Ý nghĩa của xét nghiệm đông máu

Trong thực tế lâm sàng của nhiều chuyên khoa, rối loạn đông - cầm máu là một bệnh lý có thể gặp bất cứ lúc nào. Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý sẽ giúp đánh giá loại và mức độ tình trạng bất thường, đó cũng là ý nghĩa xét nghiệm đông máu.

1. Tổng quan về xét nghiệm đông máu

Cơ chế đông - cầm máu bao gồm 3 thành phần chính là co mạch, tiểu cầu ở lớp nội mạc tạo nút cầm máu và hoạt hóa quá trình đông máu. Trong đó, yếu tố cuối cùng cũng được chia 3 thành con đường đông máu nội sinh, đông máu ngoại sinh và đông máu chung.

Xét nghiệm đông máu toàn bộ là các xét nghiệm tương ứng với từng giai đoạn của quá trình trên, chẳng hạn như cầm máu kỳ đầu, đông máu huyết tương và tiêu sợi huyết. Hiện nay, hầu như những xét nghiệm máu đông đều được tiến hành bằng máy móc tự động dưới sự giám sát của bác sĩ có chuyên môn. Có hai hình thức kiểm tra chính là cơ bản và nâng cao (chuyên sâu).

Các xét nghiệm tổng quát ở mức cơ bản được áp dụng ở hầu hết các bệnh viện và sẽ cho ra kết quả về thời gian máu chảy, nghiệm pháp dây thắt, hoặc co cục máu đông. Xét nghiệm cơ bản giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn khi phát hiện sự cầm máu bất thường ở kỳ đầu do bệnh nhân bị thiếu vitamin C, giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu, cũng như các hội chứng rối loạn đông máu.

Các xét nghiệm đông máu chuyên sâu bao gồm:

  • Xét nghiệm chuyên sâu kiểm tra chức năng dính cũng như đo độ ngưng tập của tiểu cầu.
  • Các xét nghiệm APTT, PT, TT, fibrinogen, số lượng tiểu cầu dùng để đánh giá đông máu huyết tương.
  • Xét nghiệm mix test phát hiện sự có mặt của chất ức chế.
  • Xét nghiệm hoạt tính yếu tố đông máu.

2. Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý

Quy trình chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý bao gồm:

  • Thực hiện các xét nghiệm vòng đầu: Bao gồm các xét nghiệm đánh giá con đường đông máu ngoại sinh (Thời gian prothrombin) và nội sinh (Thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa), cũng như đánh giá con đường chung (Thời gian thrombin) và số lượng tiểu cầu.
  • Phân tích và đánh giá các kết quả vòng đầu: Dựa trên các trị số là dài, bình thường hay thấp để chẩn đoán bệnh lý hoặc đưa ra chỉ định tiếp tục xét nghiệm vòng 2.
  • Thực hiện các thăm dò vòng 2: Chủ yếu nhằm để định lượng yếu tố la mã trong sơ đồ đông máu hoặc đánh giá thời gian máu chảy và một số phát hiện liên quan khác.
  • Chẩn đoán rối loạn đông máu: Xác định được loại rối loạn, mức độ rối loạn, phát hiện đặc điểm xuất huyết, bệnh lý kèm theo... Cần phải đánh giá đúng kết quả xét nghiệm đông máu cơ bản để có hướng xử lý tiếp theo phù hợp.

Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý sẽ cho biết chính xác tình trạng đông máu của người bệnh có hoạt động tốt hay không. Đây là quá trình cần thiết trong trường hợp bệnh nhân cần làm phẫu thuật hoặc cần phải cầm máu.

3. Ý nghĩa xét nghiệm đông máu

Giảm thị lực đột ngột
Suy giảm thị lực đột ngột là biểu hiện của rối loạn đông máu

3.1. Tìm ra nguyên nhân chảy máu bất thường

Nhờ vào các xét nghiệm đông máu, có thể phát hiện hoặc loại trừ nguyên nhân trong trường hợp những bệnh nhân không dùng thuốc chống đông máu, nhưng lại có dấu hiệu hoặc triệu chứng của rối loạn xuất huyết. Một số biểu hiện chảy máu bất thường hay được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm là:

  • Chảy máu cam
  • Chảy máu nướu răng
  • Bầm tím không rõ nguyên do
  • Kinh nguyệt ra nhiều hoặc rong kinh
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu
  • Viêm khớp do xuất huyết trong khớp
  • Suy giảm thị lực đột ngột

3.2. Lựa chọn phác đồ điều trị dựa trên kết quả

Bước đầu tiên được bác sĩ áp dụng khi gặp các trường hợp trên là thu thập thông tin thăm khám triệu chứng lâm sàng, cũng như khai thác kỹ tiền sử chảy máu bất thường của bệnh nhân và người trong gia đình. Tuy nhiên chỉ căn cứ dựa trên quan sát và lời kể của người bệnh thì chưa đủ để có kết luận chính xác về tình trạng rối loạn đông máu. Do đó chỉ định thực hiện xét nghiệm đông máu và đánh giá kết quả giữ vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán.

Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sớm biết được tình trạng cũng như diễn tiến của bệnh lý rối loạn đông máu mà người bệnh đang mắc phải một cách chính xác. Nhờ vậy việc đưa ra phương hướng điều trị cũng phát huy hiệu quả cao hơn, bởi nếu chẩn đoán sai lầm hoặc thiếu sót trong khám chữa bệnh thì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh tình của người mắc rối loạn đông máu.

Chảy máu bất thường
Chảy máu bất thường là biểu hiện của rối loạn đông máu

3.3. Một số chức năng khác

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đông - cầm máu trước khi phẫu thuật để giúp đánh giá tình trạng đông máu của bệnh nhân, từ đó đưa ra quyết định có nên tiến hành mổ hay không, hoặc tiên lượng một vài tình huống cần chú ý.

Hơn nữa, xét nghiệm đông máu còn giúp đánh giá mức độ tiến triển của các bệnh lý về gan như xơ gan và suy giảm chức năng gan, những biểu hiện bất thường tại thận, tim, tủy, ... hay một số hội chứng khác liên quan đến rối loạn đông máu.

Xét nghiệm đông máu toàn bộ có thể được thực hiện ở cả người lớn hay trẻ nhỏ, trước khi mổ hay giai đoạn hậu phẫu nếu cần thiết. Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý cần tuân thủ trình tự các bước với việc đánh giá kết quả xét nghiệm mang tính chuyên môn rất cao. Tìm ra nguyên nhân, thăm dò tình trạng và theo dõi diễn tiến căn bệnh, cũng như chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị chính xác là những ý nghĩa xét nghiệm đông máu mang lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

57.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: