......

Các tư thế nằm cho người vẹo cột sống

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị thay đổi độ cong một cách bất thường. Chúng bị vẹo sang một bên, từ hình chữ S chuyển sang thành chữ C. Người bị vẹo cột sống cần phải nằm theo những tư thế nhất định như: nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm ngửa ngả lưng...để giúp điều chỉnh độ cong sinh lý của cột sống. Nếu nằm sai thì tình trạng vẹo cột sống sẽ càng trở nên nặng hơn và gây đau đớn cho người bệnh.

1. Nguyên nhân gây vẹo cột sống

Vẹo cột sống là một trong những bệnh lý mang yếu tố di truyền. Nếu gia đình có cha mẹ hay người thân bị vẹo cột sống thì khả năng cao là bạn cũng bị vẹo cột sống.

Ngoài yếu tố di truyền ra, vẹo cột sống còn do nhiều nguyên nhân khác như sau:

  • Do các yếu tố lúc mang thai tác động đến, như: do bào thai phát triển nhanh và không thích ứng với cơ thể mẹ khiến bào thai bị chèn ép và cột sống trở nên cong vẹo.
  • Khi mang thai cơ thể người mẹ tiếp xúc với những hóa chất độc hại, ăn uống những đồ ăn không tốt cho thai nhi gây dị tật cho thai nhi. Thậm chí khi sinh cổ tử cung của mẹ hẹp quá cũng tác động không nhỏ làm cong vẹo cột sống của thai nhi.

Ngoài hai nguyên nhân trên thì những yếu tố như cấu tạo xương của trẻ bất thường khi sinh hay não và tủy sống bất thường cũng tạo nên hiện tượng cột sống bị cong vẹo. Thậm chí, khi trẻ lớn hơn thì tư thế học, ngồi sai hay bê vác đồ nặng trong thời gian dài cũng có những tác động nhất định đến cột sống khiến chúng bị tổn thương và bất thường.

2. Người bị vẹo cột sống có dấu hiệu gì?

Bệnh vẹo cột sống rất dễ nhận ra qua những dấu hiệu sau:

  • Hai bên bả vai có sự chênh lệch rất rõ rệt do độ lệch của xương sống. Và đoạn vẹo nghiêng về bên nào thì bả vai của bên đó sẽ thấp hơn bên còn lại.
  • Ở phần hông cũng có sự chênh lệch bên thấp bên cao. Chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường vì lệch hẳn ở một bên.
  • Nếu quan sát từ phía sau thì vẹo cột sống thắt lưng sẽ khiến cột sống không theo một đường thẳng như mọi người. Mà nó có những đoạn cong bất thường, các đốt sống gồ cao hơn một chút, có xoáy vặn và hõm vào của bên eo.
  • Cơ thể nhìn tổng quan sẽ mất cân đối, cơ thể sẽ nghiêng về một bên.

3. Tầm quan trọng của tư thế ngủ với bệnh nhân vẹo cột sống.

Với những trường hợp nhẹ thì chỉ cần áp dụng bài tập thể dục đơn giản và thay đổi tư thế ngủ phù hợp, bạn đã cảm nhận được những cải thiện rõ rệt. Với những trường hợp nặng hơn cần phải có sự kết hợp với các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của tư thế ngủ với bệnh nhân bị vẹo cột sống như thế nào.

Một tư thế nằm ngủ tốt cho cột sống sẽ giúp cho chúng ta có những lợi ích sau:

  • Giúp cơ thể giảm đau nhức và khó chịu
  • Giúp tăng chất lượng của giấc ngủ, đồng thời gây cảm giác buồn ngủ nhanh chóng hơn.
  • Chúng làm giảm áp lực lên cột sống và không chèn ép lên các dây thần kinh. Người bệnh không có cảm giác bị đau hay mỏi ở vùng cột sống bị bệnh.
  • Ngủ đúng tư thế giúp thúc đẩy sự liên kết của cột sống
  • Giúp hỗ trợ điều chỉnh đường cong và sự bất thường của cột sống làm cho chúng không trở nên nghiêm trọng hơn
  • Với những người bị xoắn nghiêm ở cột sống sẽ hạn chế đau đớn và khó thở.

4. Bệnh nhân vẹo cột sống nên nằm thế nào?

Cột sống bị vẹo nghĩa là chúng đang bị tổn thương. Vậy nên bạn cần có những tư thế nằm giúp cho cột sống không bị những tổn thương nhất định, đồng thời giúp cột sống điều chỉnh độ cong sinh lý để về trạng thái bình thường hay không nghiêm trọng hơn. Vậy những tư thế nằm cho người vẹo cột sống dưới đây sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều:

4.1. Tư thế nằm ngửa

Đây là tư thế giúp phục hồi độ cong của cột sống về với trạng thái ban đầu, giúp sự cong vẹo không trở nên nặng hơn. Bên cạnh đó, tư thế này còn giúp cho trọng lượng của bạn được phân bổ đều khắp cơ thể một cách hài hòa và hạn chế áp lực lên cột sống. Tư thế ngủ này giúp ích cho những bệnh nhân vẹo cột thắt lưng và lưng trên được lợi ích tốt nhất. Cụ thể bạn cần làm như sau:

  • Dùng gối kê đầu và vai để nâng đỡ vùng cổ sao cho độ cao phù hợp nhất.
  • Nên đặt thêm một chiếc gối mỏng ở dưới đầu gối để giúp duy trì độ cong tự nhiên của lưng
  • Nên cuộn thêm một chiếc khăn mỏng dưới thắt lưng để hỗ trợ thêm cho cột sống của bạn.

4.2. Tư thế nằm nghiêng

Đây cũng là một tư thế giúp cho bạn thoải mái hơn khi ngủ. Tuy nhiên bạn cần chú ý:

  • Nên đặt một chiếc gối mỏng giữ hai đầu gối để giúp cột sống, hông và xương chậu được thẳng hàng. Đồng thời ngăn trọng lượng lên vùng hông và xuất hiện các cơn đau lưng.
  • Nằm nghiêng sao cho vai trái hay phải và thân tiếp xúc với đệm.
  • Nên gập đầu gối một chút à nên đặt giữa hai đầu gối một chiếc gối.
  • Bạn nên đặt một chiếc gối nhỏ để lấp đầy khoảng trống ở đùi và thắt lưng.

Tư thế ngủ nghiêng giúp:

  • Duy trì độ cong tự nhiên của cột sống, giúp điều chỉnh sự sai lệch về độ cong của cột sống.
  • Giúp hạn chế tạo áp lực cho cột sống và bớt ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ đồng thời giúp cơ thể được thư giãn.

4.3. Tư thế nằm ngửa ngả lưng

Đây là tư thế dành cho những giấc ngủ ngắn, khi bạn không có giường mà phải nằm ở ghế. Tư thế này sẽ giúp cho phần cơ thể và đùi được duy trì một khoảng cách hợp lý. Và hạn chế tối đa áp lực lên cột sống, đồng thời tạo cảm giác thoải mái khi ngủ.

Nên lựa chọn những chiếc ghế có thể điều chỉnh được phần tựa lưng để có được tư thế thoải mái và hiệu quả nhất.

5. Người bị vẹo cột sống nên tránh các kiểu nằm nào và lưu ý những gì ?

5.1. Các tư thế ngủ người bị vẹo cột sống nên tránh

Với người bình thường, tư thế nằm sai cũng gây ra đau nhức và mỏi mệt nên những bệnh nhân bị cong vẹo cột sống có thể còn ở mức độ nặng hơn. Vậy nên những tư thế nằm cho người vẹo cột sống chắc chắn không phải là những tư thế dưới đây:

  • Tư thế nằm sấp: tư thế nằm này làm tăng áp lực cho cột sống, đồng thời làm cho cổ, lưng ở trên những vị trí không tự nhiên. Bên cạnh đó, nó còn giúp tăng nguy cơ phát triển những đường cong bất thường hay gây đau nhức cho cơ thể khi nằm sấp.
  • Ngủ nghiêng với tư thế bào thai: Tư thế này khiến cho cơ thể co lại làm cho chân và cột sống cong giống như bào thai trong bụng mẹ khiến cột sống cong hơn và bệnh vẹo cột sống trở nên nặng hơn ban đầu. Hơn nữa tư thế này không phù hợp với những người lớn tuổi, vì gây căng cột sống và các khớp xương. Giúp khởi phát những cơn đau, mỏi của cổ và gù lưng.

5.2. Những lưu ý cho bệnh nhân bị vẹo cột sống

Ngoài lưu ý về tư thế nằm khi đi ngủ thì bạn nên lưu ý những mẹo nhỏ sau đây, hiệu quả đem lại khá bất ngờ.

  • Nên sử dụng thêm những chiếc gối có độ mềm và chiều cao, kích thước phù hợp. Gối giúp hỗ trợ cho phần đầu, cổ và một phần lưng, vai nên sẽ giúp cho giấc ngủ của bạn êm ái, dễ chịu hơn. Trong nhiều tư thế ngủ gối còn có tác dụng hỗ trợ một phần sức nặng cơ thể của bạn, giúp giảm áp lực lên cột sống làm cho cột sống đỡ bị đau nhức hay sự cong vẹo không nghiêm trọng hơn.
  • Nên sử dụng đệm phù hợp như đệm cao su non, đệm cao su tổng hợp. Tránh những chiếc đệm gây lún sâu khi nằm vì nó không có khả năng hỗ trợ cột sống, cột sống không giữ được ở trạng thái trung tính mà tăng mức độ nghiêm trọng của phần đang bị tổn thương.
  • Một yếu tố quan trọng không kém là môi trường ngủ của bạn có hợp lý hay không? Ví dụ như tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ ... điều này có tác động không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của bạn, một giấc ngủ sâu sẽ khiến bạn ít chuyển tư thế, đồng thời giảm mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị cong vẹo hay biến dạng một cách bất thường. Vẹo cột sống có thể gây đau đớn và khó chịu cho người bị. Bệnh nhân vẹo cột sống nên chú ý đến những hoạt động hàng ngày của mình, đặc biệt là lưu ý đến tư thế ngủ. Vì một giấc ngủ sâu, một tư thế ngủ đúng sẽ giúp cột sống được điều chỉnh độ cong sinh lý về với ban đầu và tránh những tổn thương không trở nên nghiêm trọng hơn nữa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

2.1K

Bài viết liên quan