Tiêm vắc-xin rồi có bị cúm nữa không?

Tiêm phòng cúm là một biện pháp phòng ngừa giúp con người tránh được một số chủng virus cúm và các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm. Tuy nhiên, có những trường hợp sau khi tiêm phòng vẫn bị cúm khiến nhiều người băn khoăn liệu vắc-xin có đảm bảo bảo vệ chúng ta trước bệnh cúm hay không?

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn, Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

1. Tìm hiểu về bệnh cúm

Cúm là một nhiễm trùng do virus cúm gây ra, nó khiến chúng ta bị sốt, sổ mũi, ho, đau đầu và mệt mỏi, trường hợp nặng có thể biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa phủ tạng... thậm chí có thể gây tử vong trong các đợt dịch bộc phát theo mùa. Đặc biệt là ở những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, Những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (ví dụ: bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy gan...). Tuy vậy, trong đa số trường hợp, bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Virus cúm có rất nhiều type huyết thanh và được phát hiện khá sớm vào thế kỷ 15 từ một dịch bệnh ở Ý.

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi. Khi một người bị nhiễm virus cúm ho hoặc hắt hơi, những giọt nước bọt có chứa virus cúm có thể văng xa tới 2 mét. Những người xung quanh khi hít phải hoặc vô tình những hạt li ti có chứa virus này rơi vào miệng, mũi sẽ rất dễ bị nhiễm virus cúm. Virus cũng có thể lây lan rất nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, ôm hôn.

Việt Nam là nước thường xuyên xảy ra dịch cúm nên việc tiêm phòng định kỳ hàng năm là rất cần thiết. Vậy, những đối tượng nào nên tiêm vắc-xin?

Cúm là một nhiễm trùng do virus cúm gây ra, nó khiến chúng ta bị sốt, sổ mũi, ho, đau đầu và mệt mỏi
Cúm là một nhiễm trùng do virus cúm gây ra, nó khiến chúng ta bị sốt, sổ mũi, ho, đau đầu và mệt mỏi

2. Ai nên tiêm vắc-xin cúm?

Vắc-xin phòng cúm có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Cụ thể như sau:

Trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm:

  • Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
  • Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Trẻ trên 9 tuổi và người lớn:

  • Tiêm 1 mũi 0.5ml
  • Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Những đối tượng sau không nên tiêm vắc-xin cúm:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi
  • Người dị ứng với vacxin cúm hoặc bất kỳ thành phần nào của vacxin

Nếu bạn thuộc những trường hợp sau, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm:

  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong vacxin
  • Dị ứng trứng
  • Tiền sử mắc hội chứng Guillain-Barre
  • Cảm thấy không khỏe

Cơ thể chúng ta có thể mệt mỏi, đau nhức sau khi tiêm phòng nhưng không phải là do bạn bị nhiễm bệnh mà là dấu hiệu cho thấy sự phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể bạn đối với vacxin.

Tùy từng đối tượng và vùng miền khác nhau sẽ có khuyến nghị về thời gian tiêm khác nhau. Tuy nhiên, tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào đều có thể giúp phòng ngừa bệnh cúm.

Theo ý kiến chuyên gia, sau khi tiêm vắc-xin chúng ta vẫn có thể mắc cúm vì phải ít nhất hai tuần sau 14 ngày mới bắt đầu có kháng thể bảo vệ và phải sau khi hoàn thành liệu trình tiêm 4 tuần kháng thể mới được sản xuất đầy đủ để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh cúm nên trong thời gian đó vẫn có thể bị cúm. Vì vậy, nên chích ngừa cúm sớm chứ đừng đợi dịch cúm rầm rộ mới lo đi chích ngừa. Mặt khác, không loại vắc-xin nào đem lại hiệu quả 100%, tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin cúm thường nằm trong khoảng 30 - 60%. Nhưng điều quan trọng là những người đã tiêm vắc-xin nếu có mắc thì bệnh cũng ở thể nhẹ và ngắn hơn, ít tử vong hơn so với những người không tiêm. Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin cúm làm giảm nguy cơ phải đi khám bác sĩ vì cúm 40-60%, giảm 59% khả năng nhập viện và làm giảm khả năng phải vào khoa hồi sức 74-82%.

Tiêm vacxin cũng giúp bảo vệ gián tiếp những người khác trong cộng đồng bằng cách ngăn chặn những người xung quanh mang loại virus cúm trong người, từ đó tạo nên miễn dịch cộng đồng.

Việc tiêm phòng cúm không làm bạn bị nhiễm cúm. Trong vắc-xin chứa một loại virus bất hoạt không có khả năng khiến bạn bị bệnh. Virus cúm có rất nhiều type huyết thanh và thường biến đổi cấu trúc di truyền. Trong khi đó, kháng thể chống virus cúm không tồn tại lâu như kháng thể virus khác và tỷ lệ bảo vệ của vacxin chỉ nằm trong khoảng 30 - 60%. Do đó, để phòng bệnh và hạn chế các biến chứng của virus cúm gây ra, chúng ta cần tiêm nhắc lại định kỳ mỗi năm một lần vắc-xin cúm với thành phần kháng nguyên thay đổi hàng năm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan