Người bị cao huyết áp có nên tập gym?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tập thể dục là “liều thuốc tốt” để kiểm soát huyết áp, nếu tập thể dục thường xuyên huyết áp sẽ dần trở về bình thường và giúp cơ thể khỏe mạnh. Tập gym là hình thức tập thể dục, vậy người bị cao huyết áp có nên tập gym?

1. Hình thức tập gym

Tập gym là một hình thức tập thể dục được thực hiện trong một phòng tập với đầy đủ trang thiết bị, hình thức tập phong phú và có nhiều người tham gia tập luyện. Thậm chí, nhiều phòng tập gym còn hoạt động như một lớp học khi bạn được hướng dẫn mọi thứ từ một huấn luyện viên thể hình. Bạn có thể lựa chọn rất nhiều hình thức tập luyện tại đây như: đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp, nâng tạ, gập bụng...

tai-tao-co-giam-mo-va-tang-co-bap-cung-mot-luc
Tập gym giúp thay đổi vóc dáng ngày càng đẹp hơn.

2. Tập gym và cao huyết áp

Cao huyết áp (còn gọi là tăng huyết áp) là tình trạng huyết áp cao hơn bình thường (Huyết áp bình thường nằm trong khoảng 120/80mmHg). Chẩn đoán bị cao huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.

Nhiều bằng chứng cho thấy tập thể dục hay tập gym là một phương pháp tốt để giảm và kiểm soát huyết áp.

2.1. Cao huyết áp có nên tập gym?

Người có nguy cơ hoặc bị cao huyết áp thường được khuyến khích thường xuyên rèn luyện thân thể. Tập gym hay tập thể dục trở thành một thói quen sẽ giúp giảm huyết áp, cũng như duy trì sự ổn định của huyết áp. Bên cạnh đó, tập gym cũng giúp cho cơ thể tăng sức đề kháng và sự dẻo dai, đồng thời cũng là một cách tốt để giảm bớt căng thẳng và giúp tinh thần tốt hơn. Nhưng người bệnh cũng cần tham khảo những góp ý của bác sĩ để việc tập gym hiệu quả hơn.

Tuy rằng là môn thể thao được khuyến khích vời người bệnh tăng huyết áp nhưng tập gym không có nghĩa là phải bỏ thuốc điều trị huyết áp, bạn vẫn cần duy trì theo đúng sự chỉ định của các bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý, hạ huyết áp bằng cách tập thể dục cần có thời gian và cần phải duy trì bền vững thành thói quen.

Gym
Bệnh nhân cao huyết áp được khuyến khích tập gym

2.2. Bài tập cho người cao huyết áp?

Có 3 bài tập cơ bản dành cho người mắc bệnh cao huyết áp như sau:

  • Những bài tập thể dục cho tim mạch hoặc aerobic có thể giúp giảm huyết áp và làm cho trái tim khỏe mạnh hơn. Ví dụ như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, đạp xe, trượt băng, chèo thuyền, thể dục nhịp điệu cao hoặc thấp, bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước.
  • Những bài tập cho cơ bắp giúp bạn đốt cháy nhiều năng lượng hơn. Đồng thời, nó cũng tốt cho khớp và xương của cơ thể.
  • Những bài tập duỗi thẳng hoặc kéo dài cơ thể làm cho tăng độ linh hoạt hơn, giúp di chuyển tốt hơn và giúp ngăn ngừa chấn thương.

2.3. Những lưu ý khi tập gym cho người cao huyết áp

Người mắc bệnh cao huyết áp nên có hoạt động vừa phải như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày một tuần. Nếu hạn chế thời gian cần bổ sung các hoạt động mạnh hơn như chạy bộ trong 20 phút/ngày, 3 đến 4 ngày một tuần.

Trước khi tập gym đầu tiên phải khởi động, khoảng từ 5 đến 10 phút giúp cơ thể thích nghi và giúp ngăn ngừa chấn thương. Cuối cùng, khi tập thể dục xong, không nên dừng lại đột ngột, cần thao tác từ từ, điều này đặc biệt quan trọng đối với người bị huyết áp cao.

Khi tập thể dục, hãy chú ý cảm giác cơ thể. Việc thở mạnh và đổ mồ hôi cũng là điều bình thường và tim cũng đập nhanh hơn, khi bạn tập thể dục nhịp điệu. Nhưng nếu cảm thấy rất khó thở, hoặc nếu bạn cảm thấy tim đập quá nhanh hoặc không đều, hãy chậm lại khi nghỉ ngơi.

Bạn cũng nên ngừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy đau ngực, mệt, chóng mặt, hoặc khó thở, đau ở cổ, cánh tay, hàm hoặc vai.

Bất cứ ai dùng thuốc điều trị tăng huyết áp muốn cố gắng kiểm soát huyết áp bằng cách tập thể dục nên cần có sự tư vấn của bác sĩ để thể lên kế hoạch tập luyện đúng cách và hiệu quả, đặc biệt là ở các đối tượng:

  • Đàn ông lớn hơn 45 tuổi hoặc một phụ nữ lớn hơn 55 tuổi.
  • Hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc trong sáu tháng qua.
  • Thừa cân béo phì.
  • bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi.
  • Cholesterol cao hoặc huyết áp cao.
  • Đau tim.
  • Có tiền sử gia đình về các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim trước 55 tuổi ở nam và 65 tuổi ở nữ.
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực, hàm, cổ hoặc cánh tay trong khi hoạt động.
  • Chóng mặt khi cố gắng vận động.
  • Có sức khỏe tốt hay không tập thể dục thường xuyên.
  • Đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Đau ngực dữ dội là một trong những triệu trứng bất thường sau phẫu thuật thay van tim
Bệnh nhân đau tim khi tập thể dục cần có sự tư vấn của bác sĩ

Ngừng tập thể dục và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trong khi tập thể dục, bao gồm:

  • Đau ngực, cổ, hàm hoặc đau cánh tay
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Khó thở nặng
  • Nhịp tim không đều

Tập thể dục, tập gym đều rất tốt cho sức khỏe và kiểm soát huyết áp hiệu quả. Tuy nhiên trong một số trường hợp người mắc bệnh cao huyết áp chỉ nên rèn luyện các môn thể thao vừa sức, khi có các triệu chứng bệnh nguy hiểm cần ngừng luyện tập và thực hiện theo đúng chỉ định, khuyến cáo và tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, nhs.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan