Các loại vắc-xin cúm khác nhau

Bệnh cúm mùa không còn là một cái tên xa lạ đối với nhiều người. Bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Hiện nay có rất nhiều loại vắc-xin ngừa cúm khác nhau, mỗi loại vắc-xin đều có những đặc tính riêng biệt. Vậy bệnh cúm có những loại vắc-xin nào?

1. Bệnh cúm mùa là gì?

Bệnh cúm mùa là một căn bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều loại virus cúm khác nhau gây ra. Những loại virus cúm hiện nay thường sinh sôi và phát triển rất nhanh chóng, nó có khả năng gây lây nhiễm bệnh từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, sổ mũi, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy, ho và đau họng.

Những người khỏe mạnh khi bị nhiễm bệnh cúm mùa có thể hồi phục lại nhanh chóng trong vòng một tuần. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ bị nhạy cảm với căn bệnh này, chẳng hạn như những người mắc bệnh tim phổi mãn tính, bệnh thận, thiếu máu hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch thường có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn tới tử vong.

cac-loai-vac-xin-cum-khac-nhau-1
Bệnh cúm mùa

2. Tầm quan trọng của vắc-xin cúm

Mỗi mùa cúm đều xuất hiện các loại virus cúm khác nhau, do đó hàng năm, số ca nhập viện và bị tử vong do cúm lên đến hàng trăm hàng ngàn người. Chính vì vậy, tiêm vắc-xin cúm hàng năm là giải pháp tốt để bảo vệ mọi người khỏi căn bệnh này.

Việc tiêm vắc-xin cúm là cần thiết vào mỗi mùa. Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, vắc-xin cúm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:

  • Bảo vệ hệ miễn dịch của mỗi người
  • Giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh cúm mùa và lây nhiễm cúm sang cho người khác
  • Giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do cúm vào mỗi năm, nhất là đối với trẻ em.

Ngoài ra, các loại virus cúm thường biến đổi liên tục vào mỗi năm, vì vậy các loại vắc-xin cũng được cập nhật từ mùa này sang mùa khác để mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu cho mọi người vào thời điểm giao mùa, dễ bị nhiễm bệnh.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC khuyến nghị rằng nên tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên với bất kỳ loại vắc-xin cúm nào đã được cấp phép phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ.

3. Những đối tượng được chỉ định tiêm vắc-xin cúm

Dưới đây là những đối tượng được các chuyên gia y tế khuyến cáo tiêm ngừa vắc-xin cúm, bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên
  • Người cao tuổi trên 50 tuổi
  • Người bị mắc các căn bệnh tim phổi mãn tính hoặc hen suyễn
  • Người bị tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính
  • Người bị nhiễm HIV
  • Người được ghép tạng
  • Người sống trong viện dưỡng lão
  • Trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi đã dùng aspirin lâu ngày
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Các đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus cúm như người sống chung với người mắc bệnh hoặc các nhân viên y tế.

4. Những đối tượng không nên tiêm vắc-xin cúm

Những đối tượng sau đây không nên tiêm ngừa vắc-xin cúm, bao gồm:

  • Người có tiền sử bị phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin cúm lần trước đó
  • Người có tiền sử mắc hội chứng Guillain-Barre trong khoảng sáu tuần sau khi được chủng ngừa với vắc-xin cúm
  • Người bị dị ứng với các thành phần có trong vắc-xin.

5. Các loại vắc-xin cúm

Có nhiều loại vắc-xin ngừa cúm khác nhau, bao gồm:

Vắc-xin cúm (tiêm bắp): loại vắc-xin này thường được chỉ định cho trẻ em trên 6 tháng tuổi và nó là loại vắc-xin bất hoạt. Vắc-xin cúm dạng tiêm bắp được tạo ra thông qua việc sử dụng một loại virus không còn khả năng gây bệnh, khi được tiêm vào cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể chống lại virus cúm này.

cac-loai-vac-xin-cum-khac-nhau-2
Vắc-xin cúm (tiêm bắp)

  • Vắc-xin cúm (tiêm trong da): loại vắc-xin này thường được chỉ định cho những người ở độ tuổi từ 18-64. Mũi tiêm dành cho vắc-xin cúm tiêm trong da đều rất nhỏ, nhỏ hơn 90% so với loại kim tiêm được dùng để tiêm phòng cúm thông thường. Ngoài ra, loại vắc-xin này cũng yêu cầu kháng nguyên ít hơn 40% so với các vắc-xin phòng cúm khác. Điều này rất hữu ích vì cùng một lượng kháng nguyên có sẵn có thể được sử dụng để tạo ra nhiều liều vắc-xin hơn. Các chuyên gia y tế cũng đã công nhận về tính an toàn của loại vắc-xin này. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng nặng, tốt bạn nên đến bệnh viện uy tín có khả năng điều trị được các phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi chủng ngừa.
  • Vắc-xin cúm liều cao Fluzone: là vắc-xin cúm bất hoạt ba thành phần (hóa trị ba). Fluzone liều cao được cấp phép dành riêng cho những người từ 65 tuổi trở lên. Liều kháng nguyên có trong loại vắc-xin này thường cao hơn các vắc-xin cúm bất hoạt liều tiêu chuẩn, nhằm cung cấp phản ứng miễn dịch tốt hơn cho những người cao tuổi, từ đó bảo vệ cơ thể chống lại bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, Fluzone liều cao không được khuyến cáo cho những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.
  • Vắc-xin cúm Fluad: là vắc-xin cúm bất hoạt ba thành phần (ba hóa trị) tiêu chuẩn. Fluad được sản xuất dành riêng cho những người từ 65 tuổi trở lên. Nó được sản xuất bằng quy trình dựa trên trứng (giống như hầu hết các loại vắc-xin cúm khác) và được bào chế với công thức bổ trợ MF59. Chất phụ gia này có thành phấn nhũ tương dầu trong nước của dầu squalane (một chất tự nhiên được tìm thấy ở người, động vật và thực vật, được tinh chế cao cho quá trình sản xuất vắc-xin). Chất bổ trợ này được thêm vào vắc-xin giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn đối với vắc-xin. Tuy nhiên sau khi tiêm vắc-xin cúm Fluad, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ từ mức độ nhẹ cho đến trung bình như đau, đỏ tại chỗ tiêm, đau đầu, đau cơ và khó chịu.
  • Vắc-xin cúm dựa trên tế bào: Loại vắc-xin này có thể sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên.
  • Vắc-xin cúm tái tổ hợp: được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp. Phương pháp này không sử dụng virus cúm và trứng gà trong quá trình sản xuất. Hiện tại, vắc-xin cúm tái tổ hợp và vắc-xin cúm dựa trên nuôi cấy tế bào là những loại vắc-xin cúm không có trứng duy nhất được phép sử dụng tại Hoa Kỳ. Trong các nghiên cứu lâm sàng cho biết, độ an toàn của vắc-xin cúm tái tổ hợp tương đương với vắc-xin cúm tiêm khác.
  • Vắc-xin cúm dạng xịt mũi: đây là loại vắc-xin sống giảm động lực (LAIV). Không như những loại vắc-xin cúm thông thường khác, nó được tạo ra từ loại virus cúm sống đã bị làm cho suy yếu. Tất cả các loại vắc-xin cúm dạng xịt mũi cho mùa 2019-2020 sẽ chứa bốn loại virus cúm, gồm: virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2) và hai loại virus cúm B. Vắc-xin dạng xịt mũi thường được sử dụng cho những người không mang thai và ở trong độ tuổi từ 2-49. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây không nên sử dụng loại vắc-xin này, bao gồm:

Trẻ em dưới 2 tuổi

Người lớn từ 50 tuổi trở lên

Phụ nữ mang thai

Những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin

Trẻ em từ 2 tuổi đến 17 tuổi đang dùng thuốc chứa aspirin hoặc salicylate.

Những người có hệ miễn dịch yếu (ức chế miễn dịch)

Người mắc các căn bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, tim hoặc phổi

Trẻ em từ 2 tuổi đến 4 tuổi bị hen suyễn hoặc có tiền sử thở khò khè trong 12 tháng qua.

Những người đã dùng thuốc chống virus cúm trong vòng 48 giờ trước

Người thường xuyên tiếp xúc với người có hệ miễn dịch bị suy yếu trầm trọng

6. Các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin cúm

Các loại vắc-xin cúm sau khi tiêm có thể gây ra một số tác dụng phụ từ mức độ nhẹ cho tới trung bình. Tuy nhiên nguy cơ gây hại và tử vong sau khi tiêm là rất hiếm. Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng vắc-xin cúm:

  • Đau cơ, nhức mỏi toàn thân
  • Sốt nhẹ
  • Viêm họng hoặc chảy nước mũi (đối với dạng xịt)
  • Các phản ứng dị ứng như: nổi mề đay, khó thở, thay đổi hành vi, chóng mặt, tim đập loạn nhịp, giọng khàn, da tái nhợt, cơ thể yếu ớt

Khi cơ thể xảy ra bất kỳ phản ứng dị ứng nào như đã liệt kê ở trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo bài viết: cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan