Trẻ bị bí tiểu, phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bí tiểu phản ánh tình trạng đi tiểu khó khăn, buồn tiểu nhưng không thể tiểu được. Hiện tượng bí tiểu này là một bệnh lý có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Trẻ em là đối tượng dễ bị bí tiểu nhất, trẻ rơi vào tình trạng này thường bứt rứt, khó chịu, quấy khóc khiến người nhà vô cùng lo lắng, bất an. Vậy khi trẻ bị bí tiểu phải làm sao?

1. Bí tiểu là gì?

Thông thường khi bàng quang của trẻ chứa đựng một lượng nước tiểu khoảng 60-300ml (thay đổi tùy theo độ tuổi) sẽ kích thích tạo tín hiệu gây buồn tiểu và đi tiểu. Bí tiểu được xác định khi trẻ có dấu hiệu buồn tiểu mà không thể đi tiểu được và tình trạng này kéo dài trên 12 giờ đồng hồ. Tuy bí tiểu cấp không hay thường gặp ở trẻ em, nhưng lại là một tình trạng cần phải được xử lý cấp cứu kịp thời.

bí tiểu ở trẻ
Trẻ em là đối tượng dễ bị bí tiểu

2. Biểu hiện trẻ bị bí tiểu

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị bí tiểu là:

  • Trẻ bứt rứt, khó chịu;
  • Trẻ đau bụng vùng dưới rốn;
  • Bụng dưới rốn đau, căng tức, sờ được một khối tròn;
  • Trẻ cho biết có cảm giác buồn tiểu;
  • Lượng nước tiểu ít, vài giọt;
  • Tia nước tiểu yếu.
trẻ bí tiểu
Một số biểu hiện bí tiểu ở trẻ là bứt rứt, khó chịu; đau bụng dưới rốn; tiểu ít;...

3. Nguyên nhân gây bí tiểu ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng bí tiểu. Đối với trẻ em, nguyên nhân gây bí tiểu cho trẻ là:

  • Các rối loạn thần kinh là nguyên nhân thường hay gặp nhất và có thể làm bí tiểu tái phát nhiều lần. Chấn thương vùng thắt lưng, viêm tủy sống, viêm não, phẫu thuật vùng cùng cụt... gây ra tình trạng rối loạn dây thần kinh bàng quang;
  • Táo bón cũng có thể là nguyên nhân gây ra bí tiểu ở trẻ: không đi cầu được lâu ngày làm phân ở đường ruột ứ đọng quá nhiều, gây chèn ép đường tiểu ở trẻ;
  • Trẻ bị viêm mô tế bào;
  • Bé trai bị hẹp bao quy đầu;
  • Bé gái bị dị tật dính môi lớn;
  • Trẻ bị các dị tật bẩm sinh như hẹp van niệu đạo sau, polyp,...
  • Sau khi phẫu thuật;
  • Trẻ bị sỏi ở bàng quang;
  • Tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng, sưng nên chèn ép niệu đạo;
  • Trẻ dùng các thuốc có tác dụng phụ làm bí tiểu như các thuốc kháng Histamin, thuốc chống trầm cảm,...

4. Trẻ bị bí tiểu phải làm sao?

Có nhiều phương pháp để chữa bí tiểu cho trẻ:

  • Chăm sóc tại nhà: Nếu bố mẹ không tìm thấy được nguyên nhân gây bí tiểu cho trẻ như đã kể trên thì có thể theo dõi và chăm sóc cho trẻ tại nhà bằng các cách sau:
    • Để trẻ ngồi trong bồn nước ấm: Nước ấm sẽ giúp các cơ sàn chậu thư giãn, giúp niệu đạo dễ thoát nước hơn;
    • Dùng khăn ấm, chườm vào vùng bụng dưới rốn của trẻ;
    • Cho trẻ vào nhà vệ sinh, mở vòi nước để tạo hiệu ứng thị giác, tâm lý ở trẻ. Sau đó xi tè cho trẻ để kích thích trẻ tiểu tiện;
    • Khuyến khích trẻ đi bộ nhẹ quanh nhà để việc tiểu tiện được dễ dàng hơn;
    • Nếu đã thử những cách trên mà trẻ vẫn không đi tiểu được thì bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ thông tiểu cho trẻ cũng như chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân gây bí tiểu ở trẻ.
  • Đặt ống thông bàng quang: Là thủ thuật giải phóng nước tiểu ra ngoài cơ thể bằng ống thông tiểu hay còn gọi là ống thông bàng quang.
  • Dùng thuốc: Dùng các thuốc lợi tiểu sẽ giúp trẻ đi tiểu dễ dàng hơn. Bên cạnh việc uống thuốc, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà như:
    • Cho trẻ uống nước đầy đủ;
    • Khuyến khích trẻ đi bộ nhiều hơn để hoạt động bài tiết trở nên dễ dàng hơn;
    • Cho trẻ ăn nhiều rau củ trái cây tươi, giúp cung cấp chất xơ, hạn chế tình trạng táo bón;
    • Cho trẻ đi tiểu ngay khi trẻ có nhu cầu buồn tiểu.

5. Phòng ngừa bí tiểu cho trẻ

Trong trường hợp trẻ không có cảm giác buồn tiểu, trong ngày không thể đi tiểu được, bố mẹ cần phải theo dõi kỹ các triệu chứng của trẻ. Nếu trẻ vẫn vui vẻ, không bị đau bụng hay khó chịu, căng tức vùng bụng dưới rốn, rất có thể trẻ chỉ bị thiếu nước, không uống đủ nước trong ngày nên bàng quang không có nước tiểu. Cách giải quyết trong trường hợp này đó là cho trẻ uống nước đầy đủ và ăn nhiều rau xanh. Nếu trẻ đi tiểu trở lại như bình thường, thì trẻ vẫn khỏe mạnh.

Nếu trẻ không đi tiểu trong thời gian dài, bụng dưới cũng không có khối u căng tức, nhưng chân tay trẻ bị phù, đau đầu, trẻ bứt rứt khó chịu... rất có thể trẻ đang bị suy thận. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện, gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Bí tiểu ở trẻ sơ sinh là hiện tượng trẻ buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu hoặc lượng nước tiểu bài tiết quá ít. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bí tiểu ở trẻ, do đó cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám, xác định nguyên nhân gây bí tiểu để được xử lý cấp cứu kịp thời, bí tiểu càng kéo dài sẽ càng gây ảnh hưởng đến hệ tiết niệu.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong rất ít bệnh viện tại Việt Nam có các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Nhi ngay tại khoa Nhi giúp bé được điều trị chuyên sâu ngay từ đầu, mang lại hiệu quả tốt hơn và rút ngắn thời gian điều trị. Các bác sĩ đều có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu về Nhi khoa. Hệ thống trang thiết bị siêu âm hiện đại, đa chức năng giúp cho việc chẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

102.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan