Chiết tách bạch cầu trị liệu: Những điều cần biết

Bài viết bởi các bác sĩ tại khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Chiết tách bạch cầu trị liệu là kỹ thuật điều trị cấp cứu nhằm tách bạch cầu ngoại vi ra khỏi hệ tuần hoàn (thường là tế bào máu ác tính) bằng máy chiết tách tế bào chuyên dụng. Mục tiêu của phương pháp này là làm giảm nhanh bạch cầu trong máu để hạn chế nguy cơ của tăng độ quánh máu và tắc mạch.

1. Những ai cần thực hiện chiết tách bạch cầu?

Bạch cầu là một thành phần của máu. Chúng giúp cho cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm và các vật thể lạ trong máu. Tuy nhiên, nếu số lượng bạch cầu tăng quá cao trong một số bệnh lý ung thư hệ tạo máu thì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong tình huống này, chiết tách bạch cầu trị liệu là kỹ thuật điều trị được ưu tiên lựa chọn để mang lại an toàn cho người bệnh.

Cần thực hiện chiết tách bạch cầu trị liệu trong trường hợp:

  • Bạch cầu cao với triệu chứng của tắc mạch: Rối loạn tri giác, xuất huyết võng mạc, nghi ngờ thuyên tắc phổi hoặc dấu hiệu thiếu máu cục bộ...
  • Bạch cầu cao với nguy cơ tắc mạch cao;
  • Bạch cầu cao nhưng không sử dụng được hóa trị liệu như phụ nữ đang mang thai;
  • Bạch cầu không giảm sau 24 – 48 giờ với phác đồ hạ bạch cầu chuẩn bằng thuốc.
Hình ảnh bệnh bạch cầu cấp dòng lympho
Hình ảnh bệnh bạch cầu cấp dòng lympho

2. Những ai không nên thực hiện kỹ thuật chiết tách bạch cầu?

Chống chỉ định chiết tách bạch cầu trị liệu trong trường hợp:

  • Suy tuần hoàn;
  • Suy hô hấp nặng;
  • Rối loạn đông máu chưa kiểm soát được;
  • Rối loạn điện giải – chuyển hóa nặng;
  • Không hợp tác.

3. Kỹ thuật chiết tách bạch cầu được thực hiện như thế nào?

Quy trình thực hiện gồm các bước:

  • Người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh trước khi thực hiện kỹ thuật;
  • Thiết lập đường truyền tĩnh mạch và hệ thống ly tâm;
  • Khởi động máy, lắp đặt hệ thống kít, chọn chương trình MNC;
  • Nhập thông số bệnh nhân, tiến hành các bước theo màn hình hiển thị;
  • Tiến hành chạy chiết tách;
  • Theo dõi và xử lý những phát sinh trong suốt quá trình chạy;
  • Kết thúc chiết tách, tháo kit, tắt máy. Lấy máu xét nghiệm đánh giá kết quả.

4. Cần theo dõi những gì khi thực hiện kỹ thuật tách chiết bạch cầu

Hầu hết thủ thuật chiết tách bạch cầu trị liệu là an toàn cho người hiến/ bệnh nhân, một số rất ít có vài biến cố nhỏ, cần theo dõi và xử lý như:

  • Hạ huyết áp: Nằm đầu thấp, bù dịch;
  • Hạ calci: Giảm tốc độ AC và bù Calci;
  • Phản ứng dị ứng: Thuốc chống dị ứng;
  • Các biến chứng khác: Viêm mạch, tụ máu, thuyên tắc khí, nhiễm trùng, mất các thành phần khác của máu...

Tóm lại, chiết tách bạch cầu trị liệu là kỹ thuật điều trị có thể giúp làm giảm nhanh bạch cầu trong máu để hạn chế nguy cơ của tăng độ quánh máu và tắc mạch. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và không xảy ra biến chứng thì người bệnh nên thực hiện kỹ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín với trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • Kỹ thuật chiết tách bạch cầu - Bệnh viện Truyền máu Huyết học
Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan