Những nguyên nhân thường gặp gây đánh trống ngực

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Nhiều người thường cho rằng đánh trống ngực chỉ là những dấu hiệu thông thường khi cơ thể mệt mỏi hoặc làm việc quá sức. Tuy nhiên, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý điển hình với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Vì thế, nếu tính trạng đánh trống ngực xuất hiện thường xuyên, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị thích hợp.

1. Cảm giác như thế nào là đánh trống ngực?

Đôi khi bạn cảm giác tim của bạn đập thình thịch, rung rinh hoặc cảm giác bỏ nhịp khác với bình thường thì có thể đây là hiện tượng đánh trống ngực. Khi xuất hiện cảm giác này có thể bạn sẽ thấy lo lắng, sợ hãi, tuy nhiên hầu hết đều không nghiêm trọng và hiếm khi cần điều trị. Theo đó, việc biết được nguyên nhân gây nên đánh trống ngực giúp bạn không hoảng sợ khi nó xảy ra và bạn biết khi nào cần đến gặp bác sĩ. Một số nguyên nhân thường gặp gây đánh trống ngực như sau:

1.1. Căng thẳng và lo lắng

Cảm xúc mãnh liệt có thể kích hoạt việc tiết ra các hormone làm tăng tốc độ nhịp tim. Khi bạn cảm giác sợ hãi, khi gặp nguy hiểm, cảm giác bị đe dọa có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh, vã mồ hôi hay ớn lạnh, đôi khi có cảm giác khó thở, hụt hơi thậm chí đau ngực.

Đôi khi một cơn hoảng sợ có triệu chứng như cơn đau thắt ngực. Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng của bản thân thì nên đến khám bác sĩ ngay

1.2. Tập luyện

Tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe. Khi bạn tập luyện như đạp xe đạp, chạy bộ hay chơi thể thao sẽ làm tim đập nhanh hơn, giúp bơm máu nhiều hơn để cung cấp năng lượng cho cơ bắp trong quá trình tập luyện. Nếu bạn cảm giác tim đập thình thịch có thể là do bạn đã lâu không tập luyện và cơ thể bạn đang trong tình trạng không hoàn toàn khỏe mạnh. Nhịp tim không đều hoặc rối loạn nhịp tim cũng có thể gây ra cảm giác đánh trống ngực khi bạn tập thể dục.

Tập thể dục giúp tạo ra sự khác biệt lớn trong vấn đề tình dục
Tập luyện sẽ giúp nâng cao sức khỏe và bơm máu nhiều hơn cho cơ bắp

1.3. Cafeine

Bạn có cảm giác tim đập nhanh hơn sau khi uống một cốc cà phê buổi sáng? Caffeine là một chất kích thích làm tăng nhịp tim của bạn cho dù bạn nhận được nó từ cà phê, trà, sô cô la, nước tăng lực hay từ một nguồn nào khác. Một nghiên cứu cho thấy cafeine từ trà, cà phê hay sô cô la không có khả năng gây ra đánh trống ngực ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn nó có thể kích hoạt rối loạn nhịp tim ở những người có tiền sử rối loạn nhịp tim hay không.

Caffeine
Cafeine được cho là nguyên nhân gây đánh trống ngực

1.4. Nicotine

Nicotine và các chất gây nghiện trong thuốc lá, cũng như các sản phẩm thuốc lá khác làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim của bạn. Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho trái tim của mình, mặc dù bỏ thuốc lá không làm giảm nhịp tim ngay lập tức mà sẽ giảm dần theo thời gian.

Đánh trống ngực cũng có thể là một triệu chứng của việc cai nicotine, tuy nhiên sau 3-4 tuần bỏ thuốc lá nhịp tim của bạn sẽ trở lại bình thường.

Nicotine
Nicotine có trong thuốc lá có thể gây ra các bệnh lý về tim mạch

1.5. Thay đổi hormone

Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể cảm nhận thấy nhịp tim nhanh hơn. Nguyên nhân là do thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ. Việc tăng nhịp tim trong trường hợp này thường là tạm thời và không cần lo lắng.

Nếu bạn đang mang thai, đánh trống ngực cũng có thể xảy ra trong trường hợp bạn có thiếu máu, khi đó bạn không đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể nên chúng tự bù trừ bằng cách tăng nhịp tim lên.

Gây mê cho bà bầu
Thay đổi hormone thường xảy ra do quá trình mang thai hoặc kinh nguyệt

1.6. Sốt

Khi bạn bị sốt cơ thể sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn, do đó nhịp tim sẽ tăng lên. Thông thường nhiệt độ cơ thể > 380C mới có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, mức tăng thường là 10 nhịp/1 độ C tăng lên.

1.7. Một số loại thuốc

Một số loại thuốc bạn đang sử dụng (bao gồm cả thuốc cần kê đơn và thuốc không cần kê đơn) có thể gây ra nhịp tim nhanh như là một tác dụng phụ của thuốc như:

  • Một vài loại kháng sinh
  • Thuốc trị nấm
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc điều trị hen
  • Thuốc ho và cảm lạnh
  • Một vài thuốc điều trị huyết áp
  • Thuốc tuyến giáp

Nếu bạn đang điều trị một hoặc nhiều loại thuốc trên hãy hỏi bác sĩ để biết được có thuốc nào có ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn không. Tuy nhiên, đừng bỏ bất kỳ liều thuốc nào trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.

1.8. Đường máu thấp

Bạn có bao giờ nhận thấy khi đói bạn cảm thấy đánh trống ngực? Thực tế, khi lượng đường trong máu của bạn giảm xuống, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố như Adrenaline để đề phòng cho tình trạng khẩn cấp. Chính Adrenalin là nguyên nhân gây ra tăng nhịp tim.

1.9 Tuyến giáp hoạt động quá mức

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ, nó tạo ra các nội tiết tố tham gia vào sự trao đổi chất và nhiều vấn đề khác. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức (gọi là cường giáp) sẽ tiết ra nhiều hormone tuyến giáp (T3,T4, FT3,FT4) tác dụng lên tim làm chúng đập nhanh hơn đến mức bạn có cảm giác đánh trống ngực. Ngoài ra, nếu bạn bị suy giáp phải điều trị hormon giáp bổ sung cũng có thể làm nhịp tim tăng lên.

Tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức là một nguyên nhân gây bệnh đánh trống ngực

1.10. Các vấn đề rối loạn nhịp tim

Đôi khi nhịp tim bất thường hay còn gọi là rối loạn nhịp tim có thể gây ra triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực. Cụ thể:

  • Rung nhĩ: tình trạng này xảy ra khi những nhóm cơ các buồng tim phía trên (còn gọi là tâm nhĩ) rung lên thay vì co bóp bình thường.
  • Nhịp tim nhanh trên thất: là một dạng rối loạn nhịp tim nhanh bất thường bắt nguồn từ các tâm nhĩ.
  • Nhịp nhanh thất: là rối loạn nhịp tim nhanh do các tín hiệu xuất hiện bất thường từ các buồng phía dưới của quả tim gọi là tâm thất.
  • Ngoại tâm thu thất: còn gọi là cơn co thắt tâm thất sớm (Premature ventricular contractions – PVCs) là những nhịp tim phụ. Chúng xảy ra khi tâm thất của tim co bóp quá sớm. Nhịp đập này sẽ át nhịp tim bình thường, nếu tần suất nhiều bạn sẽ có cảm giác tim đập mạnh hoặc đập loạn xạ trong lồng ngực.

Nếu bạn có một trái tim khỏe, ngoại tâm thu thất thường không có gì đáng lo ngại, tuy nhiên có thể cần điều trị nếu bạn có mắc bệnh tim như: suy tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim hoặc thường xuyên cảm giác tim đập mạnh, loạn xạ.

Nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có gây đánh trống ngực

1.11. Rượu

Nếu bạn uống nhiều hoặc thậm chí chỉ uống nhiều rượu hơn bình thường thì bạn có thể cảm thấy tim mình đập nhanh hơn hoặc cảm giác hồi hộp, trống ngực. Triệu chứng này thường xảy ra vào các ngày lễ hoặc cuối tuần khi hầu hết mọi người đều uống nhiều hơn khiến nó còn được gọi là “ hội chứng tim ngày lễ - holiday heart syndrome”. Đối với một vài người, triệu chứng có thể xảy ra ngay cả khi bạn chỉ uống rất ít rượu

Rượu
Rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh đánh trống ngực

1.12. Cocaine và các thuốc gây nghiện khác

Các loại ma túy bất hợp pháp như amphetamine, cocaine, thuốc lắc... rất nguy hiểm cho tim mạch. Cụ thể:

  • Cocaine làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và tổn thương cơ tim.
  • Amphetamine kích thích hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim.
  • Thuốc lắc kích hoạt cơ thể giải phóng một chất hóa học gọi là Nor adrenaline, chất này khiến tim bạn đập nhanh hơn.

2. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn khỏe mạnh, bạn có thể không cần lo lắng về triệu chứng đánh trống ngực thỉnh thoảng xảy ra và chỉ kéo dài vài giây. Nhưng bạn nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng đánh trống ngực thường xuyên hơn và xuất hiện kèm theo triệu chứng sau:

  • Đau thắt ngực hoặc cảm giác đè nặng ở ngực.
  • Khó thở, hụt hơi.
  • Chóng mặt.
  • Ngất xỉu.

3. Bác sĩ cần làm gì để tìm nguyên nhân đánh trống ngực?

Những thăm dò sau giúp bác sĩ tìm nguyên nhân tình trạng đánh trống ngực của bạn:

  • Điện tâm đồ (ECG): thăm dò này giúp tìm kiếm các tín hiệu điện bất thường gây nên rối loạn nhịp tim của bạn.
  • Holter ECG 24 giờ: bạn đeo máy ghi điện tâm đồ di động trong vòng 24 giờ thậm chí có thể lên đến 72 giờ mỗi lần. Thiết bị này giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim bất kỳ thời điểm nào trong thời gian bạn đang đeo máy kể cả khi bạn không cảm nhận thấy bất kỳ triệu chứng gì hay khi bạn đang ngủ.
  • Siêu âm tim: siêu âm tim giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc của tim hay van tim có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim của bạn.

Ngoài ra bác sĩ có thể sẽ làm thêm một số xét nghiệm máu như điện giải đồ, hormone tuyến giáp... để tìm nguyên nhân rối loạn nhịp tim.

ECG điện tim điện tâm đồ
Điện tâm đồ giúp tìm nguyên nhân gây bất thường nhịp tim

Có rất nhiều nguyên nhân gây đánh trống ngực, nếu cảm giác đánh trống ngực chỉ xuất hiện thoáng qua thì bạn không cần quá lo lắng nhưng ngược lại nếu xuất hiện với tần suất liên tục khiến người bệnh khó thở, đau tức ngực thì có thể đây là dấu hiệu của bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Lúc này việc tìm ra nguyên nhân gây đánh trống ngực và thực hiện sàng lọc bệnh lý tim mạch mà vô cùng cần thiết.

Bệnh tim mạch thường diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề. Khám sàng lọc tim mạch giúp phát hiện, chữa trị kịp thời trước khi quá muộn. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Sàng lọc tim mạch - Khám cơ bản tim mạch, giúp khách hàng có thể phát hiện các bệnh tim mạch ngay cả khi chưa có triệu chứng, từ đó có phương pháp điều trị sớm để mang lại kết quả tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

70.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan