U tuyến thượng thận: Khi nào cần mổ?

U tuyến thượng thận là các khối u phát triển trong tuyến thượng thận. Đây là bệnh hiếm gặp, có thể gây các biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

1. Bệnh u tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng nằm sâu trong phúc mạc. Có hai tuyến thượng thận, mỗi tuyến nằm ở một bên thận. Tuyến thượng thận sản xuất ra các hormon, tham gia quá trình chuyển hóa đường và điện giải, đặc biệt catecholamin có vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp động mạch.

Bệnh u tuyến thượng thận có thể xảy ra ở một trong hai bên tuyến thượng thận hoặc cả hai bên. U tuyến thượng thận gây ra những bệnh lý khác nhau tùy thuộc vào bản chất của khối u vùng tủy hay vùng vỏ.

Phần lớn các bệnh u tuyến thượng thận là lành tính, tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể là khối u ác tính (ung thư). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết người bệnh tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 50.

2. Biến chứng u tuyến thượng thận

Do khối u giải phóng các hormon gây tăng huyết áp nên triệu chứng điển hình của bệnh u tuyến thượng thận là các cơn tăng huyết áp kịch phát.

Trong cơn tăng huyết áp kịch phát, huyết áp bệnh nhân tăng rất cao, nhịp tim nhanh, đau đầu dữ dội, da tái xanh, buồn nôn, cảm thấy ớn lạnh, đồng tử giãn, bệnh nhân đái nhiều, giảm giác đau ngực, hốt hoảng, khó thở.

Các cơn tăng huyết áp kịch phát thường được kích hoạt bởi lao động gắng sức, căng thẳng, lo âu, phẫu thuật, gây mê, ăn các thức ăn giàu tyramine như: Phô mai, thịt hun khói,...

U tuyến thượng thận
U tuyến thượng thận gây ra những bệnh lý khác nhau, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh

Cơn tăng huyết áp kịch phát có thể kéo dài một vài phút hoặc một vài giờ, sau đó tự giảm mà không cần điều trị gì. Tình trạng tăng huyết áp lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như phù gai thị, xuất huyết võng mạc, tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim.

Nếu khối u tuyến thượng thận là u ác tính, các tế bào ung thư sẽ di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như hệ bạch huyết, xương, gan, phổi,... gây nguy hiểm đến tính mạng.

3. U tuyến thượng thận có nên mổ không?

Nếu khối u được phát hiện tình cờ, kích thước nhỏ và bệnh nhân không có dấu hiệu thừa hormon cũng như không có tình trạng tăng huyết áp thì có thể trì hoãn việc điều trị, khối u sẽ được theo dõi định kỳ chặt chẽ để đảm bảo vẫn ổn định về kích thước và vẫn ở trạng thái không hoạt động. Nếu khối u phát triển nhanh, đạt kích thước khoảng 5cm, thì cần phẫu thuật để loại bỏ.

Khối u tuyến thượng thận gây tăng tiết hormone và tăng huyết áp, dù kích thước lớn hay nhỏ cũng cần phẫu thuật để loại bỏ. Phẫu thuật bệnh u tuyến thượng thận là một loại phẫu thuật khó, do tuyến thượng thận nằm sâu trong phúc mạc, nằm trên thận và sát với cơ hoành nên rất khó tiếp cận.

3.1. Trước khi phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc huyết áp để hạn chế nguy cơ cao huyết áp trong quá trình phẫu thuật, các thuốc này có thể bổ sung hoặc thay thế các thuốc huyết áp bệnh nhân đang sử dụng.

Mổ nội soi cắt ruột thừa
Phẫu thuật nội soi u tuyến thượng thận có nhiều ưu điểm và ít biến chứng

3.2. Trong quá trình phẫu thuật

Nếu khối u kích thước nhỏ (<5cm) và lành tính (không phải ung thư) có thể sử dụng phẫu thuật nội soi. Khối u có kích thước lớn (>5cm) hoặc ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ hở. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như: Ít xâm lấn, ít chảy máu, giảm các biến chứng, thời gian nằm viện giảm, bệnh nhân phục hồi nhanh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ huyết áp động mạch, nhiệt độ, nhịp thở và dẫn lưu 15 - 30 phút/ lần.

Nếu thực hiện phẫu thuật nội soi, người bệnh có thể xuất viện sau 1 đến 3 ngày và có thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày sau một tuần. Nếu thực hiện mổ hở, người bệnh phải nằm viện trong 5 - 7 ngày và không được nâng vật nặng trong 6 tuần sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, toàn bộ tuyến thượng thận phải được loại bỏ, tuyến thượng thận khỏe mạnh còn lại sẽ thực hiện chức năng nội tiết.

3.3. Sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân thường ổn định, chức năng nội tiết trở về bình thường, loại bỏ được tình trạng tăng huyết áp. Nếu khối u tuyến thượng thận là ác tính (ung thư), tùy theo từng trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định các phương pháp như xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích.

Hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao như CT scan, MRI, PET, liệu pháp nhắm mục đích tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp phát hiện và tầm soát các khối u với độ chính xác cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

32.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan