Tìm hiểu về rối loạn tiểu tiện

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bất kỳ các sự thay đổi nào trong quá trình đi tiểu, như tiểu nhiều lần trong ngày, cảm giác buồn tiểu gấp, khó nhịn tiểu, tiểu khó, phải rặn tiểu, rỉ tiểu, tiểu không hết bãi... đều là các bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị.

1. Thế nào là rối loạn tiểu tiện?

Bàng quang là một túi chứa nước tiểu từ thận. Bình thường bàng quang có thể chứa 400-600ml nước tiểu. Người lớn sẽ tiểu từ 1 - 2 lít nước tiểu/ngày, phụ thuộc vào lượng nước uống vào và các hoạt động thể chất khác như luyện tập, mất mồ hôi, thời tiết nóng hay lạnh... Số lần đi tiểu khoảng 4 - 6 lần khi có cảm giác buồn tiểu, tiểu thành dòng, dễ dàng và có cảm giác tiểu hết bãi. Ngoài ra chúng ta có thể nhịn tiểu nếu ngoại cảnh chưa phù hợp. Đó là do sự phối hợp nhịp nhàng của bàng quang, cơ thắt niệu đạo, cơ sàn chậu do sự toàn vẹn của hệ thống thần kinh cơ.

Những thay đổi trong quá trình đi tiểu, như tiểu nhiều lần trong ngày (hơn 7 lần/ngày vào ban ngày và hơn 1 lần/ngày vào ban đêm, cảm giác tiểu không tự chủ, khó nhịn tiểu, tiểu khó, phải rặn tiểu, rỉ tiểu, tiểu không hết bãi... đều là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị.

2. Các triệu chứng thường gặp của rối loạn tiểu tiện

  • Các triệu chứng liên quan đến lưu trữ nước tiểu (giai đoạn đổ đầy): Tiểu gấp; Rỉ tiểu; Tiểu đêm; Tiểu nhiều lần; Đau bàng quang.
  • Triệu chứng khi đi tiểu (giai đoạn tống xuất): Tiểu ngập ngừng; Dòng tiểu yếu; Tiểu ngắt quãng; Rặn tiểu; Tiểu khó; Tiểu lâu.
  • Triệu chứng sau khi đi tiểu: Cảm giác tiểu không hết bãi; Tiểu nhỏ giọt sau khi đi tiểu.

2.1 Triệu chứng giai đoạn đổ đầy

Tiểu nhiều lần

  • Thể tích đi tiểu bình thường: Uống vào/thải ra quá mức, do sử dụng thuốc, giảm hormon chống bài niệu ADH.
  • Thể tích đi tiểu giảm: Dung tích bàng quang bình thường: Do bàng quang tăng hoạt, bàng quang tăng cảm giác, tiểu không hết bãi; Dung tích bàng quang giảm: do viêm bàng quang kẽ hoặc sau chiếu xạ

Tiểu đêm

  • Thể tích đi tiểu bình thường: Uống quá nhiều, tiểu nhiều do chứng tăng đào thải về đêm (do phù, suy tim xung huyết, giảm hormone chống bài niệu ADH, tăng tiết ANP từ nhĩ phải)
  • Thể tích đi tiểu giảm: Dung tích bàng quang bình thường: Bàng quang tăng hoạt, bàng quang tăng cảm giác, tiểu không hết bãi; Dung tích bàng quang giảm: Viêm bàng quang kẽ, sau chiếu xạ.
Tiểu đêm ở nam giới
Tiểu đêm, tiểu nhiều lần có thể là dấu hiệu của rối loạn tiểu tiện

Các loại rỉ tiểu

  • Rỉ tiểu gấp: Rỉ tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu do cơ thành bàng quang tăng hoạt động
  • Rỉ tiểu khi cười (giggle incontinience): Do cơ thành bàng quang tăng hoạt động, Cơ thắt niệu đạo yếu
  • Rỉ tiểu phản xạ: Rỉ tiểu thứ phát do cơ thành bàng quang co bóp ở các bệnh nhân bị tổn thương tủy sống
  • Tiểu dầm: Cơ thành bàng quang tăng hoạt động, dung tích bàng quang giảm, giảm tiết ADH
  • Rỉ tiểu gắng sức: Rỉ tiểu trong các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng khi ho, hắt hơi, bê vác nặng, cúi gập người...do cơ thắt bàng quang yếu
  • Rỉ tiểu liên tục: Rỉ tiểu liên tục hiếm, bệnh có thể do rò bàng quang, niệu quản lạc chỗ
  • Các loại rỉ tiểu khác như rỉ tiểu khi quan hệ tình dục, do cơ thành bàng bang tăng hoạt động, cơ thắt niệu đạo yếu hay giãn ...

Đau bàng quang

  • Nguyên nhân: Do viêm bàng quang cấp, viêm bàng quang kẽ, ung thư bàng quang, sỏi bàng quang

2.2 Triệu chứng giai đoạn tống xuất

Tiểu ngập ngừng

Bệnh nhân muốn đi tiểu nhưng phải chờ một khoảng thời gian thì mới tiểu được

Nguyên nhân là do các yếu tố ở niệu đạo: Cấu trúc niệu quản bị bất thường do bẩm sinh hoặc tắc nghẽn niệu quản do phì đại tuyến tiền liệt, khối u xung quanh niệu đạo, cơ thắt niệu đạo không giãn hoàn toàn khi đi tiểu; thành bàng quang hoạt động yếu

Các vấn đề về dòng tiểu

  • Dòng tiểu yếu: Do cơ thành bàng quang hoạt động yếu, hoặc do cấu trúc niệu quản, bất thường do bẩm sinh hoặc tắc nghẽn đường tiểu ra do phì đại tuyến tiền liệt, khối u xung quanh niệu đạo, cơ thắt niệu đạo không giãn hoàn toàn khi đi tiểu
  • Tiểu ngắt quãng: Dòng tiểu không liên tục khi đi tiểu
  • Do hoạt động bất thường của cơ thắt niệu đạo hoặc bất thường cơ sàn chậu
  • Do cơ thành bàng quang giảm hoạt động với các cơn co bóp bất thường

2.3 Triệu chứng sau khi đi tiểu

Tiểu nhỏ giọt sau đi tiểu

  • Có thể dẫn đến tiểu lâu, hoặc có thể làm rỉ tiểu sau khi đã mặc lại quần.
  • Do hoạt động bất thường của cơ thắt niệu đạo hoặc bất thường cơ sàn chậu, tắc nghẽn đường tiểu ra
  • Do cơ thành bàng quang giảm hoạt động với các cơn co bóp bất thường

Cảm giác tiểu không hết bãi

  • Do cơ thành bàng quang hoạt động kém, bất đồng vận bàng quang – cơ thắt, tắc nghẽn đường tiểu ra dẫn đến đi tiểu không hết bãi

3. Chẩn đoán rối loạn tiểu tiện

Khám bệnh
Để chẩn đoán rối loạn tiểu tiện bác sĩ cần dựa vào nhiều yếu tố và kỹ thuật

Để chẩn đoán rối loạn tiểu tiện bác sĩ hỏi tiền sử - bệnh sử, nhật ký đi tiểu của người bệnh, sau đó thăm khám lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng khác như: Siêu âm ổ bụng; Xét nghiệm nước tiểu; Đo niệu động học; Đo niệu dòng đồ...

Niệu động học: Là một phương pháp rất quan trọng trong việc chẩn đoán bất thường của bàng quang, cơ thắt bàng quang. Khi thực hiện, bạn sẽ được đặt 1 catheter có đầu cảm biến vào bàng quang và trực tràng để đo áp lực của bàng quang, ổ bụng và xác định hoạt động của bàng quang ở giai đoạn đổ đầy (giai đoạn tích trữ nước tiểu).

Niệu dòng đồ: Là phương pháp giúp xác định chính xác hoạt động đi tiểu hàng ngày . Khi đánh giá, người bệnh sẽ được đi tiểu vào hệ thống bồn tiểu kết nối trực tiếp với máy giúp xác định được bất thường dòng tiểu, thể tích đi tiểu của bạn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có hệ thống máy móc hiện đại nhất: Máy đo niệu động học khí giúp kỹ thuật đo niệu động học được chính xác. Catheter đo niệu động học chỉ sử dụng 1 lần, không tái sử dụng, hạn chế được nhiễm khuẩn tiết niệu sau khi đo niệu.

Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, kết quả đo niệu động học và niệu dòng đồ chính xác, phục vụ tối đa cho chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thêm các phương pháp khác hỗ trợ chẩn đoán như siêu âm ổ bụng tiết niệu, MRI tiểu khung, X- quang bàng quang niệu quản ngược dòng...bởi các hệ thống thiết bị hiện đại. Từ đó, có thể đưa chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh lý, nguyên nhân và đề ra phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan