Cần làm xét nghiệm gì trong quá trình chuẩn bị tiền mê bệnh nhân u trung thất đã hóa trị -xạ trị?

Hỏi

Chào bác sĩ. Em muốn đặt câu hỏi liên quan đến phẫu thuật trung thất: Bệnh nhân bị u trung thất đã hóa trị -xạ trị, ngoài cận lâm sàng để chẩn đoán, cần làm xét nghiệm gì trong quá trình chuẩn bị tiền mê bệnh nhân u trung thất đã hóa trị -xạ trị? Em cảm ơn bác sĩ.

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn, xin được giải đáp câu hỏi của bạn như sau:

  1. Đánh giá bệnh nhân trước phẫu thuật

1.1. Bệnh nhân phẫu thuật trung thất phải được đánh giá trước mổ như các phẫu thuật khác

  • Tất cả các bệnh nhân phẫu thuật trung thất theo chương trình (mổ phiên) nên được kiểm tra một cách cẩn thận tình trạng viêm phế quản hoặc viêm phổi và được điều trị thích hợp trước khi phẫu thuật.
  • Những bệnh nhân bị hẹp khí quản chú ý tiền sử có dấu hiệu hoặc triệu chứng khó thở liên quan tư thế, nhuyễn khí quản, và chứng có xác định thiếu oxy. Khai thác bệnh sử có thể xác định được vị trí tổn thương.

1.2. Xét nghiệm khí máu (KM)

Xét nghiệm khí máu có giá trị trong việc xác định mức độ nặng của bệnh phổi, trung thất nhưng không phải là thường quy.

1.3. Đo chức năng hô hấp

Đo chức năng hô hấp có ý nghĩa tiên lượng các nguy cơ của phẫu thuật trung thất. Đo chức năng phổi khi gắng sức (tiêu thụ oxy tối đa) và thể tích thở gắng sức trong 1 giây đã được sử dụng để phân tầng nguy cơ khi cắt bỏ phổi. Trong trường hợp đặc biệt đo chức năng phổi bằng cắt lớp hạt nhân phóng xạ và đo tỉ lệ thông khí / tưới máu (VA · / QA ·) xác định chức năng từng phổi và từng vùng phổi riêng biệt.

1.4. Đánh giá chức năng tim mạch

Đánh giá chức năng tim mạch kỹ lưỡng khi nghi ngờ bị ảnh hưởng bởi bệnh trung thất. Siêu âm tim có thể ước tính áp lực động mạch phổi và chức năng thất phải.

1.5. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như là chụp X Quang lồng ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ rất hữu ích để xác định lệch khí quản, vị trí của thâm nhiễm phổi, tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi, và cấu trúc xung quanh tổn thương.

1.6. Nội soi khí phế quản

Là phương pháp rất tốt phối hợp điều trị và chẩn đoán nhất là các trường hợp có các khối u chèn ép hay xâm lấn vào đường khí phế quản. Một số trường hợp tổn thương phổi do bít tắc đôi khi chỉ cần nội soi hút rửa không cần phẫu thuật. Có thể kết hợp nội soi sinh thiết kết hợp.

Trước phẫu thuật trên phổi cần thời gian chuẩn bị cho hệ thống hô hấp trước mổ gồm các biện pháp sau:

  • Dừng hút thuốc càng lâu càng tốt (ít nhất 1-2 tuần), tránh hít các chất ô nhiễm. Các bệnh nhân hút thuốc có nguy cơ cao bị các bệnh lý phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tâm phế mãn, thường có ngộ độc khí oxit cacbon và nicotin. Do nồng độ carboxyhemoglobin tăng và khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu giảm nên dễ gây thiếu oxy tổ chức trong gây mê và phẫu thuật. Thuốc lá còn làm tăng nguy cơ tăng tiết phế quản, tăng co thắt phế quản và tăng khả năng tắc nghẽn động tĩnh mạch sau mổ. Bỏ thuốc lá từ 4 - 6 tuần sẽ làm giảm đáng kể các biến chứng suy hô hấp sau mổ, bình thường hoá khả năng miễn dịch và chuyển hoá.
  • Điều trị các viêm nhiễm đường hô hấp trước mổ, chống bội nhiễm đường hô hấp bằng kháng sinh, có thể kết hợp Corticoid, thuốc kích thích Beta trong vài ngày để làm giãn đường hô hấp.
  • Giãn đường thở: Thuốc kích thích thụ cảm thể β2, Ipratropium bromid, Corticoid dạng xịt, Cromolyn sodium
  • Giảm xuất tiết, tăng bài tiết: Làm ẩm đường thở, truyền đủ dịch, thuốc làm loãng đờm và long đờm.
  • Lý liệu pháp hàng ngày, cho bệnh nhân tập thở và ho khạc một cách hiệu quả, dẫn lưu tư thế, vỗ rung.

Bạn có thể đến các cơ sở Y tế hoặc bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được bác sĩ chuyên môn kiểm tra sức khỏe và tư vấn chi tiết. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần làm xét nghiệm gì trong quá trình chuẩn bị tiền mê bệnh nhân u trung thất đã hóa trị -xạ trị đến Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Bác sĩ gây mê - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

140 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: