Uốn ván điều trị thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Uốn ván hay còn gọi là bệnh phong đòn gánh (Tetanus). Đây là bệnh do ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Ngoại độc tố sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co giật các cơ trên nền cơ căng cứng, có thể gây suy hô hấp-trụy tim mạch, rối loạn thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp. Vậy uốn ván có chữa được không và điều trị uốn ván như thế nào?

1. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể như thế nào?

Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật hoặc qua các vết rách da, vết bỏng, vết thương dập nát. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Uốn ván sơ sinh cũng thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do cắt dây rốn ở trẻ sơ sinh không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc vệ sinh rốn sạch sẽ, gạc băng rốn không vô khuẩn nên bị nhiễm nha bào uốn ván.

2. Nguyên tắc điều trị bệnh uốn ván

Thể trạng chung của bệnh nhân thời kỳ đầu nhiễm bệnh tương đối tỉnh táo, ít có biểu hiện sốt cao trong 2 ngày đầu và khi mới phát bệnh. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát, co giật, co cứng cơ, có thể bị sốt, sốt cao, rối loạn hệ thần kinh thực vật (huyết áp tăng thất thường, không ổn định; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim ...). Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi sát và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, thực hiện điều trị theo nguyên tắc:

  • Đảm bảo yên tĩnh và tránh các kích thích đối với người bệnh.
  • Dùng kháng sinh tiêu diệt trực khuẩn uốn ván.
  • Trung hòa độc tố uốn ván còn lưu hành trong máu bằng SAT.
  • Khống chế co cứng cơ, co giật và rối loạn thần kinh thực vật.
  • Duy trì chức năng sống bằng các điều trị hỗ trợ.
Uốn ván trẻ sơ sinh
Hình ảnh uốn ván trẻ sơ sinh

3. Điều trị cụ thể bệnh uốn ván

3.1. Kháng sinh

  • Metronidazol: 3 lần/ ngày, truyền tĩnh mạch cách 8 giờ/lần, thường dùng 7-14 ngày.
  • Có thể dùng các kháng sinh Cephalosporin khác bằng đường tiêm tĩnh mạch, thường dùng 7-10 ngày

3.2 Trung hoà độc tố uốn ván còn lưu hành trong máu:

  • Nếu đã được tiêm huyết thanh chống uốn ván (SAT) tại bệnh viện tuyến trước thì cân nhắc việc tiếp tục dùng SAT.
  • SAT 1500 đơn vị x 6-10 ống tiêm bắp, cần thử test trước tiêm. Nếu thử test SAT dương tính thì giải mẫn cảm theo phương pháp Besredka.

3.3. Kiểm soát co cứng cơ, co giật và rối loạn thần kinh thực vật:

  • Thuốc dùng ban đầu: Diazepam, thường cách 2-4 giờ dùng thuốc một lần. Có thể dùng xen kẽ thuốc tiêm (tiêm tĩnh mạch) và thuốc uống (qua sonde dạ dày).
  • Tuỳ đáp ứng lâm sàng, điều chỉnh liều tối thiểu để bệnh nhân nằm yên, không còn co giật nhưng vẫn co cứng cơ mức độ nhẹ khi kích thích.
  • Không nên dùng quá 240 mg Diazepam/ngày.
  • Khi dùng Diazepam liều tối đa mà không hiệu quả thì có thể dùng thêm Thiopental, nhưng phải ở đơn vị hồi sức tích cực.
  • Khống chế cơn co giật bằng Cocktailytique: Thành phần hỗn hợp: Aminazin 0,025g x 1 ống + Dolargan 0,1g x 1 ống + Dimedrol 0,01g x 1 ống. Hỗn hợp các thuốc sau khi lấy vào bơm tiêm được tiêm bắp ngay 1⁄2 - 1 liều.
  • Thuốc ức chế thần kinh cơ: chỉ định khi dùng thuốc an thần không đủ để kiểm soát co giật, co cứng cơ

3.4. Điều trị hỗ trợ:

  • Tại vết thương cần làm sạch, để hở, thay băng hàng ngày.
  • Đảm bảo thông thoáng đường thở, hút đờm dãi, không ăn uống trực tiếp bằng đường miệng để tránh sặc và co thắt thanh môn. Mở khí quản có thể kết hợp hoặc không kết hợp với thở máy, bù nước và điện giải, tăng cường dinh dưỡng bằng truyền dịch hoặc cho ăn qua ống thông vào dạ dày, vật lý trị liệu để đề phòng cứng cơ, chống loét điểm tì đè cho bệnh nhân, dùng heparin và các chất kháng đông khác để đề phòng tắc mạch phổi; theo dõi chức năng của thận, bàng quang và ruột; phòng chống chảy máu và loét đường tiêu hóa.
  • Khi cần thiết có thể dùng thêm thuốc vận mạch.
  • Dùng vắc-xin gây miễn dịch chủ động: Tất cả bệnh nhân phải được tiêm vắc-xin sau khi bệnh đã phục hồi.

3.5. Tiêu chuẩn ra viện:

Dù là điều trị bằng cách nào thì bệnh nhân cũng cần kiên trì vài tháng để có thể khỏi bệnh hoàn toàn và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân được ra viện khi:

  • Hết sốt.
  • Không còn các cơn cứng co, đi lại được, nuốt và nói bình thường.
  • Các tổn thương khác (nếu có) hồi phục hoàn toàn.

4. Tiêm vắc-xin uốn ván giúp phòng bệnh hiệu quả

Tiêm vắc-xin phòng bệnh là giải pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất.

Trẻ đã bị viêm phổi, viêm tai giữa, có tiêm được vắc xin phế cầu Synflorix?
Tiêm phòng vắc-xin uốn ván là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan