Loại bỏ mụn cóc trên mặt: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tất cả các mụn cóc là do papillomavirus ở người (HPV) gây ra và sẽ lây lan qua tiếp xúc thông thường. Nhiều loại mụn cóc có thể được điều trị tại nhà, nhưng một số khác cần có sự can thiệp của bác sĩ, đặc biệt là mụn cóc trên mặt.

1. Các loại mụn cóc trên khuôn mặt

Mụn cóc là những u nhú nhỏ, cứng và thô khi chạm vào. Màu sắc của các loại mụn cóc có thể khác nhau, chẳng hạn như màu xám, nâu, đen hoặc hồng. Đa phần những nốt mụn cóc thường là lành tính, ít khi gây đau cũng như liên quan đến nguy cơ ung thư. Nếu da mặt có vết cắt rách do cạo râu, nứt nẻ hoặc vết loét do mụn sẽ dễ bị nhiễm virus HPV

Có hai loại mụn cóc ở mặt phổ biến là:

1.1. Mụn cóc phẳng

Mụn cóc phẳng thường xuất hiện thành nhiều chấm li ti trên trán và má. Những nốt mụn này có kích thước rất nhỏ, nhưng lại mọc thành từng cụm lớn. Mụn cóc phẳng thường nhẵn mịn hơn các loại mụn cóc khác và có nhiều màu khác nhau, từ màu da đến hồng hoặc nâu vàng. Loại mụn cóc này xuất hiện phổ biến ở trẻ em tuổi vị thành niên hơn so với người lớn.

1.2. Mụn cóc Filiform (dạng nhú)

Mụn cóc Filiform nhọn và nhô/ nhú cao ra khỏi da, trông rất khác với tất cả các loại mụn cóc còn lại. Chúng có thể cùng màu với da, hồng hoặc tối hơn vùng da xung quanh. Mụn cóc Filiform thường được tìm thấy xung quanh miệng, mũi hoặc mắt. Nếu chúng xuất hiện ở nếp nhăn mắt hoặc các nếp gấp khác trên da thì có thể gây ngứa và khó chịu. Không thể điều trị mụn cóc Filiform trên mặt tại nhà, bệnh nhân cần có sự can thiệp y tế từ bác sĩ chuyên khoa.

Mụn cóc HPV
Hình ảnh mụn cóc Filiform (dạng nhú)

2. Loại bỏ mụn cóc trên mặt

Đôi khi mụn cóc cũng sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng có thể mất đến 2 năm để chúng biến mất hoàn toàn. Mụn cóc ở trẻ em có xu hướng dễ giải quyết hơn so với mụn cóc ở người lớn.

Những trường hợp cần điều trị bao gồm:

  • Mụn cóc ở mặt xuất hiện nhiều;
  • Mụn cóc gây đau;
  • Mụn cóc ngày càng lan rộng.

2.1. Điều trị mụn cóc trên mặt tại nhà

Một vài biện pháp tự nhiên để loại bỏ mụn cóc bao gồm:

2.1.1 Chiết xuất tỏi

Tỏi chứa allium sativum - một hợp chất có đặc tính chống virus. Bạn có thể nghiền nát một tép tỏi tươi và đắp trực tiếp vào mụn cóc, sau đó dùng băng dán kín và lặp lại hàng ngày. Lưu ý: Tỏi cũng được biết là gây bỏng hóa học trên da. Do đó nếu bạn cảm thấy ngứa hoặc rát, hãy gỡ bỏ miếng tỏi và rửa sạch khu vực này.

2.1.2 Nước chanh

Nước chanh chứa axit citric có tác dụng giúp tiêu diệt virus. (Tuy nhiên không nên sử dụng nước chanh nguyên chất trên khuôn mặt). Thay vào đó hãy sử dụng hỗn hợp nước chanh pha loãng với nước có hiệu quả loại bỏ mụn cóc phẳng khi thoa hàng ngày trong khoảng 6 tuần.

Nước chanh
Nước chanh giúp tiêu diệt virus

2.1.3 Nước ép dứa

Mặc dù chưa có dữ liệu khoa học chứng minh, tuy nhiên phương thuốc này cũng có thể phát huy hiệu quả loại bỏ mụn cóc ở mặt cho một số người. Nước ép dứa có chứa các enzyme đốt cháy mụn cóc khi sử dụng hàng ngày trong vòng vài tuần. Bạn nên thử thấm nước ép dứa vào một miếng bông gòn và áp trực tiếp lên mụn cóc trước khi đi ngủ mỗi đêm, liên tục trong vài tuần đến khi nhận thấy kết quả.

Lưu ý khi điều trị mụn cóc tại nhà:

  • Không được tự chữa ở khu vực gần vùng mắt hoặc trong mũi;
  • Không sử dụng axit salicylic lên mặt hoặc cổ vì làn da ở đây rất nhạy cảm, có thể bị chất này đốt cháy;
  • Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước và hết sức thận trọng khi áp dụng bất kỳ biện pháp khắc phục tại nhà nào;
  • Nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc bị sưng tấy đỏ mụn cóc khi điều trị tại nhà, nên ngừng sử dụng và hỏi bác sĩ về một liệu trình điều trị thay thế khác.

2.2. Điều trị mụn cóc trên mặt tại bệnh viện

2.2.1 Cantharidin

Bác sĩ có thể sử dụng cantharidin hoặc hỗn hợp hóa chất này với các thành phần khác để thoa lên mụn cóc. Một vết phồng rộp do bỏng hóa chất sẽ xuất hiện tại vị trí của mụn cóc. Sau đó mụn cóc có thể được loại bỏ, nhưng sẽ gây đau và biện pháp này cũng không phù hợp với tất cả mọi người.

2.2.2 Liệu pháp áp lạnh

Bác sĩ sẽ tiêm hoặc bôi nitơ lỏng vào mụn cóc để đóng băng chúng thật sâu với nhiệt độ cực thấp. Một liệu trình điều trị có thể phải thực hiện nhiều lần trong suốt 2 - 3 tuần.

Áp lạnh nito lỏng
Áp lạnh mụn cóc

2.2.3 Phẫu thuật cắt bỏ

Kỹ thuật này thường được chỉ định để loại bỏ mụn cóc filiform (dạng nhú). Bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ để cạo hoặc cắt bỏ mụn cóc. Một số trường hợp đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp điều trị khác nhau.

2.2.4 Đốt điện và nạo

Biện pháp này là kết hợp giữa đốt cháy mụn cóc bằng điện và nạo thủ công. Hai kỹ thuật này có thể được tiến hành cùng nhau và được xem như là một phương pháp điều trị duy nhất.

3. Ngăn ngừa mụn cóc trên mặt

Để ngăn ngừa lây lan virus HPV và mụn cóc ở mặt, bạn nên ghi nhớ những lời khuyên cơ bản sau đây:

  • Giữ bàn tay sạch sẽ và không chạm vào mặt để ngăn chặn virus HPV lây lan;
  • Không chạm vào mụn cóc của người khác, nếu lỡ chạm vào thì cần rửa tay sạch sau đó;
  • Không sử dụng đồ trang điểm hay thuốc nhỏ mắt của người khác;
  • Nếu da mặt có vết cắt rách do cạo râu, nứt nẻ, vết loét do mụn hay kích ứng da, nên dùng băng dán che phủ vết thương hở lại để bảo vệ;
  • Điều trị mụn cóc ngay khi phát hiện để ngăn ngừa lây lan;
  • Nhờ bác sĩ tư vấn về việc tiêm phòng vắc-xin HPV để giúp ngăn ngừa mụn cóc và hạn chế nguy cơ mắc một số loại ung thư khác cũng do virus này gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

73.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan