Vắc-xin 5 trong 1 khác gì vắc-xin 6 trong 1?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vắc xin 5 trong 1 hay vắc xin 6 trong 1 đều có mục đích để phòng các bệnh nguy hiểm, điểm khác nhau đó là số lượng bệnh và loại bệnh có thể phòng của mỗi loại vacxin.

1. Mục đích của việc tiêm chủng là gì?

Mục đích của việc tiêm vắc xin tổng hợp là để ngăn ngừa 6 căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở trẻ em đó là:

  • Bạch hầu.
  • Ho gà.
  • Uốn ván.
  • Viêm gan B.
  • Bại liệt.
  • Viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Các căn bệnh này không chỉ dễ mắc ở trẻ nhỏ trong những tháng đầu đời, mà nó còn để lại những hậu quả vô cùng nặng nề về sau, tỷ lệ tử vong cao, hay những di chứng về vận động và tâm thần kinh. Kể từ khi các loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được đưa vào sử dụng tiêm chủng cho trẻ em, đã làm giảm hàng trăm tới hàng nghìn lần số ca tử vong do các căn bệnh này gây ra.

vac-xin-5-trong-1-va-6-trong-1-1
Tiêm vắc-xin giúp trẻ phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm
  • Vắc xin 5 trong 1 mới nhất ComBE Five: phòng ngừa các bệnh kể trên trừ bệnh bại liệt. Do đó khi tiêm cho trẻ loại vacxin này, cần cho trẻ uống thêm vắc xin ngừa bại liệt.
  • Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim: giúp phòng ngừa các bệnh kể trên trừ bệnh viêm gan siêu vi B. Vì vậy, khi tiêm cho trẻ vắc xin Pentaxim, cần tiêm thêm vắc xin viêm gan B.
  • Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa: giúp trẻ phòng ngừa đầy đủ cả 6 căn bệnh nguy hiểm kể trên.

Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim: cũng giúp trẻ phòng ngừa cả 6 căn bệnh trên.

2. Những điều cần biết về vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five

Vắc xin ComBE Five được sản xuất bởi công ty Biological E - Ấn Độ. Đây là loại vắc xin mới, có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem, gồm có: giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, ho gà toàn tế bào, kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B và kháng nguyên vỏ vi khuẩn Hib (gây bệnh viêm màng não mủ hay viêm phổi).

Cho đến nay đã có trên 400 triệu liều vắc xin ComBE Five được sử dụng trên 43 nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam, loại vắc xin này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 05/2017 thay thế cho vắc xin Quinvaxem trước đây. Vắc xin ComBE Five chính thức được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em Việt Nam từ tháng 12/2018.

vac-xin-5-trong-1-va-6-trong-1-2
Vắc-xin ComBE Five được sử dụng thay thế cho vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Hiện nay, Việt Nam đang được Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc cung ứng loại vắc xin ComBE Five. Trước khi đưa vào sử dụng, vắc xin đã được kiểm định về tính an toàn và đạt các yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối, các phản ứng sau khi tiêm vắc xin ComBE Five có thể gặp từ nhẹ, vừa cho đến nặng. Phản ứng có thể xảy ra ở toàn thân hoặc chỉ xảy ra tại vị trí tiêm.

Sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five, trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như là:

  • Sốt nhẹ.
  • Sưng đau nhẹ tại vị trí tiêm.
  • Trẻ quấy khóc, bỏ bú.

Các phản ứng này thường tự khỏi mà không cần phải điều trị. Sau khi tiêm, cha mẹ cần chú ý trẻ, cho trẻ bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ của trẻ. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau, cần phải đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất, để xử trí kịp thời.

  • Trẻ khó thở, tím tái.
  • Trẻ phát ban.
  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C.
  • Trẻ bị co giật.
  • Trẻ khóc thét hoặc li bì, bú kém.
  • Tại chỗ tiêm sưng đỏ, lan rộng ra xung quanh.

Các trường hợp cần tạm hoãn tiêm vắc xin ComBE Five:

  • Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
  • Trẻ đang sốt trên 37,5 độ C hoặc thân nhiệt dưới 35,5 độ C (kiểm tra nhiệt độ tại nách).
  • Trẻ vừa mới sử dụng các sản phẩm Globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp trẻ đang sử dụng Globulin điều trị viêm gan B.
  • Trẻ đang trong đợt điều trị hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (đường uống, đường tiêm) trong vòng 14 ngày.
  • Những trẻ có cân nặng < 2kg.
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các bậc phụ huynh cũng không cần quá lo lắng về điều này, bởi trẻ sẽ được khám sàng lọc theo quy định của Bộ Y tế trước khi tiêm chủng bất kỳ loại vắc xin nào.

3. Những điều cần biết về vắc-xin dịch vụ Pentaxim, Infanrix Hexa và Hexaxim

Ngoài vắc xin 5 trong 1 ComBE Five được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc) thì tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có một loại vacxin 5 trong 1 khác đó là vắc xin Pentaxim có nguồn gốc từ Pháp và hai loại vắc xin 6 trong 1 là vắc xin Infanrix Hexa có nguồn gốc từ Bỉ và vắc xin Hexaxim có nguồn gốc từ Pháp.

vac-xin-5-trong-1-va-6-trong-1-3
Vắc-xin Pentaxim là loại vắc-xin 5 trong 1 sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ

Cả 3 loại vắc xin này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mà được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. Điểm khác biệt cơ bản giữa vắc xin tiêm dịch vụ và vắc xin tiêm miễn phí là ở thành phần ngừa bệnh ho gà. Trong khi vắc xin ComBE Five của Ấn Độ có thành phần ngừa ho gà vắc xin toàn tế bào, thì vắc xin của Bỉ và Pháp là dạng vô bào. Vô bào có nghĩa là không có thành phần xác vi khuẩn ho gà trong vắc xin, mà thay vào đó là thành phần kháng nguyên đặc thù, vì vậy sẽ tinh khiết hơn.

Thực tế các loại vắc xin dịch vụ được nhập khẩu từ châu Âu, có thành phần tinh chế, có tính an toàn gấp 10 lần loại vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chúng ta đang áp dụng. Từ đó làm giảm các tác dụng phụ không mong muốn sau khi tiêm.

Vắc xin ComBE Five có chứa vi khuẩn ho gà đã chết được tinh lọc và các phản ứng thường do protein trong xác vi khuẩn đó gây ra, gồm có: sốt, sưng đỏ tại chỗ tiêm, thường tự khỏi sau 1 - 2 ngày, trường hợp nặng hơn có thể bị sốc phản vệ.

Vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 ngoài chủng ngừa cùng lúc 5 loại bệnh quan trọng như vắc-xin 5 trong 1, còn ngừa thêm được bệnh thứ 6 đó là bệnh bại liệt. Điểm hơn đặc biệt của vắc-xin 6 trong 1 đó là thành phần ho gà trong vắc-xin là loại vô bào nên an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn loại vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Đồng thời vắc-xin 6 trong 1 giúp giảm số mũi tiêm cần thiết từ 9 mũi xuống còn 3 mũi, mà vẫn bảo vệ trẻ nhỏ tránh khỏi các loại bệnh có thể chủng ngừa được.

vac-xin-5-trong-1-va-6-trong-1-4
vắc-xin Hexaxim là loại vắc-xin 6 trong 1 có nguồn gốc từ Pháp

4. Lịch tiêm các loại vắc-xin

Tất cả các loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 đều cần tiêm 03 mũi cơ bản cách nhau tối thiểu 28 ngày, mũi đầu tiên tiêm khi trẻ được đủ 2 tháng tuổi. Sau đó trẻ cần được cho tiêm mũi thứ 4 nhắc lại lúc 18 tháng tuổi hoặc hơn 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 3.

Tuy nhiên, lịch tiêm có thể dao động tùy theo tình hình thực tế, có thể chậm hơn một chút nếu như trẻ bị ốm, hết vắc xin,... song cũng không nên để quá muộn, vì trẻ có nguy cơ mắc bệnh trước khi được tiêm đủ liều.

Đồng thời, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 cũng không được tiêm sớm quá, cụ thể là trước khi trẻ đủ 2 tháng tuổi hoặc đi tiêm sớm hơn lịch hẹn của bác sĩ. Vì nếu làm như vậy, vắc xin sẽ mất tác dụng và phải tiêm lại.

5. Tổng hợp những điểm khác biệt chính giữa vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1

Tổng hợp những điểm khác biệt chính giữa vacxin 5 trong 1 và 6 trong 1
Tổng hợp những điểm khác biệt chính giữa vacxin 5 trong 1 và 6 trong 1

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả trẻ em đều cần được tiêm đầy đủ vắc xin phòng cả 6 bệnh nguy hiểm đó là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Dù lựa chọn vắc xin 5 trong 1 hay vắc xin 6 trong 1, phụ huynh cần theo sát lịch tiêm để cho con tiêm đầy đủ 3 mũi trước 1 tuổi. Trong trường hợp loại vắc xin trẻ tiêm ở mũi đầu bị hết, thì những mũi sau có thể tiêm loại vắc xin khác. Việc tiêm xen kẽ 4 loại vắc xin trên đều có thể giúp cho trẻ phòng bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, cha mẹ cần lựa chọn cơ sở tiêm chủng thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước gồm có:

  • Khám sàng lọc trước tiêm.
  • Tiêm.
  • Theo dõi phản ứng sau tiêm.
  • Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe sau tiêm chủng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

189.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan