quá sức.
  • Do ngón chân đã tổn thương trước đó nhưng không điều trị dứt điểm.

2. Xử trí chấn thương ngón chân khi đá bóng như thế nào?

Bất kỳ chấn thương ngón chân nào sau khi tham gia bóng đá cũng không nên chủ quan mà phải xử trí đúng cách để tránh các biến chứng về sau. Theo đó, các phương pháp xử trí chấn thương ngón chân khi đá bóng bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: khi thấy các triệu chứng sưng tấy, đau, khó cử động ở ngón chân thì bạn cần xin ra sân nghỉ ngơi ngay lập tức để đảm bảo tình trạng chấn thương ngón chân không trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Sau khi nghỉ ngơi, cởi tất và giày, hãy kê cao chân rồi sử dụng túi chườm đá lạnh lên ngón chân bị đau ngay lập tức. Điều này sẽ giúp lưu lượng máu đến ngón chân đau ít hơn, từ đó giảm sưng tấy, bầm tím. Phải đảm bảo việc chườm đá lạnh liên tiếp trong 15 phút.
  • Người bệnh cần dùng nạng để đi lại sau khi đau các ngón chân nhằm giảm áp lực đè nặng lên chấn thương, tránh gây thêm các chấn thương liên tiếp. Ngoài lần đầu dùng chườm lạnh thì có thể chuyển qua chườm nóng ở các lần sau giúp giãn mạch máu và cho phép máu dồn về khu vực ngón làm tăng quá trình hồi phục.
  • Băng y tế quanh ngón chân bị chấn thương là cần thiết, việc băng nén này sẽ giúp hạn chế sưng tấy hay dây chằng bị giãn, giảm áp lực đè lên ngón chân. Tuy nhiên, cũng không nên băng quá chặt vì có thể làm giảm lưu thông máu, gây đau nhức.
  • Có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau nếu cơn đau kéo dài, sau khi bị đau cần đi giày đế cứng nhằm hạn chế lực tác động lên các ngón chân bị chấn thương.
  • Thông thường phải mất 2-3 tuần để ngón chân hồi phục, nếu sau 3 tuần vẫn bị sưng đau thì người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và điều trị

3. Làm thế nào để bảo vệ ngón chân khi đá bóng?

Để tránh các chấn thương ngón chân khi đá bóng, vận động viên có thể tham khảo một số phương pháp sau:

  • Không sử dụng các đôi giày quá chật.
  • Sử dụng các sản phẩm bảo vệ ngón chân như miếng dán bảo vệ, giúp ngón chân không tiếp xúc trực tiếp với mặt trong giày, giảm ma sát và góp phần bảo vệ các ngón chân, nơi vốn dĩ đã nhận nhiều lực.
  • Thay đổi kỹ thuật để bảo vệ ngón chân: Nhiều cầu thủ chỉ thực hiện duy nhất kỹ thuật ở mũi bàn chân sẽ dẫn tới các chấn thương ngón chân. Lúc này việc tập luyện để làm đa dạng hơn các kỹ thuật chơi bóng sẽ hạn chế các chấn thương ngón chân, cũng như làm giảm áp lực lên ngón chân.

Chấn thương ngón chân khi đá bóng là dạng chấn thương thường gặp nhất trong bộ môn thể thao này. Những dạng chấn thương nếu không được thăm khám và xử trí sớm sẽ gây khó chịu và khó có thể phục hồi. Vì thế, khi có dấu hiệu chấn thương thể thao, đặc biệt sau khi chơi đá bóng thì bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và xử trí sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

36.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan