Cách chữa đau nhức bả vai hiệu quả

Vai là một trong những bộ phận hoạt động nhiều nhất của cơ thể và có phạm vi chuyển động rất linh hoạt. Vì vậy, khi vai bị đau sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận động, sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Vậy đau nhức bả vai là bệnh gì và có những phương pháp nào điều trị hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Đau nhức bả vai là bệnh gì?

Đau nhức bả vai là tình trạng vùng vai bị đau nhức, dẫn đến khó cử động cánh tay, sưng bả vai và hạn chế vận động. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong dân số, chỉ đứng sau tỷ lệ về đau cột sống thắt lưng và ước tính có khoảng 20% dân số từng bị đau vai trong suốt cuộc đời.

Tình trạng vai đau nhức có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào. Với người trẻ, nguyên nhân thường gặp là do hoạt động sai tư thế, làm việc nặng kéo dài hoặc do chấn thương. Trong khi đó, ở người lớn tuổi, tình trạng đau nhức bả vai phần lớn do nguyên nhân bệnh lý, thoái hóa hoặc một số bệnh lý xương khớp khác. Tình trạng này có thể kéo dài dai dẳng theo thời gian nếu không tìm được nguyên nhân chính xác để điều trị hợp lý.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến đau nhức bả vai

2.1. Viêm quanh khớp vai

Đây là tình trạng phần khớp vai bị tổn thương, có thể là sụn, đầu xương gây đau nhức và dẫn đến khó vận động. Trường hợp bạn chỉ bị viêm nhẹ thì tình trạng này sẽ tự hết sau một thời gian đau nhức. Tuy nhiên, nếu cơ đau nặng nề, có thể đau lan xuống cánh tay, cẳng tay, sưng bả vai làm người bệnh không thể nâng hoặc cử động cánh tay.

Trong trường hợp này, nếu không tìm ra nguyên nhân và điều trị dứt điểm, viêm quanh khớp vai sẽ gây ra những cơn đau khớp kéo dài mạn tính, lâu ngày dẫn đến các biến chứng về xương khớp tại vùng vai, thậm chí có thể làm khớp vai bị yếu và teo cơ dần, khiến người bệnh mất khả năng vận động cánh tay.

Có một số nguyên nhân dẫn đến viêm khớp vai là:

  • Tuổi cao: Những người lớn tuổi là đối tượng thường gặp của tình trạng viêm quanh khớp vai vì tình trạng thoái hóa do tuổi tác.
  • Vận động không đúng cách hoặc sai tư thế: Người vận động lệch một bên bả vai, khiêng vác nặng hoặc những vận động viên thể dục thể thao thường hoạt động nhiều, tăng nguy cơ viêm.
  • Nghề nghiệp: Những người xuyên phải sử dụng lực tay vai lớn như người làm công việc phải giơ tay cao hoặc người làm việc với máy móc gây rung xóc.
  • Lạm dụng thuốc: Thuốc kháng lao, thuốc ngủ nếu bị lạm dụng sẽ làm tăng nguy cơ mắc đau nhức khớp vai.

2.2. Thoái hóa khớp vai

Khớp vai là khớp có tầm vận động rộng nhất và là một trong những khớp hoạt động nhiều nhất của cơ thể. Vì phải liên tục cử động, khớp vai dễ bị thoái hóa nhất. Nguyên nhân thoái hóa khớp vai là do tình trạng sụn khớp bị bào mòn dẫn đến phần xương dưới sụn, các đầu xương bả vai không được bảo vệ và cọ xát vào nhau gây đau đớn, nhất là khi cử động. Ngoài ra, quá trình cọ xát này cũng làm xơ hóa xương dưới sụn, từ đó gây ra thoái hóa các đầu xương, dẫn đến tạo gai xương và hốc xương dưới sụn, đây cũng là nguyên nhân góp phần gây sưng và đau nhức vùng bả vai.

2.3. Trật khớp vai

Trật khớp vai là chấn thương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 50-60% vì do biên độ vận động lớn.

Khi bị trật khớp vai, bệnh nhân sẽ có các cơn đau đớn dữ dội, biên độ vận động giảm hoặc mất khả năng vận động hoàn toàn, không cử động được. Cùng với đó, cánh tay sẽ bị biến dạng so với vai và xoay ra ngoài từ 30-40 độ và sự biến dạng này hoàn toàn có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, tại vùng khớp vai bị trật sẽ xuất hiện các vết bầm tím và cảm giác tê bì cánh tay hoặc yếu cơ.

2.4. Chấn thương vùng bả vai

Chấn thương vùng bả vai rất hay gặp, có thể xuất phát từ quá trình sinh hoạt hàng ngày hoặc khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Lúc này, vai sẽ phải hoạt động liên tục để nâng, xoay cánh tay, quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần này hay gặp khi chơi các môn như bóng chuyền bóng rổ, bơi lội.

Bên cạnh đó, chấn thương vai cũng có thể xảy ra do tai nạn trong sinh hoạt hoặc lao động như khi bạn phơi đồ, giặt quần áo, với tay quá cao hoặc té ngã đập trực tiếp vùng vai xuống đất.

3. Các triệu chứng thường gặp khi bị đau nhức bả vai

Người bị đau nhức bả vai sẽ tùy theo nguyên nhân mà có các triệu chứng khác nhau như:

  • Đau nhức dữ dội vùng bả vai, có thể lan sang các bộ phận khác như cổ, cánh tay, cẳng tay, bàn tay
  • Sưng, bầm tím vùng bả vai, quanh khớp hoặc cánh tay
  • Chấn thương, biến dạng khớp vai, cánh tay
  • Cơn đau vai hay xảy ra vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi, có thể kéo dài thời gian lâu và tăng lên khi hoạt động
  • Người bệnh không thể nâng cánh tay, xoay vai và các hoạt động khác.
  • Sưng nóng đỏ vùng bả vai, có thể kèm sốt hoặc dấu hiệu nhiễm trùng
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như đau bụng, khó thở, tăng nhịp tim khi cơn đau xuất hiện.

4. Cách chữa đau nhức bả vai hiệu quả

Các trường hợp đau nhức bả vai tùy theo mức độ và nguyên nhân mà có thể áp dụng nhiều cách điều trị khác nhau.

4.1. Thư giãn cho khớp vai

Phương pháp này có thế áp dụng khi đau nhức bả vai do rướn tay quá mức, khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc khi làm những công việc nặng nhọc. Hầu hết các cơn đau do các nguyên nhân này đều có thể tự khỏi nếu bạn dành đủ thời gian để nghỉ ngơi cho cơ thể hồi phục và tránh làm việc hay hoạt động nhiều. Việc này sẽ giúp các cơ bắp, sụn đệm, dây chằng vùng bả vai đang chịu áp lực căng thẳng vì hoạt động quá mức được thả lỏng và thư giãn hơn.

Tuy nhiên, các bác sĩ cùng khuyên người bệnh rằng chỉ áp dụng biện pháp này tối đa là 3 ngày. Nếu sau thời gian này mà tình trạng đau vẫn chưa đỡ thì nên lựa chọn phương pháp khác vì nằm nhiều quá sẽ gây mỏi lưng và hạn chế lưu thông tuần hoàn.

4.2. Chườm nóng là cách chữa đau nhức bả vai

Chườm nóng là một trong những cách chữa đau nhức bả vai. Nhiệt lượng tỏa ra từ các vật nóng sẽ giúp phần cơ bả vai đang căng cứng sẽ được giãn ra, tăng lưu thông máu chảy đến khu vực đau, giúp giảm tình trạng đau nhức, sưng viêm tại bả vai. Ngoài ra, phương pháp này cũng sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và thư giãn hơn.

4.3. Uống thuốc giảm đau

Nếu các cơn đau ở mức độ dữ dội, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, không thể vận động bất cứ động tác nào hoặc tình trạng sưng viêm nặng nề, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng và giúp giảm sưng viêm.

Tùy theo mức độ đau mà người bệnh sẽ được kê chủ yếu 2 nhóm sau:

  • Thuốc chống viêm không steroid NSAIDs: Đây là loại thuốc giảm đau nhức ở mức độ vừa và nhẹ, đồng thời giúp đối phó với tình trạng sưng viêm. Loại thuốc này chuyên dùng để đối phó với tình trạng đau nhức do viêm gây ra. Một số thuốc thường được dùng trong nhóm này là: Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen sodium,...
  • Thuốc giảm đau: Đây là những thuốc giúp cải thiện tình trạng đau nhức nặng nề một cách nhanh chóng nhờ vào sự ức chế tín hiệu gây đau từ hệ thần kinh. Thuốc có tác dụng sau khoảng 10 – 15 phút từ khi sử dụng, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu nhanh chóng. Một số ví dụ về các loại thuốc giảm đau là: Acetaminophen, Aspirin, ...

4.4. Xoa bóp bấm huyệt và Vật lý trị liệu

Đây là phương pháp áp dụng nguyên lý Tây y và Y học cổ truyền. Người bệnh sẽ được xoa bóp bấm huyệt, châm cứu để giãn cơ, thư giãn vùng bả vai sưng đau sau đó sử dụng các phương pháp trị liệu vật lý để nâng cao hiệu quả. Người bệnh sẽ được điều trị giảm đau bằng xung điện, nhiệt năng, sóng ngắn hoặc sóng siêu âm.

Cùng với đó, các phương pháp như kéo dãn, nắn, tập các bài tập vận động chuyên cho vùng bả vai sẽ giúp người bệnh điều trị tình trạng đau nhức bả vai mà chưa cần phải áp dụng các phương pháp can thiệp khác.

4.5. Điều trị phẫu thuật

Nếu tình trạng đau nhức bả vai do nguyên nhân chấn thương, bệnh lý khớp vai hoặc sau khi áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không hiệu quả, người bệnh nên được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và áp dụng biện pháp can thiệp phẫu thuật.

Phẫu thuật sẽ giúp các khớp và xương được trở lại đúng cấu trúc giải phẫu cũng như điều trị nguyên nhân gây sưng đau bả vai dai dẳng.

5. Các biện pháp phòng ngừa đau nhức khớp vai

Bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa các cơn đau nhức bả vai trong quá trình sinh hoạt và lao động:

  • Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao, vận động nhiều.
  • Chế độ ăn giàu vitamin D và Canxi giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp.
  • Hạn chế vận động khớp vai cường độ mạnh và trong thời gian vì rất dễ gây chấn thương hoặc tổn thương các bộ phận như cơ, dây chằng, sụn khớp.
  • Sau khi chơi thể thao, làm việc cần có thời gian để nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục, lấy lại sự dẻo dai, linh hoạt.
  • Có thế luyện tập các bài kéo giãn cơ xương, giúp tăng cường độ dẻo dai của khớp, sức mạnh của cơ bắp cũng như các bộ phận khác trên cơ thể.

Tóm lại, đau nhức bả vai là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị đơn giản để giúp giảm đau. Nếu đau nhức bả vai nặng nề hoặc do nguyên nhân bệnh lý thì nên đi khám chuyên khoa để được điều trị theo đúng nguyên nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan