Viêm giác mạc do nấm có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm loét giác mạc do nấm là bệnh lý nhiễm trùng giác mạc nguy hiểm và diễn tiến nhanh chóng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến suy giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí có thể gây mù lòa.

1. Viêm giác mạc do nấm là bệnh gì?

Viêm giác mạc do nấm là bệnh nhiễm trùng giác mạc (phần mái vòm tròn trong suốt, che bên ngoài mống mắt và đồng tử). Viêm giác mạc gây đau đớn, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, tăng tiết nước mắt hoặc dịch tiết từ mắt. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm nấm từ kính áp tròng hoặc bị chấn thương ở mắt. Có rất nhiều loại nấm khác nhau có thể gây ra viêm loét giác mạc, chẳng hạn như fusarium, aspergillus hoặc candida.

Viêm giác mạc do nấm thường phát triển rất nhanh chóng, nếu không tiến hành điều trị, có nguy cơ dẫn đến mất thị lực.

2. Triệu chứng của viêm giác mạc do nấm

Các triệu chứng của viêm giác mạc do nấm thường bao gồm:

  • Giảm thị lực;
  • Đau nhói ở mắt (một cách đột ngột);
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng;
  • Thường xuyên chảy nước mắt;
  • Tăng tiết dịch nhiều từ mắt.

Hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, đặc biệt với những triệu chứng xảy ra đột ngột. Nếu không được chăm sóc đúng cách, viêm giác mạc có thể dẫn đến mù lòa. Điều trị viêm giác mạc do nấm phải được tiến hành ngay lập tức để ngăn ngừa diễn tiến mất thị lực.

so-cuu-khi-bi-hoa-chat-vat-la-ban-vao-mat
Giảm thị lực xảy ra đột ngột

3. Nguy cơ dẫn đến viêm loét giác mạc do nấm

Trên thực tế lâm sàng, một phần lớn bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm làm nghề nông, mắc bệnh sau khi bị chấn thương vào mắt (từ bụi, cành cây, lá lúa, hạt thóc, mạt sắt...). Thời gian từ lúc khởi phát bệnh tới khi đến bệnh viện thường kéo dài sau khi điều trị tại các tuyến dưới không khỏi.

Môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng là nguyên nhân gây ra viêm loét giác mạc (cát bụi, côn trùng bay vào mắt, gây tổn thương). Người lao động, công nhân trong quá trình làm việc chưa chú trọng sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động (đặc biệt với những nghề có nguy cơ nhiễm cao, như công nhân vệ sinh, xây dựng cầu đường, thợ hồ, thợ mộc, nông dân, người khai phá nương rẫy, làm công việc khai thác cây rừng,...).

Đặc biệt, một tình trạng đáng báo động hiện nay là việc lạm dụng các chế phẩm tra mắt có chứa corticoid. Mặc dù corticoid trong thuốc nhỏ mắt có tác dụng làm mắt dễ chịu, hết đỏ nhanh chóng, song nếu lạm dụng sẽ gây ra nhiều hậu quả, trong đó có viêm loét giác mạc do nấm, vì corticoid tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và vi nấm phát triển. Do đó, sử dụng lâu dài thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, làm tăng nhãn áp (cườm nước), teo dây thần kinh thị giác, nguy cơ cao dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

4. Chẩn đoán sớm để điều trị hiệu quả

Tiên lượng của viêm giác mạc do nấm thường xấu, một phần do khó chẩn đoán khi chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng mà không có điều kiện để chẩn đoán bằng cận lâm sàng. Trong khi đó, việc chẩn đoán xác định sớm có vai trò quan trọng trong công tác điều trị. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân sử dụng thuốc chống nấm ngay từ những ngày đầu khởi phát bệnh, làm tăng hiệu quả của thuốc đối với tác động chống nấm, đồng thời giảm thời gian cũng như chi phí điều trị.

Có nhiều phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng đối với viêm loét giác mạc do nấm, chẳng hạn như soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy định danh, xét nghiệm ELISA, kỹ thuật PCR. Mỗi phương pháp sẽ có độ đặc hiệu và độ nhạy khác nhau đối với loại nấm gây viêm giác mạc.

Viêm giác mạc do nấm
Viêm giác mạc do nấm

5. Phòng bệnh viêm loét giác mạc do nấm

Để phòng bệnh viêm loét giác mạc do nấm, cần có thái độ thận trọng hơn trong sinh hoạt và lao động, tránh chủ quan để xảy ra chấn thương ở mắt. Trang bị thêm kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi ngoài đường.

Nếu không may bị cát bụi, hạt sạn, hạt thóc... bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, dụi mắt vì rất dễ dẫn đến xước và rách giác mạc. Cách xử trí đúng là rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra trong trường hợp có thể tự kiểm soát được, như bị hạt bụi bay vào mắt, gây thốn nhẹ. Nếu tình hình không cải thiện hoặc khi bị dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để thăm khám và có phương án điều trị thích hợp.

Những người thường xuyên sử dụng kính áp tròng cần tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh kính và định kỳ thực hiện. Khi có những triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như ngứa, cộm, đau, đỏ mắt, không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Việc điều trị bệnh mắt, bao gồm viêm giác mạc do nấm, chỉ nên thực hiện sau khi được chẩn đoán chính xác tại các cơ sở y tế chuyên về nhãn khoa.

Đơn nguyên Mắt thuộc Khoa Liên Chuyên Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chức năng chăm sóc sức khỏe mắt và thị giác toàn diện cho trẻ em, người lớn và người già bao gồm kiểm tra tật khúc xạ, khám tổng quát, siêu âm chẩn đoán, điều trị bằng laser và phẫu thuật. Bệnh cạnh đó, Đơn nguyên Mắt cũng có nhiệm vụ phối hợp với các khoa lâm sàng khác trong việc điều trị các biến chứng bệnh lý và tổn thương về mắt, trong đó có viêm giác mạc do nấm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan