Kiểm soát đau trong điều trị ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quốc Tuấn - Bác Sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Quốc Tuấn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - hồi sức.

Ung thư là một bệnh lý ác tính nguy hiểm và có thể gây ra những cơn đau trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại cho phép kiểm soát gần như hoàn toàn các cơn đau, đồng thời hạn chế các tác dụng phụ trong quá trình chăm sóc và điều trị ung thư.

1. Nguyên nhân dẫn đến cơn đau trong điều trị ung thư

Các cơn đau liên quan đến bệnh ung thư bao gồm nhiều dạng khác nhau. Một số nguyên nhân dẫn đến các cơn đau như:

  • Do chính khối u gây ra
  • Khối u di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể
  • Khối u phát triển về kích cỡ và chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống
  • Do các thủ thuật xét nghiệm có xâm lấn như chọc dò tủy sống (spinal tap), sinh thiết, chọc hút/sinh thiết tủy (bone marrow aspiration/ biopsy)
  • Đau do hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật gây nên

Có những cơn đau sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ gặp phải những cơn đau với cường độ cao một cách đột ngột. Hiện tượng đó được gọi là cơn đau bộc phát (breakthrough pain). Thông thường, cơn đau bộc phát thường xảy ra giữa 2 liều điều trị giảm đau.

Bà bầu đau đầu
Có những cơn đau sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ gặp phải những cơn đau với cường độ cao một cách đột ngột

2. Tầm quan trọng của việc kiểm soát đau trong điều trị ung thư

Bất kỳ dạng cơn đau nào mà người bệnh gặp phải cũng cần được trao đổi ngay với đội ngũ y bác sĩ. Nhiều người bỏ qua việc này vì cho rằng các cơn đau là dấu hiệu bệnh ung thư đang xấu đi hoặc họ đơn giản nghĩ rằng các cơn đau xuất hiện là điều hiển nhiên đối với bệnh ung thư.

Tuy nhiên, ngày nay y học hiện đại đang ngày càng phát triển cho phép bệnh nhân ung thư được sống với ít cảm giác đau đớn nhất có thể. Việc chỉ ra và kiểm soát đau trong điều trị ung thư không chỉ giúp người bệnh có cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn mà còn hạn chế được tình trạng các cơn đau nặng hơn và có thể gây biến chứng phức tạp.

Xác định được nguyên nhân của những cơn đau và tìm ra được giải pháp phù hợp là cách giúp cải thiện đời sống tâm – sinh lý của bệnh nhân ung thư. Từ đó, giúp họ có được khoảng thời gian ý nghĩa bên người thân và bạn bè.

3. Các phương thức kiểm soát đau trong điều trị ung thư

Thuốc hướng thần
Sử dụng thuốc là một trong số những phương thức kiểm soát đau trong điều trị ung thư

Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương pháp kiểm soát đau phù hợp. Hiện nay tại nhiều bệnh viện có các chuyên gia về chăm sóc giảm nhẹ và giảm đau. Đội ngũ chuyên gia sẽ tập trung và việc phục hồi các tổn thương tâm lý và thể chất do quá trình điều trị ung thư gây ra. Đặc biệt là những bệnh nhân đang phải trải qua các cơn đau khó kiểm soát thì rất cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia.

Bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp khác nhau để kiểm soát đau trong điều trị ung thư như:

  • Điều trị từ nguyên nhân gây đau: ví dụ như nguyên nhân dẫn đến cơn đau là do khối u chèn ép vào các dây thần kinh thì có thể giảm hoặc chấm dứt cơn đau bằng cách phẫu thuật cắt bỏ hoặc làm nhỏ kích cỡ bằng việc hóa trị hay xạ trị.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc giảm đau để cơ thể thay đổi cảm nhận về cơn đau, từ đó người bệnh sẽ cảm thấy đỡ đau và dễ chịu hơn.
  • Thực hiện các thủ thuật can thiệp quá trình truyền tín hiệu đau đến não bộ: Trong trường hợp sử dụng các loại thuốc giảm đau không được hiệu quả, người bệnh có thể cần đến các liệu pháp giảm đau đặc biệt như tiêm thuốc vào dây thần kinh, tủy sống hay các mô xung quanh dây thần kinh. Việc này nhằm cản trở quá trình truyền tín hiệu đau đến não bộ.

4. Một số loại thuốc kiểm soát đau trong điều trị ung thư

Tùy vào tình trạng cụ thể mà bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc tiêm dưới da.

  • Thuốc giảm đau không thuộc nhóm Opioids như thuốc kháng viêm NSAIDs hay Acetaminophen (Tylenol), loại này thường được chỉ định cho các bệnh nhân bị đau nhẹ nhưng cũng có thể kết hợp với các loại thuốc giảm đau khác nếu cơn đau diễn biến nặng hơn.
  • Thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioids (còn được gọi là thuốc phiện dùng trong y tế) như: Hydrocodone, Hydromorphone, Morphine, Methadone, Oxycodone, Oxymorphone, Fentanyl,... Có thể dùng kết hợp với các loại thuốc giảm đau không thuộc nhóm Opioids kể trên.
  • Thuốc dùng cho trường hợp đau dây thần kinh như thuốc ngừa động kinh (Gabapentin, Pregabalin) hay thuốc chống trầm cảm (Duloxetine).

5. Một số điều cần lưu ý

Thuốc
Việc sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện là điều hoàn toàn có thể xảy ra

Việc sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi thuốc giảm đau được sử dụng ở liều lượng phù hợp sẽ không gây nghiện. Các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ càng dựa trên tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê thuốc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc giảm đau có thể có một số tác dụng phụ như mất ngủ, buồn nôn, ảo giác hay nhầm lẫn. Cần thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn nào trong quá trình kiểm soát cơn đau.

Bên cạnh những phương pháp kiểm soát đau trong điều trị ung thư kể trên cũng có các phương pháp khác như vật lý trị liệu hay liệu pháp bổ sung. Để có thể kiểm soát được cơn đau một cách hiệu quả nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

197 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan