Tuổi xương là gì và cách xác định tuổi xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xác định tuổi xương là phương pháp phản ánh tuổi tác trẻ em và thanh thiếu niên chưa phát triển hoàn thiện. Cách tính tuổi xương thường áp dụng là thông qua phim chụp X-quang của xương tay hoặc chân và so sánh với bảng đối chiếu.

1. Cấu tạo xương người

Sau khi được sinh ra đời, bộ xương trẻ em được chia làm 3 phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Ngoài ra, xương còn được phân thành 4 loại, bao gồm: Xương dài, xương ngắn, xương dẹt và xương hình bất định. Trong khi đó, khớp là tên gọi chỉ nơi tiếp giáp giữa các đầu xương.

Đầu xương dài của cánh tay và đùi ở trẻ trông như một đầu xương hoàn chỉnh, tuy nhiên thông qua phim X-quang có thể tìm ra 3 bộ phận cấu thành bao gồm:

  • Thân xương: Phần ở giữa dài nhất, có hình ống, cấu tạo gồm màng xương mỏng (ở ngoài cùng), vỏ xương và khoang xương (chứa tủy xương)
  • Hạt đầu xương: Hai phần đầu xương, mô xương xốp và chứa tủy đỏ xương
  • Sụn xương (không thể chụp được bằng tia X): Giữa thân xương và hạt đầu xương, bọc hai đầu xương

Ba loại còn lại là xương ngắn, xương dẹt và xương bất định đều có cấu tạo tương tự nhau: Bên ngoài là mô xương cứng, bên trong là mô xương xốp chứa tủy xương.

2. Tuổi xương là gì?

Tuổi xương là khái niệm dùng để đánh giá mức độ trưởng thành của hệ xương, dựa vào nhân cốt hóa xương chi. Trong giai đoạn phát triển từ một đứa trẻ sơ sinh cho đến độ tuổi thanh thiếu niên, có một sự tương quan giữa tuổi xương so với tuổi khai sinh, thường là không quá 10%.

Cốt hóa là tiến trình sụn ở trẻ sơ sinh phát triển dần thành xương hoàn chỉnh ở thanh thiếu niên trưởng thành. Các điểm cốt hóa của xương cũng là quá trình phân bào ở sụn tăng trưởng, nhằm giúp xương dài ra. Theo trình tự nhất định, thời điểm xuất hiện và mức độ cốt hóa của các điểm cốt hóa đầu xương sẽ tương ứng với tuổi đời thực khác nhau của trẻ. Tổ chức sụn ban đầu không cản quang cho phép xác định tuổi xương thông qua hình ảnh phim khác nhau khi chụp X quang.

Quy ước xác định tuổi xương là chụp X-quang xương bàn tay trái ở tư thế thẳng, nhằm đánh giá sự có mặt, cũng như hình dạng của các điểm cốt hóa. Sau đó, sẽ dựa vào bảng tuổi xương chuẩn để ước lượng một cách tương đối tuổi thực của trẻ. Hiện nay, thang đo tuổi xương chuẩn đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới vẫn dựa theo sách y khoa xuất bản vào cuối thập niên 50s của thế kỷ XX. Vì không có quá nhiều sự thay đổi ở tuổi xương chuẩn nên y học Việt Nam cũng áp dụng bảng so sánh đối chiếu này.

3. Cách tính tuổi xương

3.1. Các bước đánh giá tuổi xương

Thông thường, xác định tuổi xương sẽ bao gồm 3 bước như sau:

  • Chụp phim X-quang thẳng bàn tay hoặc chân trái.
  • So sánh với Atlas tiêu chuẩn.
  • Tìm lứa tuổi phù hợp nhất với hình ảnh X-quang có được.

3.2. Các vùng cần phân tích (ROI)

Cách tính tuổi xương tiêu chuẩn cần phân tích đầy đủ một số đặc điểm thuộc những vùng xương cụ thể sau đây:

  • Các xương đốt ngón tay: Hình dạng của các điểm cốt hóa đầu xương.
  • Các xương con vùng cổ tay: Sự có mặt và kích thước của các điểm cốt hóa.
  • Đầu dưới xương quay: Mức độ liền của điểm cốt hóa.

3.3. Các vùng xương phổ biến

Tùy vào độ tuổi và giới tính của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp vùng xương được xem là đáng “tin cậy” nhất để xác định tuổi xương. Cụ thể như sau:

Tuổi xương là gì và cách xác định tuổi xương
Vùng xương phổ biến theo độ tuổi và giới tính trẻ.

4. Các phương pháp xác định tuổi xương

Đối với bất kỳ phương pháp xác định tuổi xương nào, phần xương bên trái thường được ưu tiên hơn so với bên còn lại. Nguyên nhân là bởi vì nửa người bên phải hoạt động nhiều hơn, phát triển sớm hơn, từ đó, dễ dẫn đến biến dạng, chấn thương và kéo theo sai lệch trong cách tính tuổi xương. Tuy nhiên, nếu xương bên trái đã bị biến dạng sẵn vì một lý do nào đó, vẫn có thể xác định tuổi xương ở bên còn lại. Một số phương pháp xác định tuổi xương phổ biến là:

  • Phương pháp Lefebvre và Koikman

Chụp X-quang toàn bộ tay và chân trái của trẻ nhỏ hơn 30 tháng, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng. Sau đó đếm số lượng điểm nhân cốt hóa và dựa vào bảng so sánh đối chiếu tiêu chuẩn để cho ra kết quả.

  • Phương pháp Greulich và Pyle

Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất, thích hợp cho trẻ từ vài tháng đến sau dậy thì. Bác sĩ sẽ chụp X-quang bàn tay trái thẳng và so sánh với bộ hình chuẩn, kết luận độ tuổi tương ứng. Ngoài ra, có thể khảo sát nhân cốt hóa xương bàn tay, đốt ngón tay và cổ tay.

  • Phương pháp Sauvegrain và Nahum

Chụp X-quang khuỷu tay trái cho trẻ từ 7 đến 14 tuổi, sau đó dựa vào nhân cốt hóa để cho điểm và so sánh với atlas đối chiếu tiêu chuẩn.

  • Phương pháp Risser

Dùng để xác định giai đoạn chấm dứt phát triển hệ xương, cụ thể là xương cột sống. Từ đó, bác sĩ có thể biết được thời điểm can thiệp ngoại khoa thích hợp trong các trường hợp vẹo cột sống. Có tất cả 6 phân độ từ 0 (chưa thấy nhân cốt hóa) đến 5 (dính hoàn toàn nhân cốt hóa vào bờ xương chậu).

  • Nhân cốt hóa đầu trong xương đòn

Đối tượng áp dụng là trẻ lớn hoặc ở tuổi thiếu niên (15-16 tuổi) khi xương đã phát triển khá hoàn chỉnh. Phương pháp này cũng thông qua các hình thức như chụp X-quang, CT hay xét nghiệm pháp y và được chia thành 4 cấp độ.

Khi quá trình cốt hóa không còn xảy ra, hình ảnh trên phim X-quang cũng sẽ không còn khoảng sáng của sụn tăng trưởng. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ đã đến giai đoạn các sụn tăng trưởng biến thành xương, không thể phát triển chiều cao thêm nữa. Thông qua cách tính tuổi xương có thể giúp bố mẹ biết khi nào các biện pháp làm tăng chiều cao cho trẻ còn có thể phát huy tác dụng. Phương pháp xác định tuổi xương còn được dùng để phát hiện nguyên nhân và theo dõi một số triệu chứng nhất định, cũng như ứng dụng lĩnh vực pháp y.

Chụp X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh được dùng phổ biến hiện nay với thời gian thực hiện nhanh chóng và chi phí tương đối thấp. Đây là phương pháp cần thiết để chẩn đoán, tuy nhiên X-quang vẫn còn tồn tại một số hạn chế và nguy cơ khác. Chính vì vậy, cần tham khảo kỹ trước khi quyết định thực hiện chụp X-quang.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan