Uốn ván: Tác nhân gây bệnh và nguồn truyền nhiễm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp do ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Ngoại độc tố này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co giật các cơ trên nền cơ căng cứng, có thể gây suy hô hấp - trụy tim mạch, rối loạn thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy việc phát hiện tác nhân gây bệnh và nguồn lây bệnh đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh uốn ván.

1. Tác nhân gây ra bệnh uốn ván

Tác nhân gây bệnh uốn ván là trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani), là trực khuẩn Gram dương, có lông quanh thân, di động tương đối, sống trong môi trường yếm khí. Khi môi trường không thuận lợi, trực khuẩn uốn ván thường tạo nha bào (bào tử). Nha bào có dạng hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc hình dùi trống. Nha bào có khả năng sống rất dai trong môi trường bất lợi, do đó khó bị tiêu diệt. Nếu vi khuẩn uốn ván chết ở 56 độ C thì nha bào uốn ván lại rất bền vững; nha bào chết sau khi đun sôi 30 phút. Nha bào còn có khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin có thể diệt nha bào sau 8-10 tiếng.

Ở các nước chưa áp dụng Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao. Tại Việt Nam, mặc dù đã có Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh uốn ván nhưng bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở những vùng nông thôn và có ở mọi lứa tuổi, nhất là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Bệnh uốn ván có thể xảy ra sau một tổn thương cấp tính như vết chích da, vết rách da, vết trầy xước da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ...

Tác nhân gây bệnh uốn ván là trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani)
Tác nhân gây bệnh uốn ván là trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani)

2. Nguồn lây bệnh uốn ván

  • Ổ chứa: Môi trường sống của trực khuẩn uốn ván có ở khắp nơi chủ yếu trong đất, cống rãnh, phân của loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa,... Ngoài ra, trực khuẩn uốn ván còn có ở các vật dụng sinh hoạt như kéo, dao, dụng cụ phẫu thuật chưa được tiệt trùng kỹ. Tại đây, trực khuẩn cư trú một cách bình thường, không gây bệnh. Điều kiện lí tưởng để vi khuẩn gây bệnh là các vết thương hở không được vệ sinh sạch sẽ

Nha bào uốn ván có thể được tìm thấy trong đất và những đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.

  • Phương thức lây truyền: Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi cũng xuất hiện trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho các nha bào uốn ván phát triển.

Uốn ván sơ sinh thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do cắt dây rốn ở trẻ sơ sinh không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc vệ sinh rốn sạch sẽ, gạc băng rốn không vô khuẩn nên bị nhiễm nha bào uốn ván.

Nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương trên da, sinh sôi nảy nở và tạo ra độc tố bám vào đuôi các sợi thần kinh. Chất độc sẽ lan dần vào tủy sống và não. Độc tố ngăn chặn những tín hiệu hóa học từ não và tủy sống đến cơ. Cơ sẽ bị co giật nặng, bệnh nhân có thể ngừng thở và tử vong nếu nhóm cơ hô hấp bị co cứng kéo dài.

  • Nguy cơ mắc bệnh uốn ván: Bệnh uốn ván thường xảy ra ở những người không được tiêm vắc-xin phòng uốn ván hoặc người bị suy giảm chức năng miễn dịch; người làm các công việc như: làm vườn, chăn nuôi gia súc, nhân viên vệ sinh cống rãnh, công nhân xây dựng hoặc người bị thương do nhiều nguyên nhân nhưng không xử lí vết thương để nhiễm trùng như bỏng, đạn bắn, gãy xương hở, vết loét, vết cắn do động vật, xăm hình, vật nhọt đâm, vết kim tiêm. Trẻ sơ sinh cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván.

3. Dự phòng mắc bệnh uốn ván

Tiêm vắc-xin phòng uốn ván là phương pháp hiệu quả để chủ động phòng bệnh uốn ván. Vắc-xin phòng uốn ván có thể là vắc-xin đơn thuần hoặc phối hợp với các bệnh khác như vắc-xin 6 trong 1 (Infanrix hexa, Hexaxim), 5 trong 1 (Pentaxim, CombeFive, Quinvaxem), 4 trong 1 (Tetraxim), 3 trong 1 (Adacel, Boostrix, DPT)... Vắc-xin được khuyến cáo tiêm cơ bản như sau:

  • Trẻ em sẽ được tiêm vắc-xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib vào 2,3,4 và 18 tháng tuổi. Sau đó, trẻ được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 4-6 tuổi và từ 10-13 tuổi trở lên cho đến người lớn, người già có thể tiêm nhắc vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
  • Phụ nữ có thai lần đầu cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần cách nhau tối thiểu 1 tháng, liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Những lần có thai sau, vắc-xin phòng uốn ván được nhắc lại 1 liều cách lúc sinh tối thiểu 1 tháng. Ngoài ra, có thể sử dụng 1 liều vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván thay thế cho 1 liều vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần, tiêm vào thời kì thai 27 đến dưới 35 tuần để có kháng thể chống ho gà sớm cho trẻ sơ sinh.
  • Phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng nên được tiêm phòng uốn ván với 3 liều cơ bản theo phác đồ 0-1-6, nghĩa là tiêm liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
Tiêm phòng vacxin
Tiêm vắc-xin phòng uốn ván để chủ động phòng bệnh uốn ván

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan