Công dụng thuốc Larotrectinib

Larotrectinib là loại thuốc được sử dụng trong điều trị khối u sinh ra do đột biến gen NTRK. Để đạt được kết quả điều trị tốt, người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Larotrectinib công dụng là gì?

Larotrectinib được biết đến như một chất ức chế kinase. Kinase chính là một loại enzyme giúp thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Có nhiều loại kinase trong cơ thể để kiểm soát các giai đoạn phát triển khác nhau của tế bào. Bằng cách ngăn chặn một loại enzyme cụ thể hoạt động, thuốc Larotrectinib công dụng như một chất làm chậm sự lại sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể.

Larotrectinib chỉ có tác dụng ở các khối u có một số gen kinase thụ thể thần kinh NTRK (Neurotropin tropomyosin receptor kinase). Vì vậy, bác sĩ sẽ phải xác định sự có mặt của đột biến gen này trước khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc Larotrectinib.

2. Sử dụng thuốc Larotrectinib đúng cách

Larotrectinib được dùng bằng đường uống, dưới dạng viên nang hoặc dung dịch lỏng với liều 2 lần mỗi ngày. Có thể uống Larotrectinib cùng hoặc không với thức ăn. Nếu như người bệnh bỏ quên một liều, không được uống một liều khác trong vòng 6 giờ kể từ liều tiếp theo của bạn. Trong trường hợp bạn bị nôn ngay sau khi uống Larotrectinib, hãy dùng liều tiếp theo vào thời gian đã chỉ định.

Bác sĩ cũng có thể điều chỉnh liều lượng thuốc trong quá trình điều trị. Nó sẽ phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của cơ thể cũng như sự hiệu quả mà Larotrectinib đem lại.

3. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Larotrectinib

Một số tác dụng phụ phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình điều trị bằng thuốc Larotrectinib đó là:

  • Gây độc tính thần kinh (Độc tính trên não)

Thuốc Larotrectinib có thể gây nên tình trạng mê sảng, chóng mặt, khó nói, choáng váng khi đi bộ, thay đổi trí nhớ và run. Vì thế, người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong khi đang sử dụng Larotrectinib.

  • Gây nhiễm độc cho gan

Larotrectinib có thể gây hại cho gan, các bác sĩ có thể theo dõi bằng cách xét nghiệm chức năng gan định kỳ. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị biết nếu bạn thấy nước tiểu có màu sẫm, vàng da và mắt hoặc đau ở bụng, vì đây có thể là dấu hiệu của ngộ độc gan.

  • Gây thiếu máu

Các tế bào hồng cầu có chức năng mang oxy đến các mô trong cơ thể. Khi số lượng hồng cầu giảm xuống mức thấp, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Nếu như người bệnh có các dấu hiệu như khó thở hay đau tức ngực thì cần phải báo ngay cho bác sĩ. Trong trường hợp, số lượng hồng cầu quá thấp, người bệnh có thể được thực hiện truyền máu.

  • Mệt mỏi

Đây là tình trạng rất phổ biến trong quá trình điều trị bằng thuốc Larotrectinib. Bệnh nhân sẽ có cảm giác kiệt sức và thường không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Hãy tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, rèn luyện thói quen đi bộ và chế độ sinh hoạt khoa học để giảm thiểu tình trạng này.

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc đi kèm nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thay đổi chế độ ăn uống hợp lý hơn. Tránh những thứ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, chẳng hạn như các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và gia vị hoặc có tính axit (như chanh, cà chua hay cam).

  • Bị táo bón

Đây là một tác dụng phụ có thể gặp trong khi điều trị bằng thuốc Larotrectinib. Người bệnh có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa tình trạng táo bón bằng cách ăn các loại rau củ quả có chứa nhiều chất xơ. Nên uống 8-10 cốc nước mỗi ngày. Sử dụng thuốc làm mềm phân 1-2 lần mỗi ngày có thể ngăn ngừa táo bón. Nếu như không đi tiêu trong 2-3 ngày, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.

  • Giảm số lượng tế bào bạch cầu gây nhiễm trùng

Trong thời gian dùng thuốc Larotrectinib số lượng tế bào bạch cầu của người sử dụng có thể giảm xuống, khiến cơ thể có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Vậy nên, hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu như bị sốt (nhiệt độ trên 38 ° C), đau rát họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, thấy nóng rát khi đi tiểu hoặc đau không thuyên giảm.

  • Tiêu chảy

Trong trường hợp người bệnh bị tiêu chảy do sử dụng thuốc Larotrectinib, bác sĩ có thể kê thêm loại thuốc chữa tiêu chảy. Người bệnh cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, trái cây, rau xanh, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc. Thay vào đó hãy thử ăn các loại thức ăn có chứa ít chất xơ hơn như nước ép hoa quả, trái cây đóng hộp, khoai tây, ...

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc larotrectinib

Khi sử dụng thuốc Larotrectinib, nồng độ trong máu của cơ thể có thể bị ảnh hưởng nếu kết hợp với một số loại thực phẩm và thuốc. Vì vậy cần tránh hấp thu bưởi, nước ép bưởi, thuốc Verapamil, nhóm thuốc Ketoconazole, Rifampin, Phenytoin và Stmodafanil khi sử dụng Larotrectinib. Hãy cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng trước khi bắt đầu điều trị bằng Larotrectinib.

Việc cho thai nhi tiếp xúc với Larotrectinib có thể gây nên dị tật bẩm sinh, vì vậy không nên mang thai hoặc làm cha khi đang sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để xem người bệnh có mang thai trước khi bắt đầu điều trị bằng Larotrectinib hay không. Có kế hoạch sinh đẻ phù hợp và hiệu quả là rất cần thiết trong quá trình điều trị và ít nhất 1 tuần sau khi kết thúc điều trị bằng Larotrectinib. Người bệnh cũng không nên cho con bú trong khi dùng thuốc này và 1 tuần sau liều cuối cùng của thuốc.

Thuốc Larotrectinib chính là loại thuốc được sử dụng để ngăn chặn các tế bào đột biến gen NTRK gây nên bệnh ung thư. Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng và tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

190 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan