Một số bệnh truyền nhiễm có thể ngăn ngừa bằng vắc-xin tại Việt Nam

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vắc-xin là một biện pháp rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay đã có gần 30 bệnh có thể dự phòng được bằng vắc-xin nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, giúp cho trẻ em khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não bình thường, vắc-xin còn giảm mắc các bệnh khác, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh; góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng viêm gan, ung thư cổ tử cung... Bên cạnh những ích lợi trực tiếp và gián tiếp của vắc-xin trong việc làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm, nó còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau và giảm chi phí y tế, làm giàu cho xã hội. Tiêm vắc-xin có thể giúp phòng ngừa:

  • Các bệnh do vi khuẩn như bệnh lao, bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, thương hàn, dịch tả, bệnh do phế cầu, não mô cầu type A,B,C, Hemophilus influenzae type b...
  • Các bệnh do virus như bệnh đậu mùa, bại liệt, sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, cúm, dại, viêm gan virus A, B, viêm não Nhật Bản B...

Trong số các bệnh có vắc-xin để tiêm dự phòng có một số bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây thành dịch lớn và có biến chứng nặng nề như: sởi, ho gà, cúm, viêm não Nhật Bản... Vì vậy, trong Thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng quy định danh mục 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin cho trẻ là: Lao, Viêm gan B, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, bệnh do Hemophilus Influenza typ b, Sởi, Rubella, Viêm não Nhật Bản.

1. Sởi

Bệnh do virus sởi Morbillivirus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Virus gây bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường, trên các bề mặt khoảng 2 giờ sau khi dính vào. Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.

Bệnh thường biểu hiện sốt khởi đầu nhẹ sau đó thân nhiệt tăng dần, ho, chảy nước mũi, đau mắt đỏ, tiêu chảy. Vào ngày thứ 2 của bệnh xuất hiện dấu hiệu Koplik, đó là hạt trắng có kích thước nhỏ như hạt vừng trên niêm mạc miệng, các hạt Koplik chỉ tồn tại 12-14 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn. Phát ban vào ngày thứ 4-6 của bệnh, ban có dạng dát sẩn, kích thước nhỏ, mọc tuần tự từ sau tai rồi lan dần ra hai bên má, cổ, lan xuống ngực, bụng, tay, sau lưng, hông và chân. Sau khi lan khắp toàn thân, ban sẽ tồn tại đến ngày thứ 6 kể từ ngày bắt đầu phát ban, sau đó sẽ dần dần biến mất theo trình tự xuất hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể có biến chứng rất nặng như viêm não, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.

Trước khi có vắc-xin phòng sởi, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 3 - 4 triệu người mắc bệnh. Trong đó có khoảng 48.000 trường hợp phải nhập viện và 400 - 500 ca tử vong do sởi. 90% người không được tiêm vắc-xin phòng sởi sẽ bị lây bệnh nếu ở gần người đang bị sởi.

vacxin-1
Bệnh sởi tuy có thể điều trị tại nhà nhưng có thể diễn biến rất nhanh và nghiêm trọng

2. Ho gà

Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn ho gà Bordetella Pertussis gây ra. Vi khuẩn này bị chết trong vòng 1 giờ dưới tác động của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường. Bệnh cũng lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tỷ lệ mắc bệnh trong số những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng hộ gia đình từ 90-100%.

Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng thể hiện trẻ ho rũ rượi từng cơn liên tục không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít nghe như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp. Ở trẻ nhỏ, nhiều khi triệu chứng không điển hình, trẻ có thể ngừng thở tím tái mà không có biểu hiện cơn ho như trên. Bệnh có thể có biến chứng viêm phổi nặng gây suy hô hấp và tử vong, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.

3. Cúm

Cúm là bệnh lý rất phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đây là tình trạng nhiễm virus gây bệnh ở mũi, phổi, hầu họng. Tác nhân gây bệnh là virus cúm mùa Influenzavirus, có 3 týp virus cúm A, B, C. Virus cúm A gồm các phân týp dựa vào kháng nguyên bề mặt hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Hiện nay phân týp cúm A/H1N1, A/H3N2 lưu hành rộng rãi ở người. Virus cúm B không chia thành các phân týp nhưng có 2 dòng đặc tính kháng nguyên khác biệt đang lưu hành ở người. Virus cúm C liên quan đến các ca bệnh tản phát, không gây dịch lớn vì thế trong thành phần của vắc-xin cúm mùa chỉ có virus cúm A và B. Virus cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C và các chất hòa tan lipid như ete, formol, cloramin, cresyl, cồn... Tuy nhiên virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp.

Bệnh cúm là một bệnh lây nhiễm rất cao, lan truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng có chứa virus cúm do bệnh nhân ho, hắt hơi... Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, sổ mũi, đau họng, rất mệt, ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu, hoặc người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, gây biến chứng viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não thậm chí tử vong.

4. Bại liệt

vacxin-2
Virus bại liệt sinh sống ở trong đường ruột của người bệnh

Tác nhân gây bệnh là virus bại liệt hoang dại Poliovirus typ 1, 2, 3 (typ 2 không còn lưu hành từ năm 1999) hoặc virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin. Virus bại liệt có thể tồn tại trong phân vài ba tháng ở nhiệt độ 0-40C. Trong nước ở nhiệt độ thường sống được 2 tuần. Virus bại liệt chịu đựng khô hanh, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C sau 30 phút và bị tiêu diệt bởi thuốc tím. Liều clo thường dùng để diệt khuẩn nước không tiêu diệt được virus bại liệt. Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa. Virus bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm, sữa hoặc các thực phẩm khác rồi vào người qua đường tiêu hóa. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng.

Virus bại liệt sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não gây liệt mềm các chi hoặc liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Một số trường hợp có thể gây viêm màng não vô khuẩn với triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, cứng gáy. Bệnh không có những triệu chứng đặc trưng nên rất khó phát hiện sớm. Đây được xem là căn bệnh gây hủy hoại đáng sợ nhất ở thế kỷ 20. Việc tiêm phòng vắc-xin bại liệt đã giúp tỷ lệ mắc bệnh bại liệt giảm rõ rệt.

5. Bạch hầu

Bệnh bạch hầu gây ra do độc tố của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium Diphtheria. Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần. Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ. Vi khuẩn có thể tồn tại trong dung dịch phenol 1% và cồn 60 độ C trong vòng 1 phút. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh nhân thường biểu hiện viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt mỏi, sốt, hạch cổ sưng và đau. Có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm nếu bóc ra sẽ bị chảy máu, vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết. Bạch hầu thanh quản là thể nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác. Tỷ lệ tử vong 5-10%. Một số có biểu hiện biến chứng như: Tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm đa thần kinh, suy tim, hôn mê, liệt cơ hô hấp, tử vong.

6. Uốn ván

Tác nhân gây bệnh uốn ván là độc tố vi khuẩn uốn ván Clostridium Tetani. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương bị nhiễm đất, bụi, phân động vật, phân người; qua vết rách, bỏng; phẫu thuật, đẻ không vô khuẩn.

Bệnh thường biểu hiện đau, co cứng cơ (cứng cổ, hàm và cơ bụng), khó nuốt, uống sặc, sốt, co giật và co thắt. Đối với uốn ván sơ sinh: trẻ bỏ bú, khít hàm, co cứng toàn thân; có thể có gãy xương, khó thở. Tỷ lệ tử vong do uốn ván là khoảng 10-20%. Trong đó, chủ yếu là người già trên 60 tuổi hoặc người bệnh có bệnh lý đái tháo đường.

7. Bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib (Haemophilus Influenzae Type B)

vacxin-3
Triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt đột ngột kèm theo đau đầu và cứng cổ

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Haemophilus Influenza typ B (Hib). Là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não mủ ở trẻ em < 5 tuổi. Vi khuẩn Hib tồn tại ở mũi và họng, dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt hắt hơi và ho. Bất cứ trẻ nào chưa có miễn dịch phòng bệnh đều có nguy cơ mắc, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện:

  • Đối với viêm màng não mủ: Bệnh cảnh nhiễm khuẩn diễn biến rất cấp tính. Sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, tăng kích thích, cổ cứng, co giật, li bì, lơ mơ, hôn mê, liệt thần kinh khu trú, giảm trương lực cơ. Ở trẻ em biểu hiện đầu tiên là nôn và co giật, thóp phồng, chướng bụng, tiêu chảy. Có thể sốc nhiễm khuẩn.
  • Đối với viêm phổi: Khởi phát viêm long đường hô hấp trên, sốt nhẹ, sổ mũi. Triệu chứng tiêu hóa (nôn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy) thường nổi bật ở trẻ nhỏ. Ho, lúc đầu ho khan sau có đờm; có thể không có ho ở trẻ nhỏ; thở nhanh, khó thở, co kéo cơ bụng và cơ liên sườn, đau ngực.
  • Một số trường hợp có thể không có triệu chứng.

Biến chứng hay gặp là nhiễm trùng huyết, phù não, tràn dịch dưới màng cứng, phù phổi cấp, tràn mủ/ tràn khí màng phổi, viêm màng ngoài tim, suy hô hấp, tử vong. Có thể để lại di chứng: chậm phát triển tinh thần, vận động, ngôn ngữ, điếc, động kinh, tăng trương lực cơ.

8. Viêm gan virus B

Bệnh do virus viêm gan B (VGB) gây nên. Virus này bị bất hoạt ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 20 phút, formalin 5% trong vòng 12 giờ, cloramin 3% trong vòng 2 giờ. Bệnh thường lây do tiếp xúc với máu hoặc chế phẩm của máu, dịch tiết của cơ thể nhiễm virus VGB; qua đường sinh dục; mẹ truyền cho con trong thời kỳ sinh đẻ; những người sống trong cùng một gia đình dùng chung các dụng cụ như dao cạo râu, bàn chải đánh răng... Tỷ lệ lây nhiễm của viêm gan virus B cao gấp 100 lần so với HIV.

Khoảng 85-90% người mắc bệnh trưởng thành có diễn biến cấp tính. Bệnh có thể không có triệu chứng. Trẻ nhỏ lây trực tiếp từ mẹ bị VGB có nguy cơ 90% ở thể mạn tính. Bệnh thường khởi phát với biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, bụng ậm ạch khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nôn, sau khoảng 7-10 ngày xuất hiện vàng da, lúc này sẽ hết sốt, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, đau khớp. Sau khoảng 4-6 tuần các triệu chứng lâm sàng đỡ dần. Thể tối cấp diễn biến rầm rộ, hôn mê và tử vong trên 95%. Một số trường hợp có biến chứng: Viêm gan mạn tính, suy gan, xơ gan, ung thư gan.

9. Lao

Bệnh do Trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis gây ra.Trực khuẩn lao sống được nhiều tuần trong đờm, rác ẩm; bị tiêu diệt ở 1000 C trong 5 phút và dễ mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Trực khuẩn lao lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, có thể gây lao sơ nhiễm, lao màng não.

10. Bệnh Rubella

Tác nhân gây bệnh là virus Rubella. Sức đề kháng của virus này cũng như virus sởi rất yếu và dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ, ánh sáng và thuốc sát khuẩn thường dùng. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi họng của bệnh nhân hoặc có thể lây truyền qua các hạt nước miếng của bệnh nhân khuếch tán trong không khí. Trong điều kiện không gian khép kín, tất cả những người cảm nhiễm đều có thể bị nhiễm virus. Trẻ em mắc hội chứng rubella bẩm sinh sẽ đào thải nhiều virus trong dịch tiết hầu họng, trong nước tiểu và là nguồn lây bệnh cho những người tiếp xúc.

Bệnh thường biểu hiện sốt, phát ban, đau khớp, hạch to sau tai, cổ và dưới chẩm. Một số trường hợp có biến chứng, đặc biệt là phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ bị dị tật bẩm sinh còn gọi là hội chứng rubella bẩm sinh (điếc, bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ...).

11. Bệnh Quai bị

Bệnh do virus quai bị Rubulavirus gây ra. Virus có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể, từ 30-60 ngày ở nhiệt độ 15-20 độ C, khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ âm sâu -25 đến -70 độ C. Bị diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và những hóa chất khử khuẩn thường dùng. Bệnh cũng lây truyền qua đường hô hấp. Virus có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện..., người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch mũi họng do bệnh nhân thải ra.

Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân sốt, đau đầu, sưng và đau tuyến nước bọt dưới hàm, đau cơ. Một số trường hợp có biến chứng: Viêm màng não, viêm não, viêm tinh hoàn hoặc buồng trứng.

vacxin-4
Quai bị có thể dẫn đến biến chứng viêm màng não, điếc

12. Bệnh viêm não Nhật Bản B

Tác nhân gây bệnh là virus viêm não Nhật Bản (VNNB). Virus không bị phá hủy ở pH: 7-9. Virus bị bất hoạt nhanh ở 50 độ C, ở 37 độ C sẽ bị bất hoạt chậm. Vì trên bề mặt của virus có lipid nên rất nhạy cảm với các chất dung môi hoà tan mỡ như ête, desoxy- cholat natri. Virus bị bất hoạt nhanh bởi tia tử ngoại. Bệnh lây truyền từ động vật (chủ yếu là lợn và chim) sang người qua muỗi đốt (muỗi Culex, chủ yếu là muỗi Culex tritaeniorhynchus).

Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, nôn, rối loạn vận động (gồng vặn người từng cơn, run rẩy, múa giật, co giật), tăng tiết đờm rãi, nói khó, ngủ gà gật, mất trí nhớ, lơ mơ, li bì, hôn mê; Một số trường hợp có thể không có triệu chứng. Bệnh thường để lại di chứng liệt cứng, di chứng thần kinh (không nói được, rối loạn tính cách, thiểu năng trí tuệ...), tử vong.

13. Bệnh Thủy đậu

Nguyên nhân gây bệnh là do virus Varicella-zoster (VZV). Virus sống được vài ngày trong vảy thủy đậu ở ngoài môi trường. Virus dễ bị chết bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của đường hô hấp hoặc nốt phỏng.

Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, đau đầu, phát ban dạng phỏng nước, ngứa toàn thân. Ban đầu phỏng nước trong sau đó trở nên đục, đóng vảy. Ban mọc nhiều đợt khác nhau trên một vùng da do đó kích cỡ và dạng ban khác nhau từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục cho đến nốt vảy tại một thời điểm. Khi nốt phỏng bị viêm nhiễm có thể gây biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm gan, hội chứng Reye. Biến chứng muộn gồm hội chứng Guillain- Barré, bệnh Zona với biến chứng rất đau.

14. Bệnh do phế cầu

Bệnh gây ra do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumonie (Pneumococcus), là một vi khuẩn Gram dương. S. pneumoniae là một phần bình thường của hệ sinh vật đường hô hấp trên nhưng giống với sinh vật tự nhiên, nó có thể gây bệnh trong điều kiện thích hợp, chẳng hạn như khi hệ miễn dịch của vật chủ bị suy giảm. S. pneumoniae là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi ở cộng đồng, viêm màng não ở trẻ em cũng như người già và nhiễm trùng huyết ở những người nhiễm HIV. S. pneumoniae lây truyền thông qua hắt hơi, ho và tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, sốt cao, đau ngực, khó thở, ho ra đờm. Ở trẻ em biểu hiện đầu tiên là sốt, nôn và co giật. Bệnh có thể có biến chứng: Viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm trùng, đặc biệt ở trẻ em và người già trên 65 tuổi.

15. Bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neisseria Meningitidis (Meningococcus) gây ra, trong đó vi khuẩn nhóm A, B, C gây ra 90% ca bệnh. Ở các nước châu Âu và châu Mỹ La tinh vi khuẩn nhóm B, C gây bệnh là chủ yếu, trong khi đó vi khuẩn nhóm A gây bệnh chủ yếu ở châu Phi và châu Á.Vi khuẩn này có sức đề kháng rất yếu, ở trong dịch não tủy vi khuẩn sống được vài giờ, bị diệt bởi 56 độ C trong 30 phút hoặc 60 độ C trong 10 phút, có thể sống lâu dài ở -20 độ C.

Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người bệnh sang người cảm nhiễm với:

  • Khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, táo bón và tăng kích thích da, cổ cứng, đau khớp/cơ, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê, co giật (ở trẻ em), liệt. Có trường hợp xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.
  • Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tủy cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết, viêm khớp, viêm màng trong tim, chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng, nhiễm khuẩn không có triệu chứng (người lành mang vi khuẩn).

Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng huyết, viêm mủ khớp, rối loạn thị giác, liệt nửa người, áp-xe não, tử vong. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 1000 - 1200 ca mắc viêm não mô cầu, kể cả được điều trị thì tỷ lệ tử vong cũng lên đến 15%.

16. Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Có 7 nhóm virus Rota A, B, C, D, E, F, G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ hay gặp ở trẻ lớn. Virus rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Virus có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Virus bị bất hoạt nhanh chóng bằng ethylendiamintetracetic acid (EDTA) ở nhiệt độ cao trên 45 độ C. Virus bị bất hoạt ở pH<3 hoặc pH>10, nhưng có sức đề kháng tốt với clo và ete.

Bệnh lây truyền qua đường phân miệng, ngoài ra có thể lây theo đường tiếp xúc. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với triệu chứng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy. Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh. Có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần kéo dài từ 3-9 ngày. Có thể có đau bụng, ho và chảy nước mũi. Một số trường hợp có biến chứng: Tiêu chảy nặng, mất nước nặng có thể sốc do giảm khối lượng tuần hoàn.

Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tiêm phòng vắc-xin để ngăn ngừa bệnh, bạn có thể đến các cơ sở tiêm chủng trên cả nước để đăng ký tiêm phòng dịch vụ hoặc theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan