Các chấn thương thể thao mãn tính

Đôi khi chơi thể thao bị chấn thương là điều khó tránh khỏi. Khác với chấn thương thể thao cấp tính xảy ra đột ngột trong khi chơi thể thao, những chấn thương thể thao mãn tính thường là do luyện tập quá mức. Gãy xương do stress, chấn thương khuỷu tay, đau mãn tính ở đầu gối là những chấn thương thể thao mãn tính thường gặp.

1. Chấn thương thể thao mãn tính là gì?

Tập thể dục và thể thao rất tốt cho sức khỏe, nhưng đôi khi chơi thể thao bị chấn thương là điều khó tránh khỏi. Khác với chấn thương thể thao cấp tính xảy ra đột ngột trong khi chơi thể thao và thường đi kèm với các cơn đau dữ dội, những chấn thương thể thao mãn tính thường là do luyện tập quá mức. Gãy xương do stress, chấn thương khuỷu tay, đau mãn tính ở đầu gối là những chấn thương thể thao mãn tính thường gặp.

Chấn thương thể thao mãn tính là kết quả của chuyển động lặp đi lặp lại kéo dài, đặc biệt phổ biến trong các môn thể thao sức bền như bơi lội, chạy đường dài và đạp xe. Những chấn thương này thường liên quan đến một trong những động tác sau: không đúng kỹ thuật, cố gắng tiến bộ quá nhanh hoặc vận động quá mức khi chơi một môn thể thao. Do đó, chấn thương thể thao mãn tính thường được gọi là chấn thương do sử dụng quá mức một vùng cơ thể khi chơi thể thao hoặc tập luyện trong thời gian dài.

Các dấu hiệu của chấn thương thể thao mãn tính bao gồm:

  • Đau khi thực hiện một hoạt động
  • Đau âm ỉ khi nghỉ ngơi
  • Sưng tấy

Xem ngay: Phòng ngừa chấn thương thể thao

2. Các loại chấn thương thể thao mãn tính

2.1. Căng cơ

Căng cơ là chấn thương đối với cơ hoặc gân xảy ra khi cơ bắp kéo căng quá mức hoặc bị xé rách. Cơ bắp ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể đều có thể bị thương. Chấn thương thể thao nhẹ có thể chỉ làm căng quá mức một nhóm cơ hoặc gân. Trong khi chấn thương thể thao nghiêm trọng hơn có thể liên quan đến rách cơ hoặc rách gân một phần hoặc toàn bộ.

2.2. Gãy xương do căng thẳng

Gãy xương do căng thẳng xảy ra phần lớn ở bàn chân và cẳng chân, thường gặp trong các môn thể thao đòi hỏi lực tác động lặp đi lặp lại, chủ yếu là các môn thể thao chạy hoặc nhảy như thể dục dụng cụ hoặc điền kinh. Chạy tạo ra lực tác động lên các chi dưới cao gấp hai đến ba lần trọng lượng cơ thể của một người. Triệu chứng phổ biến nhất của gãy xương do căng thẳng là cơn đau tại một vị trí tồi tệ hơn khi hoạt động làm tăng sức nặng. Tăng nhạy cảm và sưng thường đi kèm với các cơn đau.

chấn thương thể thao mãn tính
Gãy xương do căng thẳng là một trong các loại chấn thương thể thao mãn tính

2.3. Hội chứng Rotator cuff

Hội chứng Rotator Cuff là tình trạng chấn thương nhóm gân cơ chóp xoay của vai, khiến người bệnh không thể nâng đồ vật và xoay vai dễ dàng. Nguyên nhân gây ra hội chứng này là do viêm gân, viêm bao hoạt dịch, căng cơ và rách cơ, trong đó rách cơ là phổ biến nhất. Chấn thương các gân cơ chóp xoay vai thường xảy ra khi các động tác ở khớp vai giống nhau được lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như trong bơi lội, quần vợt hoặc bóng chày. Các triệu chứng bao gồm sưng ở vai, đau khi nhấc cánh tay lên và đau khi cố gắng đưa tay ra sau lưng.

2.4. Chấn thương khủy tay

Chấn thương khuỷu tay khi chơi thể thao là một tình trạng đau nhức do sử dụng khuỷu tay quá mức. Người chơi quần vợt và người chơi gôn có khả năng mắc bệnh này. Nguyên nhân gây ra chấn thương khuỷu tay mãn tính là do các gân ở vùng khuỷu bị viêm, gây ra đau ở bên ngoài khuỷu tay, đau tăng lên khi cử động. Các triệu chứng khác có thể bao gồm yếu, đặc biệt là khi cố gắng cầm nắm đồ vật.

Ngoài ra, ở trẻ em và thanh thiếu niên còn có tình trạng tổn thương sụn tăng trưởng ở đầu dưới xương cánh tay, gây ra đau khuỷu tay. Đây là một chấn thương phổ biến đối với các cầu thủ bóng chày. Ném bóng liên tục sẽ gây căng thẳng quá nhiều lên khuỷu tay và dẫn đến viêm mãn tính sụn tăng trưởng.

2.5. Đau đầu gối mãn tính

Tình trạng viêm gân bánh chè gây ra đau mãn tính ở đầu gối của vận động viên nhảy xảy ra khi có một chấn thương hoặc viêm mô nối xương bánh chè với cơ đùi và xương ống chân. Các môn thể thao có động tác nhảy lặp đi lặp lại là nguyên nhân phổ biến gây ra chấn thương này, ví dụ như bóng rổ và bóng chuyền. Ngoài ra, những người thừa cân hoặc chơi thể thao trên bề mặt cứng có nhiều khả năng bị đau mãn tính ở đầu gối. Các triệu chứng bao gồm đau đầu gối, thường ngay dưới xương bánh chè, yếu hoặc cứng đầu gối khi nhảy, quỳ hoặc leo cầu thang.

Ngoài ra, các vận động viên chạy bộ và bất kỳ môn thể thao nào mà có đi bộ nhiều, đi xe đạp hoặc gập đầu gối nói chung, cũng thường bị đau mãn tính ở đầu gối, do chuyển động lặp đi lặp lại. Các triệu chứng bao gồm sưng và đau sau xương bánh chè, đặc biệt là khi uốn cong đầu gối.

2.6. Tổn thương gân gót Achilles

Gân gót Achilles là mô dày, có dây nối cơ bắp chân (ở mặt sau của cẳng chân) với gót chân. Đây là gân lớn nhất trên cơ thể bạn, giúp cho thực hiện động tác đi lại. Chấn thương gân gót Achilles là hậu quả của sự căng, rách hoặc kích ứng do sử dụng quá mức đối với gân gót. Trong đó, viêm gân Achilles là một chấn thương phổ biến nhất. Chấn thương gân gót thường gặp ở những vận động viên tuổi trung niên (viêm gân gót mãn tính dẫn đến thoái hoá gân gót), những người không tập thể dục thường xuyên hoặc không dành thời gian để giãn cơ đúng cách trước một hoạt động. Hầu hết các chấn thương gân gót Achilles dường như xảy ra trong các môn thể thao tăng tốc nhanh, nhảy như bóng đá và bóng rổ, và hầu như luôn luôn vào lúc kết thúc mùa giải của vận động viên. Triệu chứng của chấn thương gân gót Achilles là đau vùng gót khi đi bộ hoặc chạy, sưng tấy và/ hoặc ấm ở khu vực này khi chạm vào.

Xem ngay: 4 nhóm chấn thương thể thao thường gặp nhất

3. Xử trí chấn thương thể thao mãn tính

Khi gặp chấn thương thể thao mãn tính, bạn có thể áp dụng 2 phương pháp điều trị là nghỉ ngơi và chườm lạnh. Nhưng hầu hết các chấn thương mãn tính chỉ có thể được giải quyết bằng việc sử dụng thuốc chống viêm và vật lý trị liệu.

  • Nghỉ ngơi (Rest): Giảm hoặc ngừng sử dụng vùng bị thương ít nhất 48 – 72 giờ. Giảm tập thể dục thường xuyên hoặc các hoạt động sinh hoạt hàng ngày khi cần thiết. Nếu bị chấn thương ở chân có thể cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu bị chấn thương mắt cá chân hoặc đầu gối, có thể sử dụng một cây gậy hoặc một chiếc nạng để giúp giảm bớt sức nặng lên vùng bị thương.
  • Chườm lạnh (Ice): Đặt một túi đá lên vùng bị thương trong 20 phút mỗi lần, từ bốn đến tám lần mỗi ngày, trong 48 – 72 giờ đầu tiên sau chấn thương. Bạn có thể sử dụng gói lạnh, túi đá hoặc túi nhựa chứa đầy đá vụn đã được bọc trong một chiếc khăn. Lưu ý không sử dụng chườm ấm ngay sau khi bị thương vì điều này có xu hướng làm tăng chảy máu bên trong hoặc tăng sưng tấy. Có thể sử dụng liệu pháp nhiệt sau đó để giảm căng cơ và giúp thư giãn.

Tình trạng viêm khiến các mô bị sưng, nóng và đau. Mặc dù viêm là cần thiết để chữa lành tổn thương, nhưng nó thực sự có thể làm chậm quá trình chữa lành nếu không được kiểm soát. Thuốc chống viêm không steroid còn được gọi là NSAID, có thể giúp giảm đau và viêm do chấn thương, nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn.

Về lâu dài, các chấn thương thể thao mãn tính cần được lên chương trình vật lý trị liệu phục hồi chức năng để giúp phục hồi vị trí bị thương và tùy thuộc vào chấn thương, có thể bao gồm các bài tập tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt. Phục hồi chức năng là một phần trong chương trình điều trị bao gồm vật lý trị liệu, liệu pháp thủ công và sóng siêu âm hoặc công nghệ khác để giúp giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa bệnh.

Với hầu hết các chấn thương, vận động sớm - khi có thể - sẽ đẩy nhanh quá trình chữa lành. Nói chung, vận động sớm bắt đầu bằng các bài tập vận động nhẹ nhàng, sau đó chuyển sang các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh khi có thể mà không làm tăng cơn đau. Trở lại thể thao sau chấn thương phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu. Việc cố gắng thi đấu trước khi vết thương được chữa lành sẽ chỉ gây thêm sát thương và làm chậm quá trình hồi phục. Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với chấn thương mô mềm là đã từng chấn thương trước đó. Trong khi chờ chấn thương lành lại, vận động viên có thể duy trì thể lực bằng cách chọn các hình thức tập thể dục không liên quan đến bộ phận bị thương của cơ thể, nếu có thể.

Việc ngăn ngừa tái phát chấn thương là khía cạnh quan trọng nhất của việc kiểm soát chấn thương do lạm dụng trong thể thao. Phần lớn các chấn thương do vận động quá sức liên quan đến việc mỏi cơ do thiếu sức mạnh hoặc độ bền. Kết quả là cơ bị co thắt lại và có thể bị tổn thương cấu trúc. Điều này gián tiếp dẫn đến tình trạng yếu cơ từ đó dễ tái phát chấn thương. Tái phát chấn thương do sử dụng quá mức sẽ tiếp tục nếu không có biện pháp can thiệp điều trị tích cực. Bên cạnh đó, nhiều chấn thương do lạm dụng xảy ra theo thời gian và thường có các triệu chứng tinh vi. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, dẫn đến thương tích nghiêm trọng hơn hoặc tàn phế. Nếu người chơi thể thao có vết thương dù là nhẹ nhưng không cải thiện khi điều trị tại nhà, vết thương bị sưng, đổi màu, bầm tím hoặc đau dữ dội sau vài tuần đầu, hoặc có bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến việc tập luyện hoặc hiệu suất nhưng chưa được chẩn đoán hoặc điều trị thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa.

chấn thương thể thao mãn tính
Khi gặp chấn thương thể thao mãn tính, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh

4. Phòng ngừa chấn thương thể thao

4.1. An toàn thể thao chung

Tham gia các môn thể thao có tổ chức thông qua trường học, câu lạc bộ cộng đồng và các khu giải trí. Bất kỳ hoạt động nhóm có tổ chức nào cũng phải có cam kết phòng chống tai nạn thương tích. Huấn luyện viên nên được đào tạo về sơ cứu và hồi sinh tim phổi (CPR) và nên có kế hoạch ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Huấn luyện viên phải thành thạo trong việc sử dụng thiết bị đúng cách và nên thực thi các quy tắc về sử dụng thiết bị.

Các chương trình thể thao có tổ chức có đội ngũ nhân viên được chứng nhận là huấn luyện viên thể thao. Những cá nhân này được đào tạo để ngăn ngừa, nhận biết và chăm sóc ngay lập tức cho các chấn thương thể thao.

4.2. Chơi môn thể thao phù hợp

Cần chơi môn thể thao phù hợp với độ tuổi, sức khoẻ và khả năng của trẻ

4.3. Tuân theo các quy tắc của môn thể thao

Đảm bảo luyện tập bao gồm cả tốc độ và lực tác động phù hợp để cơ bắp có khả năng đáp ứng các yêu cầu của tình huống. Không được cố gắng tập luyện vượt quá mức sức khỏe, thay vào đó, nên tăng dần cường độ và thời gian đào tạo. Tập luyện chéo với các môn thể thao khác để đảm bảo thể lực tổng thể và sức mạnh cơ bắp. Cố gắng tránh tập thể thao vào thời điểm nóng nhất trong ngày, từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

4.4. Sử dụng dụng cụ bảo hộ

Đảm bảo rằng người tham gia thể thao luôn sử dụng liên tục các thiết bị phòng hộ phù hợp cho một môn thể thao cụ thể. Mặc đồ bảo hộ thích hợp, ví dụ như dụng cụ bảo vệ ống chân khi chơi bóng đá, đội mũ bảo hiểm có vỏ cứng khi đối mặt với vận động viên bóng chày hoặc bóng mềm, đội mũ bảo hiểm và đệm cơ thể cho môn khúc côn cầu trên băng. Ngoài ra, mang giày thể thao thích hợp, băng các khớp dễ bị tổn thương cũng giúp làm giảm khả năng bị thương.

4.5. Biết cách sử dụng các dụng cụ thể thao

Tìm hiểu và tuân theo các quy tắc về an toàn cho môn thể thao cụ thể cũng như hướng dẫn người tham gia thể thao cách sử dụng các dụng cụ thể thao. Tốt nhất là huấn luyện viên nên giám sát quá trình sử dụng các dụng cụ thể thao để khắc phục các lỗi sai kịp thời.

chấn thương thể thao mãn tính
Khởi động kỹ và làm ấm cơ thể trước và sau khi chơi thể thao là một thói quen tốt

4.6. Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao

Khởi động kỹ và làm ấm cơ thể trước và sau khi chơi thể thao là một thói quen tốt. Các bài tập khởi động với các động tác kéo giãn chậm và bền vững sẽ làm cho các mô của cơ thể ấm hơn và linh hoạt hơn. Các bài tập làm ấm cơ thể giúp nới lỏng các cơ đã thắt chặt trong quá trình tập luyện. Sử dụng bình xịt phun sương trên cơ thể để giữ mát.

4.7. Tránh chơi khi quá sức và đảm bảo có đủ nước và chất điện giải để duy trì độ ẩm thích hợp

Đảm bảo rằng cơ thể được cung cấp đủ với nước và chất điện giải khi chơi thể thao. Thoa kem chống nắng và đội mũ (khi có thể) để giảm nguy cơ bị cháy nắng và tổn thương trên da.

4.8. Người tham gia thể thao cần biết các dấu hiệu bất thường

Người tham gia thể thao cần biết các dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến nhiệt, bao gồm cả sự rối loạn tri giác, đồng tử giãn, chóng mặt, ngất xỉu, nhức đầu, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, xanh xao và da khô, nóng hoặc mạch yếu và suy nhược. Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào hoặc có vẻ không ổn, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mountelizabeth.com, niams.nih.gov, familydoctor.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

729 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan