Vứt khẩu trang bừa bãi bị phạt 7 triệu: Thải bỏ khẩu trang thế nào là đúng cách?

Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, đeo khẩu trang là hành động đơn giản mà hiệu quả phòng bệnh lại cao. Nhưng đeo khẩu trang y tế đúng cách, cũng như tháo khẩu trang y tế đúng cách là điều mọi người thường bỏ qua.

1. Bị phạt nếu vứt khẩu trang bừa bãi

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng động, WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang y tế đúng cách. Thế nhưng hiện nay xuất hiện tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Căn cứ quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người dân có thể bị “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng... Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.”

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chuyên môn tại địa phương thực hiện tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân đeo và tháo khẩu trang y tế đúng cách. Ngoài ra sẽ bố trí đầy đủ thùng đựng rác có nắp đậy kín tại nơi công cộng, bồng thời, tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang bừa bãi

2. Cấu tạo của khẩu trang y tế

Khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp riêng biệt cho từng công dụng.

  • Lớp ngoài

Có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt-xì, ho, thở mạnh... một cách hiệu quả. Mặt ngoài thường có màu xanh dương nhạt, hoặc một số màu thông dụng khác để dễ phân biệt.

  • Lớp trong

Luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với mặt ngoài. Do áp sát với da mặt nên vải phải tinh khiết, mịn màng, không có sợi sùi lông gây khó chịu, kích ứng. Ngoài ra, mặt trọng cũng phải có tính thấm nước để hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người dùng.

  • Lớp giữa

Có tác dụng ngăn cản những hạt dịch văng bắn và lọc bụi, vi khuẩn. Đây chính là phần quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc "đúng chuẩn" phải có thể cho không khí dễ đi qua, tạo thoáng mát cho người sử dụng, nhưng lại phải được thiết kế kết cấu đủ để lọc bụi và vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.

Covid-19 (kích thước khoảng 150 - 200 nm) và virus cúm Influenza A (kích thước 80 - 120 nm) chủ yếu cư trú trong những giọt nước bọt lớn (kích thước từ khoảng 75.000 - 360.000 nm). Vì vậy các loại virus này có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt nước có kích thước trên 5000 nm.

3. Ai cần đeo khẩu trang?

  • Cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc và điều trị bệnh nhân hoặc nghi nhiễm bệnh;
  • Thân nhân gia đình chăm sóc hoặc tiếp xúc gần người mắc/ nghi ngờ mắc bệnh;
  • Người mắc/ nghi ngờ mắc bệnh, hoặc có các dấu hiệu về đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy mũi,...
  • Tất cả những người đến cơ sở y tế.

Vứt khẩu trang bừa bãi bị phạt 7 triệu: Thải bỏ khẩu trang thế nào là đúng cách?
Tất cả những người đến cơ sở y tế cần đeo khẩu trang phòng tránh bệnh lây lan

Những đối tượng khỏe mạnh khác không cần thiết dùng khẩu trang y tế mà có thể thay bằng khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe. Giặt sạch khẩu trang vải hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau.

4. Đeo khẩu trang y tế đúng cách

Dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa virus corona và cúm văng ra từ người bệnh khi họ hắt xì hoặc ho. Hướng dẫn đeo khẩu trang y tế đúng cách để phòng lây nhiễm nCoV là:

  • Chỉ sử dụng 1 lần;
  • Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh để các giọt nước bọt lớn bắn vào có thể rơi xuống;
  • Mặt trắng để quay vào trong, giúp hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang;
  • Khẩu trang kín mặt, che kín cả mũi lẫn miệng, ấn kẹp nhôm ôm sát mũi;
  • Tuyệt đối không sờ tay vào mặt trước khẩu trang hoặc chỉnh sửa khẩu trang, vì có nguy cơ làm lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác.

Tháo khẩu trang y tế đúng cách:

  • Sau khi sử dụng khẩu trang y tế cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác có nắp đậy;
  • Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai;
  • Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra,vì sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác vào bàn tay;
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc chà với dung dịch cồn rửa tay sau khi bỏ khẩu trang
Vứt khẩu trang bừa bãi bị phạt 7 triệu: Thải bỏ khẩu trang thế nào là đúng cách?
Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc chà với dung dịch cồn rửa tay sau khi bỏ khẩu trang

Tóm lại, khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng che khẩu trang kín mặt (miệng và mũi) và tránh chạm vào khẩu trang khi đang đeo. Tháo khẩu trang y tế đúng cách là chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai. Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín và rửa tay sạch. Việc sử dụng khẩu trang cần thường xuyên kết hợp vệ sinh cá nhân, vật dụng và rửa tay sát khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan