Dịch bệnh Rubella vì sao hay tái đi tái lại?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Dịch bệnh Rubella rải rác quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa đông xuân. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi khi chưa tiêm phòng hoặc ở những người chưa mắc bệnh nên dịch nên thường xuyên tái đi tái lại.

1. Dịch bệnh Rubella vì sao hay tái đi tái lại?

Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức, là bệnh nhiễm siêu vi và dễ lây cho người khác. Rubella do virus cùng tên có chứa ARN, thuộc họ Togavirus gây ra. Ổ chứa của virus trong tự nhiên là con người. Mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi để cho virus phát triển và bùng phát thành dịch bệnh Rubella. Bất kỳ ai cũng có thể bị Rubella nhưng mối đe dọa nguy hiểm nhất là đối với phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu.

Nguyên nhân lây truyền dịch bệnh Rubella là do các giọt nước bọt có trong không khí khi người mang bệnh hắt hơi hoặc ho. Người bị nhiễm virus có khả năng lây truyền cao nhất trong thời kỳ phát ban. Tuy nhiên virus Rubella có thể lây truyền trước và sau phát ban 7 ngày.

Dịch bệnh Rubella hay tái đi tái lại do bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi ở những người chưa tiêm vắc-xin phòng Rubella hoặc chưa mắc Rubella lần nào. Bên cạnh đó, dịch bệnh Rubella xảy ra rải rác quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa đông xuân. Những nơi tập trung đông người như trường học, công ty, nhà máy, công xưởng... là môi trường dễ bùng phát bệnh.

2. Triệu chứng khi mắc bệnh Rubella

Sốt cao nhiệt kế
Sốt là triệu chứng thường gặp của bệnh Rubella

Sau khi virus gây bệnh Rubella xâm nhập, người bệnh hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng tiếp theo có thể xuất hiện bao gồm:

  • Sốt: Sốt nhẹ 38,5 độ C. Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1-4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm.
  • Nổi hạch: Hạch nổi tại vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ vào hạch hơi đau. Hạch sẽ nổi trước khi người bệnh bị phát ban và tồn tại vài ngày cho đến khi hết ban.
  • Phát ban: Ban sẽ mọc ở trên đầu, mặt, sau đó lan khắp toàn thân, thứ tự ban mọc không tuần tự như sởi. Ban có hình tròn hoặc bầu dục, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Sau 2-3 ngày nổi, ban sẽ bay hết.
  • Đau khớp hoặc đau khắp mình mẩy, hay gặp ở phụ nữ. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.

3. Biến chứng của bệnh Rubella

Một số biến chứng có thể gặp sau khi bị bệnh Rubella gồm:

  • Phụ nữ bị bệnh Rubella dễ gặp biến chứng viêm khớp ở đầu gối, cổ tay, ngón tay trong khoảng 1 tháng.
  • Biến chứng nguy hiểm của bệnh Rubella có thể gặp đó là viêm tai giữa, viêm não.
  • Đối với phụ nữ mang thai, bệnh Rubella đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở 3 tháng đầu của thai kỳ vì có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi như: sinh non, sảy thai, thai lưu. Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh, viêm phổi, viêm màng não, dị tật đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu, chậm phát triển, dị tật bẩm sinh... Đặc biệt, trẻ có thể tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.

4. Phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Rubella

vắc-xin sởi - quai bị - rubella
Tiêm vắc-xin Rubella giúp phòng cả 3 bệnh rubella, sởi và quai bị

Rubella hiện chưa có thuốc điều trị. Việc điều trị bao gồm giữ gìn vệ sinh, dùng thuốc sát khuẩn nhẹ ở mắt, mũi họng và răng miệng cho người bệnh, nhất là trong thời kỳ có viêm long. Trường hợp bị bội nhiễm thì phải dùng kháng sinh thích hợp.

Các phương pháp chủ yếu phòng tránh lây nhiễm khi có dịch bệnh Rubella bao gồm:

  • Tiêm vắc xin Rubella, có thể tiêm loại kết hợp phòng cả 3 bệnh Rubella, sởi và quai bị. Vắc xin này được dử dụng cho trẻ em trên 12 tháng tuổi và người lớn.
  • Phụ nữ dự định mang thai nên đi tiêm phòng bệnh Rubella nói riêng và các bệnh khác nói chung.
  • Phụ nữ có thai chưa có miễn dịch nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh và nên tiêm vắc xin sau sinh để có miễn dịch cho lần mang thai sau.
  • Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: Vệ sinh nơi ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; mặc đủ ấm, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng; cách ly và thực hiện các biện pháp phòng lây lan vì bệnh truyền nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan