Virus HPV có ảnh hưởng đến mang thai?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bà mẹ bị nhiễm virus HPV khi mang thai thường lo lắng sẽ lây bệnh và gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, thực tế HPV thai kỳ không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của em bé.

1. Nhận biết bị nhiễm virus HPV khi mang thai

Người bệnh thường ít nhận ra đã bị nhiễm virus HPV, bởi ngay sau khi nhiễm thường không gây ra các dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể. HPV có hơn 100 chủng loại khác nhau, trong số đó một số loại có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm mụn cóc sinh dụcung thư cổ tử cung.

Đối với phụ nữ đang mang thai bị mọc mụn cóc sinh dục do HPV sẽ có các biểu hiện: Các tổn thương trên da, các nốt mụn mọc chủ yếu ở khu vực cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và hậu môn. Mặc dù không gây ra đau đớn, nhưng chúng có thể phát triển thành các khối u ác tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Mụn cóc sinh dục do vi khuẩn HPV chủng 6 và 11 gây ra
Virus HPV là nguyên nhân gây ra các bệnh phụ khoa nghiêm trọng

2. Từng nhiễm virus HPV ảnh hưởng thế nào đến mang thai?

Nếu đã từng nhiễm HPV và đang có dự định mang thai, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc có cần thực hiện các xét nghiệm HPV hay không. Điều này giúp xác định chắc chắn rằng bạn không bị nhiễm virus và hoàn toàn yên tâm cho kế hoạch mang thai sắp tới.

Bà mẹ có tiền sử nhiễm HPV cần được theo dõi chặt chẽ, bởi những thay đổi của tế bào có thể diễn ra nhanh hơn trong thai kỳ.

Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm Pap sàng lọc những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm HPV, hoặc soi cổ tử cung nhằm kiểm tra những mô thay đổi bất thường có thể dẫn đến ung thư cổ cung.

3. Mối liên hệ giữa virus HPV và mang thai

Không có mối liên hệ nào được tìm thấy giữa HPV với các trường hợp sẩy thai, sinh non, hoặc các biến chứng thai kỳ khác. Hơn nữa, nguy cơ lây truyền virus sang em bé cũng rất thấp.

Nếu một phụ nữ đang mang thai có xét nghiệm dương tính với các chủng HPV nguy cơ cao có liên quan đến ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bệnh nhân trong suốt thời gian thai kỳ để giám sát thay đổi của mô cổ tử cung.

Ở một số người, sự thay đổi mô có thể tăng lên trong thời kỳ mang thai. Điều này có thể khiến phải hoãn điều trị , vì nó thường dẫn đến chuyển dạ sớm ở thai phụ.

Khi bị mụn cóc sinh dục, bác sĩ sẽ theo dõi xem mụn cóc có thay đổi kích thước không. Sự biến đổi của các nội tiết tố trong thai kỳ có thể khiến cho số mụn cóc tăng lên hoặc lớn hơn trước, thậm chí là gây chảy máu.

Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của mụn cóc, bác sĩ có thể quyết định trì hoãn vẫn tiếp tục điều trị cho đến sau khi sinh con. Tuy nhiên, nếu mụn cóc to đến mức có thể gây tắc nghẽn âm đạo, chúng sẽ cần phải được loại bỏ trước khi sinh.

Các phương pháp loại bỏ mụn cóc sinh dục được chỉ định bao gồm phẫu thuật, điều trị hóa học hoặc bằng dòng điện.

Mụn cóc sinh dục
Mục cóc sinh dục cần phải được loại bỏ trước khi sinh để tránh gây tắc nghẽn âm đạo

4. Virus HPV và sinh con

Nguy cơ lây truyền virus HPV từ mẹ sang cho con khi sinh là rất thấp. Ngay cả khi trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV, cơ thể bé vẫn có khả năng tự loại bỏ virus này.

Hầu hết trẻ được sinh ra từ người mẹ bị mụn cóc ở bộ phận sinh dục đều không có các biến chứng về sức khỏe liên quan đến HPV. Hiếm gặp hơn, mụn cóc sinh dục có thể phát triển ở cổ họng của trẻ. Đây là một biến chứng nặng, gọi là papillomatosis hô hấp (u nhú thanh quản) và cần phải phẫu thuật laser thường xuyên để ngăn ngừa mụn cóc cản trở đường thở của bé.

Hơn nữa, nếu thai phụ mang loại virus HPV gây ung thư cổ tử cung, em bé vẫn có thể được sinh ra an toàn.

5. Điều trị HPV cho phụ nữ mang thai

Đa số bệnh nhân nhiễm virus HPV đều được cải thiện và tự khỏi bệnh sau một thời gian ngắn. Việc điều trị cần bắt đầu sớm ngay khi các nốt mụn cóc sinh dục xuất hiện rõ rệt, đồng thời xét nghiệm có bất thường ở các tế bào cổ tử cung. Dưới đây là một số phương pháp điều trị HPV phổ biến nhất, bao gồm:

  • Loại bỏ mụn cóc bằng dòng điện (Electrocautery)
  • Sử dụng nitơ lỏng để đóng băng, hoặc phá hủy các nốt mụn cóc sinh dục (Cryosurgery)
  • Sinh thiết hình nón
  • Sử dụng vòng điện (LEEP) khoét chóp cổ tử cung
  • Kem bôi theo toa thuốc bác sĩ chỉ định

Lựa chọn phương pháp điều trị nào phụ thuộc vào tình trạng và mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với từng bệnh nhân.

Khám phụ khoa
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân để bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp

6. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm virus HPV

Để ngăn ngừa các nguy cơ lây nhiễm virus HPV, bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:

6.1 Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

Khi quan hệ tình dục, hai bạn nên sử dụng bao cao su đúng cách để làm giảm nguy cơ nhiễm HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Những người thường xuyên sử dụng bao cao su khi quan hệ có thể làm giảm đến 70% nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh trên.

6.2 Tiêm chủng vắc xin

Hiện nay có hai loại vắc-xin phòng ngừa HPV, bao gồm Gardasil và Cervarix. Hai loại vắc xin này đã được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi. Vắc xin có khả năng ngăn ngừa trên 90% nguy cơ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và trên 60% các tổn thương tiền ung thư.

6.2.1 Vắc xin Gardasil

Gardasil bảo vệ cơ thể trước 4 chủng virus gây u nhú ở người là 6, 11, 16 và 18. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê chuẩn sử dụng cho các bé gái và nữ giới trong độ tuổi từ 9 - 26 để giúp phòng tránh mụn cóc sinh dục, ung thư ở cổ tử cung, âm đạo, âm vật và hậu môn. Gardasil cũng được phê chuẩn sử dụng cho nam giới từ 9 - 26 tuổi nhằm phòng tránh mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn. Tiêm phòng vắc xin Gardasl gồm 3 mũi:

Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên.

Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên.

Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.

6.2.1 Vắc xin Cervarix

Văc xin Cervarix bảo vệ chúng ta trước 2 chủng virus gây u nhú ở người là 16 và 18, được phê chuẩn sử dụng cho nữ giới trong độ tuổi từ 10 - 25 nhằm phòng tránh ung thư cổ tử cung. Tiêm phòng gồm 3 mũi:

Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.

Mũi 2: 1 tháng sau mũi đầu tiên

Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Bạn chỉ nên quan hệ thường xuyên với 1 bạn tình, hoặc duy trì hôn nhân một vợ - một chồng, đồng thời thường xuyên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh rủi ro lây nhiễm virus HPV.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan