Nhồi máu cơ tim có thể tái phát?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, nhồi máu cơ tim có thể tái phát. Do đó, bạn cần hết sức lưu ý để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc sau này.

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường xảy ra khi một vùng cơ tim bị tổn thương, hoại tử do các động mạch vành bị tắc nghẽn làm ngưng đột ngột sự cung cấp máu đến nuôi cơ tim. Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim cấp hiện nay là điều trị can thiệp động mạch vành (với hút huyết khối, nong bóng, đặt stent); tiêu sợi huyết hoặc mổ mở cấp cứu và điều trị nội khoa. Tuy nhiên, sau những nỗ lực cứu sống này, người bệnh cần tuân thủ một chế độ điều trị nghiêm ngặt để phòng ngừa nhồi máu cơ tim có thể tái phát.

2. Nhồi máu cơ tim tái phát là gì?

Nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể tái phát nếu người bệnh không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Để hạn chế nhồi máu cơ tim có thể tái phát, sau khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ để ngăn ngừa các biến cố có thể xảy ra.

Đối với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, việc dùng thuốc là bắt buộc. Bên cạnh đó, các mạch máu và mô tim phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện.

Sốc tim trong nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể tái phát nếu người bệnh không được điều trị và chăm sóc đúng cách

3. Biến chứng nhồi máu cơ tim

Biến chứng nhồi máu cơ tim được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau:

Rối loạn nhịp tim: Đây là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể nhanh, chậm so với tốc độ trung bình nhưng nặng nhất là rung thất rồi đến nhịp nhanh thất.

Các bloc nhĩ thất: Biến chứng này thường gặp ở nhồi máu cơ tim sau - dưới, được chia thành 3 mức độ khác nhau với độ 3 là bloc tim hoàn toàn, nhịp tim rất chậm kiểu nhịp thoát thất, có thể xảy ra rất đột ngột, tỷ lệ tử vong cao.

Các biến chứng suy bơm: Biến chứng quan trọng của nhồi máu cơ tim (nhất là khi khối hoại tử càng lớn) là suy thất trái, suy tâm thu và cả suy tâm trương (loạn chức năng tâm trương với “thất cứng” tức là giảm giãn năng - compliance). Mức nặng nhất của suy bơm là “sốc do tim”. Sốc là giảm tưới máu mô, mà biểu hiện không chỉ là trụy mạch (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg), mà còn có thiểu niệu, vô niệu, rối loạn ý thức, đầu chi nhợt, lạnh ẩm, toan huyết (có khi biểu hiện bằng thở chu kỳ).

Các biến chứng cơ học: Thường xảy ra trong tuần lễ đầu với các nguy cơ vỡ thành tự do thất trái; vỡ (thủng, rách) vách liên thất tạo ra một “thông liên thất mắc phải cấp” làm xuất hiện một âm thổi tâm thu mới; đứt rách cơ nhú như đứt rời hoặc chỉ rách hoặc chỉ rối loạn chức năng cơ nhú ở cột cơ của một trong hai lá van, tạo nên sa van, sinh ra hở hai lá cấp, với triệu chứng phụt ngược rất rõ, xuất hiện một âm thổi tâm thu mới.

Các biến chứng huyết khối, thuyên tắc: Biến chứng nhồi máu cơ tim này gây nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim khiến hoại tử lan rộng hoặc thêm hoại tử cơ tim mới thuyên tắc đại tuần hoàn. Thuyên tắc đại tuần hoàn thường xuất hiện sau 1-3 tuần, cục huyết khối xuất phát từ mặt trong thành thất trái, di chuyển theo dòng máu tới não, mạc treo, các chi, hiếm khi chui vào mạch vành. Thuyên tắc động mạch phổi, nếu người bị nhồi máu cơ tim đã nằm bất động quá dài hay lạm dụng thuốc lợi tiểu khiến máu cô đặc hơn thì biến chứng càng dễ xảy ra.

Các biến chứng sớm khác: Viêm màng ngoài tim cấp, xảy ra ngay sau mấy ngày đầu với biểu hiện đau dữ dội ngay phía sau xương ức lan ra sau lưng. Trong các biến chứng này thì đột tử là nặng nề nhất.

Viêm mủ ngoài màng tim
Viêm màng ngoài tim cấp là biến chứng có thể gặp khi mắc nhồi máu cơ tim tái phát

Các biến chứng muộn của nhồi máu cơ tim: Hội chứng Dressler xảy ra muộn (ở tuần thứ 3 - 10) vì hiện tượng tự miễn nhưng biến chứng này ít hẳn đi ở thời đại nong mạch vành và tiêu sợi huyết. Sốt, đau ngực khi hít vào sâu. Tăng bạch cầu, tăng tốc độ máu lắng và tăng hiệu giá “kháng thể kháng cơ tim”, đoạn ST chênh lên kiểu đồng vận nhiều chuyển đạo. Rất hiếm khi biến chứng về sau thành viêm màng ngoài tim co thắt, phình thất, đau thắt ngực sau nhồi máu cơ tim chiếm tới 20 - 30% bệnh nhân. Nhồi máu cơ tim tái phát chiếm 5 - 20% bệnh nhân suy tim nhưng lý do cụ thể rất khác nhau, cần xem xét để điều trị. Đột tử vẫn có thể xảy ra ở thời kỳ muộn này do rung thất, nhịp nhanh thất. Viêm quanh khớp vai sau nhồi máu cơ tim với biểu hiện đau, cứng, thay đổi vận mạch da.

4. Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?

Nhồi máu cơ tim là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu may mắn sống sót, người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị tái phát nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột tử.

Nhồi máu cơ tim có thể tái phát sau điều trị, do đó bạn cần tham vấn các ý kiến từ chuyên gia để thiết lập một chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập hợp lý để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan