VINMEC BÁO CÁO CÁC NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRỊ BỆNH NAN Y BẰNG TẾ BÀO GỐC TẠI NHẬT BẢN

Ngày 15/6 tại Tokyo, GS Nguyễn Thanh Liêm cùng các đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ gen Vinmec đã có những báo cáo giá trị về các nghiên cứu điều trị bệnh nan y bằng tế bào gốc, nhận được sự chú ý từ giới y khoa Nhật Bản.

Ngay sau sự kiện Lễ trao giải thưởng Nikkei Châu Á 2018, Đại học Teikyo (Nhật Bản) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề dành riêng cho GS Nguyễn Thanh Liêm (Viện nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ Gen Vinmec) với chủ đề: “Tế bào gốc - Lão hóa và ứng dụng lâm sàng” để các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này có thể gặp gỡ và trao đổi, cập nhật những thông tin mới nhất.

Tại Hội thảo, GS Nguyễn Thanh Liêm đã có bài trình bày về ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị các bệnh hiểm nghèo ở trẻ em. Bài giảng đã cập nhật những kết quả đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc để điều trị các bệnh hiểm nghèo như tự kỉ, bại não,... tại Vinmec trong những năm qua, mang lại sự thay đổi tích cực cho đông đảo bệnh nhân trên khắp Việt Nam.

TS Hoàng Minh Đức tham gia báo cáo tại một hội nghị chuyên đề bên lề sự kiện Lễ trao giải thưởng Nikkei Châu Á 2018

TS Hoàng Minh Đức (chuyên ngành Tế bào gốc và miễn dịch - Viện nghiên cứu Tế bào gốc & công nghệ gen Vinmec) cũng đã gây chú ý với bài báo cáo chủ đề “Thiết lập mô hình nghiên cứu các bệnh về tim mạch bằng công nghệ tế bào gốc kết hợp với công nghệ biến đổi gen”.

Báo cáo của TS Hoàng Minh Đức xoay quanh việc kết hợp giữa công nghệ tế bào gốc vạn năng và công nghệ biến đổi gene để thiết lập mô hình nghiên cứu các bệnh về tim mạch – một vấn đề còn rất mới trong y học thế giới. Đây là đề tài nghiên cứu do TS Đức là đồng tác giả và đã được bảo vệ luận án xuất sắc nghiên cứu sinh tại ĐH Nottingham (Anh) vào năm 2017.

Những báo cáo khoa học của Vinmec được giới chuyên môn chú ý và đánh giá cao bởi những kết quả thành công trong nghiên cứu tế bào gốc của Vinmec – một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam và ngay cả ở Nhật Bản. Sau sự kiện trao giải thưởng Nikkei Châu Á 2018 cho GS Nguyễn Thanh Liêm và sau hội thảo này, nhiều trường Đại học tại Nhật và thế giới rất quan tâm đến cơ hội hợp tác với Vinmec trong lĩnh vực tế bào gốc và công nghệ gen.

TS Hoàng Minh Đức là nhà khoa học trẻ tại Vinmec đã có những nghiên cứu chuyên sâu về tế bào gốc được đăng tải trên Tạp chí “Tế bào gốc và sinh học phát triển” trong hệ thống Thông tin công nghệ sinh học quốc gia Hoa Kỳ tháng 3/2018. TS Hoàng Minh Đức đã học tâp và làm việc tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc Wolfson tại Đại học Nottingham (Anh) hơn 8 năm, đồng thời là nghiên cứu viên chính trong Hiệp hội nghiên cứu tim mạch Anh Quốc. Trong quá trình nghiên cứu tiến sĩ và làm việc sau tiến sĩ tại Anh, TS Hoàng Minh Đức tập trung vào phát triển thành công 03 công nghệ (1) Tái tạo tế bào gốc vạn năng cảm ứng từ tế bào bạch cầu, (2) Ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9 trong tế bào gốc vạn năng bằng phương pháp mới, và (3) Công nghệ biệt hoá tế bào tim từ tế bào gốc ứng dụng trong y học tái tạo.

GS Nguyễn Thanh Liêm và TS Hoàng Minh Đức cùng các đồng nghiệp tham dự Hội thảo

Chia sẻ với các đồng nghiệp quốc tế tham dự Hội thảo, GS Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: “Với hạt nhân là những nhà khoa học trẻ tiềm năng như TS Hoàng Minh Đức, Vinmec sẽ xây dựng được một đội ngũ các nhà khoa học trẻ có năng lực, nhiệt huyết và đam mê nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh. Tới đây, Vinmec sẽ đón nhận các nhà khoa học trẻ xuất sắc được đào tạo từ Mỹ, Đức và Pháp - những tài năng sẵn sàng cống hiến hết mình với mong muốn đem đến những công nghệ tế bào gốc tối ưu nhất cho người bệnh”.

Hiện nay, Vinmec đã nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc điều trị các bệnh bại não, tự kỷ, xơ gan, teo đường mật bẩm sinh, thoái hóa khớp, chấn thương cột sống, phổi tắc nghẽn mạn tính, đa u tủy.... Trong thời gian tới, Vinmec sẽ đẩy mạnh ứng dụng tế bào gốc trung mô trong điều trị tiểu đường và rối loạn nội tiết tố, suy giảm nội tiết tố sinh dục ở người trung niên; sử dụng tế bào gốc trung mô từ dây rốn trong điều trị loạn sản phế quản phổi ở trẻ em và chấn thương sọ não,...

270 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec