Viêm vùng chậu khi mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo và cổ tử cung vào tử cung, buồng trứng, hoặc ống dẫn trứng. Viêm vùng chậu khi mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng của mẹ và bé.

1. Viêm vùng chậu là gì?

Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng các cơ quan sinh sản nữ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo và cổ tử cung vào tử cung, buồng trứng, hoặc ống dẫn trứng

2. Nguyên nhân gây viêm vùng chậu

  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: LậuChlamydia. Các bệnh này có thể gây ra các triệu chứng mơ hồ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, sau vài ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị thì có thể tiến triển thành viêm vùng chậu.
  • Tác nhân gây nhiễm trùng không lây truyền qua đường tình dục: Viêm âm đạo do vi khuẩn,...

Phụ nữ khi mang thai dễ bị viêm vùng chậu bởi một số nguyên nhân:

  • Cơ thể phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi nhiều về nội tiết tố, căng thẳng, sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc bệnh.
  • Khi mang thai khí hư ra nhiều, nếu không vệ sinh đúng cách, sẽ tạo môi trường cho nấm và vi khuẩn phát triển, gây ra nhiều bệnh. Đặc biệt không nên thụt rửa âm đạo vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm vùng chậu phát triển dễ dàng hơn, đồng thời có thể đẩy vi khuẩn từ âm đạo vào tử cung và ống dẫn trứng.
  • Người từng sảy thai, phá thai hoặc sinh đẻ nhiều lần.
  • Quan hệ tình dục không an toàn cũng dễ bị viêm nhiễm.

3. Các triệu chứng của viêm vùng chậu

Các triệu chứng của viêm vùng chậu thường khá mơ hồ và không điển hình, thậm chí, một số trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng.

Một số dấu hiệu của viêm âm đạo:

  • Đau tức vùng bụng dưới, đau lưng.
  • Khi quan hệ tình dục bị đau.
  • Khí hư ra nhiều bất thường và có mùi lạ.
  • Cơ thể sốt cao, mệt mỏi.
  • Áp-xe ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
  • Xuất huyết âm đạo.

Xuất huyết âm đạo thường làm mẹ lo lắng quá mức vì sợ bị dọa sảy thai, thai đẻ non. Các dấu hiệu khác lại có thể bị hiểu nhầm là giống hiện tượng mang thai vài tháng đầu.

Do đó, khi mang thai mà có bất kỳ tình trạng bất thường nào, mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế để khám phụ khoa ngay, tránh chủ quan hoặc lo lắng quá mức về tình trạng của mình.

Thăm khám và lựa chọn phương pháp sinh
Phụ nữ mang thai nếu có bất thường vùng kín nào cũng đều cần được thăm khám kịp thời

4. Những ảnh hưởng lâu dài của viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu kéo dài có thể dẫn đến một số vấn đề trầm trọng sau:

  • Vô sinh: 1/10 trường hợp bị viêm vùng chậu sẽ vô sinh. Viêm vùng chậu gây ra các sẹo trên các ống dẫn trứng làm tắc ống dẫn trứng qua đó ngăn chặn quá trình thụ tinh.
  • Thai lạc chỗ: Các sẹo do viêm vùng chậu gây ra có thể ngăn cản trứng đã được thụ tinh di chuyển vào buồng tử cung. Điều này đồng nghĩa với trứng đã được thụ tinh có thể sẽ phát triển ngay tại ống dẫn trứng. Nếu không được phát hiện sớm, khối thai lạc chỗ phát triển sẽ vỡ gây chảy máu trong ổ phúc mạc và đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, trong trường hợp này bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu.
  • Đau vùng chậu mạn tính: Viêm vùng chậu có thể dẫn đến đau vùng chậu kéo dài.

Ảnh hưởng của bệnh viêm vùng chậu đến thai nhi

Các mẹ bầu cần biết rằng việc bị viêm nhiễm phụ khoa trong thời gian mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thai nhi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dù bệnh phụ khoa không thể lây cho em bé trong suốt thai kỳ, nhưng khi mẹ trở dạ sinh con, bé sẽ đi qua cổ tử cung và âm đạo thì rất dễ bị nhiễm vi khuẩn từ mẹ. Chính vì thế các bé sinh ra với phương pháp đẻ thường sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh phụ khoa từ mẹ hơn so với bé sinh mổ.

5. Chẩn đoán viêm vùng chậu khi mang thai

Để chẩn đoán viêm vùng chậu, trước hết bác sĩ cần phải tìm hiểu về bệnh sử, bao gồm cả thói quen tình dục, các biện pháp tránh thai đang sử dụng và các triệu chứng. Nếu có các triệu chứng của viêm vùng chậu, tiếp theo, phải tiến hành thăm khám vùng chậu để đánh giá các cơ quan sinh sản. Sau đó, lấy mẫu dịch từ cổ tử cung để làm xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia, ngoài ra có thể làm thêm xét nghiệm máu nếu cần thiết.

Bác sĩ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm và thủ thuật khác như siêu âm, sinh thiết nội mạc tử cung thậm chí có thể cần phải phẫu thuật nội soi.

6. Điều trị viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu có thể điều trị được, tuy nhiên không thể triệt bỏ các sẹo cũng như bất kỳ tổn thương nào do nhiễm trùng gây ra. Nhiễm trùng càng để lâu, không được điều trị, thì càng tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề trầm trọng, thậm chí là vô sinh.

Kháng sinh là lựa chọn đầu tiên cho điều trị viêm vùng chậu. Có thể dùng đường uống hoặc tiêm. Thông thường, có thể điều trị bằng một loại kháng sinh duy nhất, nhưng bác sĩ cũng có thể phối hợp hai hoặc nhiều loại kháng sinh, phụ thuộc vào tình trạng người bệnh.

Đôi khi các triệu chứng có thể biến mất trước nhưng tình trạng nhiễm trùng vẫn còn tồn tại trong cơ thể, do vậy, bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh theo đúng liệu trình điều trị.

Trong khi mang thai, phụ nữ thường rất lo lắng là có nên điều trị hay không, vì sử dụng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng nếu bạn phải điều trị, vì bác sĩ sẽ cân nhắc liệu pháp an toàn, còn nếu không điều trị và để tình trạng chuyển biến nặng, thì sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Khuyến cáo nhập viện cho những trường hợp:

  • Chẩn đoán chưa rõ ràng.
  • Đang mang thai.
  • Phải dùng thuốc kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch.
  • Bệnh nặng.
  • Có triệu chứng buồn nôn và nôn.
  • Sốt cao.
  • Có áp xe tại ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.

Trong một số tình huống cụ thể có thể cần phải phẫu thuật như có khối áp-xe.

Bà bầu
Cần điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cũng như tránh biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

7. Cách phòng ngừa viêm vùng chậu khi mang thai

Để phòng ngừa viêm vùng chậu khi mang thai, cần tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng các biện pháp:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, ngay cả khi đã sử dụng các biện pháp tránh thai khác.
  • Quan hệ tình dục an toàn, với một bạn tình duy nhất, và bạn tình cũng phải chung thủy.
  • Hạn chế số lượng bạn tình. Nếu bạn hoặc bạn tình của bạn trước đó đã từng quan hệ với người khác thì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, tránh dùng các dung dịch vệ sinh nặng mùi và có chất tẩy rửa mạnh, mặc quần thông thoáng, tránh chất liệu nilon...
  • Thai phụ có thể ăn thêm sữa chua không đường mỗi ngày để cân bằng độ pH âm đạo và hỗ trợ trị bệnh hiệu quả hơn.

Viêm vùng chậu khi mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng của mẹ và bé.nếu không được khám và xử lý kịp thồi. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào của vùng kín, thai phụ cần đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ sản phụ khoa khám và phát hiện bệnh chính xác, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan