Ai nên tầm soát ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng là ung thư tiêu hóa thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 16.426 trường hợp mới mắc ung thư đại trực tràng và 8.524 trường hợp tử vong vì bệnh lý này. Tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu lên đến 90%. Việc tầm soát ung thư đại tràng giúp phát hiện sớm bệnh lý này và điều trị hiệu quả, tăng tỷ lệ bệnh nhân lành bệnh.

1. Vì sao cần sàng lọc ung thư đại tràng?

Tầm soát ung thư đại tràng là công cụ quan trọng để tìm kiếm và phát hiện sớm ung thư hoặc những tổn thương tiền ung thư ở những người không biểu hiện các triệu chứng của bệnh. Sàng lọc ung thư đại tràng cho phép phát hiện các tổn thương tiền ung thư, tổn thương ung thư kích thước nhỏ, chưa di căn. Tầm soát ung thư đại tràng được tiến hành ở các đối tượng nguy cơ nhằm các mục đích:

  • Phát hiện tổn thương ung thư đại tràng giai đoạn sớm, giúp tăng khả năng chữa khỏi bệnh, giảm chi phí điều trị, từ đó giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư đại tràng.
  • Phát hiện các tổn thương tiền ung thư như polyp đại trực tràng và có biện pháp điều trị các tổn thương này trước khi chúng trở thành ác tính.

2. Đối tượng nên tầm soát ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng liên quan với một số yếu tố nguy cơ. Dựa trên các yếu tố này, người ta chia làm hai nhóm đối tượng cần được tầm soát ung thư đại tràng:

2.1. Nhóm nguy cơ cao ung thư đại tràng

Những người có một trong các yếu tố sau thuộc nhóm nguy cơ cao ung thư đại tràng:

  • Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng hay polyp đại tràng.
  • Người từng mắc ung thư đại tràng hay polyp đại tràng.
  • Người từng mắc bệnh Crohn.
  • Người có tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền liên quan ung thư đại tràng như hội chứng polyp tuyến di truyền, hội chứng Lynch,...
  • Người có tiền sử xạ trị vùng bụng hay vùng chậu do ung thư trước đây.­­

Các đối tượng này cần được tầm soát trước 45 tuổi với những phương tiện nhạy và hiệu quả cao hơn, đồng thời thời gian tầm soát ung thư đại tràng cũng thường xuyên hơn.

2.2. Nhóm nguy cơ trung bình ung thư đại tràng

Những người không có các yếu tố nguy cơ cao kể trên thuộc nhóm đối tượng nguy cơ trung bình ung thư đại tràng. Các đối tượng này nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng từ 45 tuổi.

Những người có sức khỏe tốt và tuổi thọ mong đợi trên 10 năm thì nên tiếp tục tầm soát ung thư đại tràng cho đến 75 tuổi. Những người trong độ tuổi từ 76 đến 85 thì quyết định tầm soát tiếp phụ thuộc vào nguyện vọng của bản thân người đó, thể trạng chung cũng như kết quả của các lần sàng lọc trước đó. Những người từ 85 tuổi trở lên nên dừng lại việc tầm soát ung thư đại tràng.

3. Các xét nghiệm ung thư đại tràng dùng để tầm soát bệnh

Có nhiều xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng. Mỗi phương pháp có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việc lựa chọn xét nghiệm tùy thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.

3.1. Nội soi toàn bộ đại tràng

Nội soi đại tràng cho phép khảo sát toàn bộ niêm mạc đại tràng. Chỉ định này được thực hiện định kỳ 10 năm một lần đối với các đối tượng cần tầm soát bệnh.

Ưu điểm của tầm soát bằng nội soi đại tràng là có thể quan sát trực tiếp toàn bộ đại tràng, phát hiện sớm các bất thường ở niêm mạc đại tràng như viêm, loét, polyp, khối u,... Nội soi đại tràng cũng cho phép cắt bỏ polyp hay sinh thiết các tổn thương đại tràng nghi ngờ.

Tuy nhiên, nội soi toàn bộ đại tràng hạn chế ở việc có thể bỏ sót những polyp kích thước nhỏ. Khâu chuẩn bị trước nội soi cũng cần phải súc rửa, làm sạch ruột. Những người được nội soi đại tràng nếu có gây mê thì sẽ tốn nhiều thời gian hơn do cần được nghỉ ngơi sau nội soi. Bên cạnh đó, mặc dù nguy cơ rất thấp nhưng cũng có những trường hợp chảy máu đại tràng, thủng ruột hoặc nhiễm trùng sau nội soi đại tràng.

3.2. Nội soi đại tràng sigma

Nội soi đại tràng sigma được chỉ định thực hiện định kỳ 5 năm / lần trên một số đối tượng nguy cơ, đây không phải là xét nghiệm sàng lọc rộng rãi. Nội soi đại tràng sigma có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, không phải chuẩn bị trước nội soi. Nhược điểm của phương pháp này là không khảo sát được toàn bộ đại tràng; ngoài ra, cũng như nội soi toàn bộ đại tràng, nội soi đại tràng sigma cũng có nguy cơ chảy máu, thủng ruột hay có thể bỏ sót các polyp nhỏ.

3.3. Xét nghiệm máu ẩn trong phân

Ung thư đại tràng giai đoạn sớm thường giải phóng ra phân một lượng máu nhỏ và DNA bất thường. Xét nghiệm máu ẩn trong phân nên được thực hiện hàng năm ở một số đối tượng nguy cơ để tầm soát ung thư đại tràng

Xét nghiệm máu ẩn trong phân là một xét nghiệm rẻ, đơn giản, không xâm nhập nên không gây tổn thương lên đại tràng. Tuy vậy, xét nghiệm này vẫn bộc lộ những hạn chế như có thể bỏ sót các tổn thương ung thư hay tiền ung thư như polyp. Xét nghiệm máu ẩn trong phân có thể cho ra kết quả dương tính giả, nếu trong phân tìm được máu ẩn cũng chưa thể kết luận được có mắc ung thư đại tràng hay không, do đó khi phát hiện bất thường, bệnh nhân cần được nội soi đại trực tràng để kiểm tra.

3.4. Xét nghiệm DNA trong phân, xét nghiệm hóa mô miễn dịch trong phân

Xét nghiệm DNA trong phân được thực hiện mỗi 3 năm, nhằm tìm đoạn DNA của tế bào ung thư hay polyp bị bong ra, lẫn vào phân. Còn xét nghiệm hóa mô miễn dịch trong phân được thực hiện định kỳ hàng năm để tầm soát ung thư đại tràng. Các xét nghiệm này cũng có những ưu điểm, nhược điểm tương tự như xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Bệnh nhân có bất thường ở xét nghiệm DNA trong phân hay hóa mô miễn dịch trong phân cũng cần nội soi đại tràng để khẳng định chẩn đoán.

3.5. Chụp cắt lớp vi tính đại tràng - bụng

Chụp cắt lớp vi tính đại tràng là xét nghiệm không xâm lấn thường được tiến hành 5 năm 1 lần để tầm soát ung thư đại tràng cho một số đối tượng nguy cơ. Ngoài việc phát hiện các khối u lớn trong lòng đại tràng, chụp cắt lớp vi tính bụng còn giúp phát hiện các bất thường khác trong ổ bụng. Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính còn có ưu điểm là nhanh chóng và an toàn.

Nhược điểm của chụp cắt lớp vi tính là cần phải làm sạch đại tràng (súc ruột) trước khi chụp để cho hình ảnh rõ ràng và đánh giá chính xác đặc điểm của tổn thương (nếu có), người được tầm soát bằng phương pháp này cũng nhận một lượng nhỏ bức xạ. Chụp cắt lớp vi tính cũng có thể bỏ sót những tổn thương hay polyp nhỏ, mặt khác, phương pháp này không cho phép cắt bỏ polyp hay sinh thiết các tổn thương nghi ngờ.

4. Kế hoạch tầm soát ung thư đại tràng cho các đối tượng nguy cơ

4.1. Đối tượng nguy cơ trung bình ung thư đại tràng

Người có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng từ độ tuổi 45. Kế hoạch tầm soát được khuyến cáo như sau:

  • Nội soi toàn bộ đại tràng mỗi 10 năm.
  • Chụp Cắt lớp vi tính bụng mỗi 5 năm.
  • Nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm, có thể kèm theo xét nghiệm phân.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn / phân hàng năm.
  • Xét nghiệm DNA / phân mỗi 3 năm.

4.2. Đối tượng nguy cơ cao ung thư đại tràng

Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng nên thực hiện sàng lọc trước 45 tuổi với một kế hoạch tầm soát thường xuyên hơn và sử dụng các phương tiện tầm soát nhạy hơn, hiệu quả cao hơn, cụ thể như sau:

  • Tiền sử gia đình liên quan đến ung thư hoặc polyp tuyến đại trực tràng: Tầm soát được khuyến cáo tùy thuộc mối quan hệ với người mắc bệnh, số lượng người mắc bệnh trong gia đình và độ tuổi tại thời điểm phát hiện ung thư đại tràng của những người đó.
    • Ví dụ như người có bố hoặc mẹ hoặc anh / chị / em ruột (mối quan hệ cấp 1) được chẩn đoán mắc ung thư hay polyp tuyến đại tràng trước 60 tuổi thì nên tầm soát bệnh bằng phương pháp nội soi đại tràng 5 năm 1 lần, bắt đầu từ 40 tuổi hoặc trước 10 tuổi so với tuổi của người mắc bệnh trong gia đình. Người có 2 thành viên trong gia đình (mối quan hệ cấp 1) bị bệnh ở bất kỳ độ tuổi nào thì cũng áp dụng kế hoạch tầm soát này.
    • Đối với những người có 1 thành viên trong mối quan hệ cấp 1 (bố, me, anh, chị, em ruột) chẩn đoán mắc bệnh ung thư hay polyp tuyến đại tràng từ 60 tuổi trở lên; hoặc có 2 thành viên trở lên trong mối quan hệ cấp 2 (ông, bà, chú, bác, cô, dì,...) bị bệnh thì nên bắt đầu tầm soát từ năm 40 tuổi bằng nội soi đại tràng.
  • Tiền sử bản thân từng mắc ung thư đại trực tràng: cần theo dõi thường xuyên bằng nội soi đại trực tràng trong năm đầu tiên, cần thiết có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính.
  • Tiền sử bản thân từng cắt polyp đại tràng: Thời gian cần thiết để nội soi đại tràng kiểm tra tùy thuộc kích thước, số lượng, và loại polyp, nhưng thường không quá 3 năm.
  • Tiền sử bản thân mắc bệnh viêm ruột (bệnh Crohn): cần được nội soi đại trực tràng tầm soát ung thư bắt đầu sau ít nhất 8 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh Crohn, sau đó tùy thuộc các nguy cơ phát hiện trước đó mà lặp lại nội soi mỗi 1 - 3 năm.
  • Tiền sử gia đình liên quan đến các hội chứng di truyền trong ung thư đại trực tràng: khuyến cáo sàng lọc sớm bằng nội soi đại trực tràng, có thể bắt đầu từ độ tuổi thiếu niên và thực hiện sàng lọc thường xuyên hơn.
  • Tiền sử xạ trị vùng bụng / chậu trước đó: thường tiến hành tầm soát sau thời điểm xạ trị 5 năm, hoặc từ 30 tuổi, phương pháp sàng lọc được lựa chọn ở các đối tượng này là nội soi đại tràng hoặc xét nghiệm phân, cần kiểm tra lại sau mỗi 3-5 năm.

Tóm lại, tầm soát ung thư đại tràng ở các đối tượng nguy cơ có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh lý ác tính ở đại tràng, giảm tỷ lệ tái phát và nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

468 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan