Triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh có 12 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Nhi.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Thủy đậu ở trẻ sơ sinh đặc biệt nguy hiểm do sức đề kháng của trẻ con kém, bệnh lây lan nhanh dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu hay còn gọi là trái dạ (rạ), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, ít gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên thủy đậu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trường hợp trẻ dưới 1 tháng tuổi bị thủy đậu lại vô cùng nguy hiểm, do sức đề kháng của trẻ còn yếu, bệnh lây lan nhanh dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Các biểu hiện ban đầu của bệnh thủy đậu bao gồm sốt cao, nổi bóng nước viêm tấy khắp người, trẻ quấy khóc, bứt rứt. Trẻ bị thủy đậu cần được cách ly để tránh lây nhiễm và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị bệnh phù hợp nhất.

Thông thường, mỗi người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời. Bạn sẽ không bị phơi nhiễm lại thủy đậu khi đã bị bệnh. Tiêm phòng vắc xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ hơn một tuổi, trường hợp thủy đậu ở trẻ sơ sinh thường hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm do sức đề kháng của trẻ còn yếu kém.

Những nguyên nhân thủy đậu ở trẻ sơ sinh bao gồm:

Do lây truyền từ mẹ: Nếu mẹ bị mắc thủy đậu khi mang thai, thai nhi khi sinh ra sẽ mang mầm bệnh trong cơ thể. Khi có điều kiện thuận lợi, bệnh sẽ phát triển. Đặc biệt với những mẹ bầu thị thủy đậu trong ba tháng đầu thai kỳ, thai nhi có nguy cơ cao gặp các bất thường về sức khỏe như: dị dạng ở sọ, hội chứng đầu nhỏ, đa dị tật ở tim....

Do bị lây nhiễm: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có thể lây qua đường hô hấp và tiếp xúc da. Trường hợp mẹ bị thủy đậu cho con bú hoặc người thân bị thủy đậu rất dễ lây cho bé khi bế, tiếp xúc với trẻ. Do đó nếu mẹ hoặc người thân gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, cần ngay lập tức cách ly với trẻ, ngừng việc cho con bú để tránh lây nhiễm virus thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

thuy-dau-o-tre-so-sinh-1
Nếu mẹ hoặc người thân gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, cần ngay lập tức cách ly với trẻ, ngừng việc cho con bú để tránh lây nhiễm virus thủy đậu ở trẻ sơ sinh

3. Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh thủy đậu, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 - 3 tuần, trong thời gian này, trẻ có thể cảm thấy bình thường Virus thủy đậu trong cơ thể trẻ có thể lây truyền sang người khác trong khoảng một ngày trước khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh đến năm ngày sau khi xuất hiện nốt đỏ trên da.

Các triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh bao gồm: trẻ sốt cao, thân nhiệt từ 39 - 39.5 độ C, Phát ban đỏ, quấy khóc, khó chịu, ngứa toàn thân. Ban đầu, những nốt ban xuất hiện ở mặt, sau đó lan dần xuống bụng, tay chân rồi phát ra toàn cơ thể. Từ những nốt ban này sẽ hình thành mụn nước. Ước tính trẻ 3 tháng tuổi bị thủy đậu sẽ có số lượng mụn nước từ 250-500 cái.

Trước khi các triệu chứng bệnh thủy đậu bùng phát, mẹ nên lưu ý những dấu hiệu cảnh cáo như ho nhẹ, chảy nước mũi, bú ít, bỏ bú, thở khò khè. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện trước khi phát ban khoảng 2 - 3 ngày.

Mẹ có thể phân biệt nốt thủy đậu với các bệnh khác như nốt sởi, sốt phát ban qua các dấu hiệu nhận biết sau:

  • Các nốt ửng đỏ hình hạt đậu nhỏ, rất ngứa.
  • Nốt đỏ căng phồng lên như nốt bỏng, bên trong có dịch trắng màu đục.
  • Sau 2 - 3 ngày, các nốt đậu chuyển đóng vảy.
  • Khi các nốt đậu biến mắt để lại trên da những đốm nhỏ.

4. Cách điều trị thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Trường hợp trẻ dưới 3 tháng bị thủy đậu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Để giúp quá trình điều trị thủy đậu ở trẻ sơ sinh hiệu quả, mẹ có thể:

  • Giữ mát cho trẻ, đặc biệt ở những nốt bị thủy đậu.
  • Không để trẻ gãi khi cảm thấy ngứa. Cắt tỉa móng tay để trẻ tránh làm tổn thương da.
  • Duy trì việc tắm rửa, vệ sinh cho trẻ nhưng cần thực hiện một cách nhẹ nhàng để các nốt thủy đậu không bị vỡ.
  • Khi các nốt thủy đậu vỡ, có thể bôi thuốc xanh methylen để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tuy nhiên cần thực hiện bôi thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc tại nhà có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

5. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh

thuy-dau-o-tre-so-sinh-2
Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. cha mẹ có thể cho trẻ tiêm phòng vắc xin thủy đậu theo lịch tiêm chủng của cơ sở y tế

Để phòng ngừa thủy đậu ở trẻ sơ sinh, mẹ nên tiêm phòng vắc xin thủy đậu trước khi mang thai từ 3 - 6 tháng. Kháng thể trong virus từ mẹ có thể truyền sang thai nhi qua đường máu. Khi bé chào đời, kháng thể tiếp tục được truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ, sẽ giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ mắc bệnh thủy đậu trong năm đầu đời.

Mẹ đang cho con bú bị thủy đậu, cần tạm dừng cho con bú cho đến khi khỏi bệnh. Tách ly mẹ với con, không ôm ấp, nằm cạnh con. Người thân mắc thủy đậu cần hạn chế tiếp xúc với trẻ để tránh lây truyền bệnh.

Trường hợp phụ nữ mang thai chưa tiêm phòng thủy đậu, cần bảo vệ mình trước nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ.

Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. cha mẹ có thể cho trẻ tiêm phòng vắc xin thủy đậu theo lịch tiêm chủng của cơ sở y tế.

Bệnh thủy đậu là bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại biến chứng nếu như không được thăm khám và chăm sóc tốt. Vì thế khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu thì các bậc cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

104.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan