Rút máu điều trị đa hồng cầu

Bài viết bởi các bác sĩ tại khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Đa hồng cầu (Polycythemia) là tình trạng gia tăng số lượng hồng cầu trong máu, gồm 2 nhóm: Nguyên phát và thứ phát. Khi lượng tế bào hồng cầu cao hơn bình thường thì máu sẽ cô đặc, dẫn tới sự lưu thông bị trì trệ, thậm chí là tắc nghẽn trong hệ tuần hoàn. Điều này làm tăng nguy cơ đóng cục trong mạch máu, ngưng máu đến ruột, tim, não...và gây nhồi máu hoặc đột quỵ...

Điều trị đa hồng cầu chủ yếu là nhằm làm giảm độ đặc của máu và ngăn ngừa tình trạng chảy máu, đông máu. Một trong các phương pháp phổ biến hiện nay là rút máu để làm giảm số lượng tế bào hồng cầu.

1. Những ai cần thực hiện rút máu?

Với các trường hợp đa hồng cầu nguyên phát, rút máu định kỳ là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả khi người bệnh đạt một số tiêu chí như:

  • Tuổi < 60;
  • Không có tiền sử bị huyết khối;
  • Tiểu cầu < 1500 x 109/L.

2. Những ai không được rút máu điều trị đa hồng cầu

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối;
  • Thận trọng ở người bị bệnh lý tim mạch, phụ nữ mang thai.

3. Mục tiêu cần đạt được

Mục tiêu cần đạt được khi rút máu điều trị đa hồng cầu là duy trì Hct < 0.45 (với Hct là tỉ số giữa thể tích hồng cầu và thể tích máu toàn phần).

4. Quy trình rút máu điều trị đa hồng cầu

Quy trình rút máu điều trị đa hồng cầu cũng giống như hiến máu tình nguyện, gồm các bước sau:

Khởi đầu:

  • Rút 250 - 500 ml máu mỗi ngày hoặc cách ngày cho đến khi Hct đạt giữa 0,4 - 0,45.
  • Rút 200 - 300 ml máu 2 lần/tuần đối với người cao tuổi hoặc có bệnh tim mạch. (Hct giảm 3% cho mỗi lần rút 500 ml máu ở người trưởng thành).

Duy trì: Sau khi đạt Hct mục tiêu, theo dõi công thức máu mỗi 4-8 tuần để thiết lập tần số rút máu duy trì.

rút máu điều trị đa hồng cầu
Rút máu điều trị đa hồng cầu được thực hiện giống quy trình hiến máu

5. Các nguy cơ sau rút máu điều trị đa hồng cầu

Sau khi rút máu điều trị đa hồng cầu, người bệnh có thể gặp phải một số nguy cơ như:

  • Hạ huyết áp tư thế: Hay gặp khi rút máu thể tích lớn (500ml), phải bù dịch thay thế (dung dịch Saline).
  • Tình trạng thiếu sắt nhưng không được điều trị bổ sung sắt.
  • Giảm các thành phần khác trong máu (tiểu cầu...)

Tóm lại, rút máu điều trị đa hồng cầu là kỹ thuật điều trị phổ biến, có thể giúp làm giảm số lượng tế bào hồng cầu ở người bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và không xảy ra biến chứng thì người bệnh nên thực hiện kỹ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín với trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan