Mối liên quan giữa béo phì và bệnh tim mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh có hơn 6 năm làm việc (bắt đầu từ năm 2011) trong lĩnh vực Cấp cứu.

Béo phì luôn là một vấn đề nan giải đối với ngành Y học, căn bệnh mãn tính này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống tâm lý của người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của tim, bởi béo phì và tim mạch có mối quan hệ rất mật thiết.

1. Béo phì là gì?

Béo phì là một căn bệnh mãn tính, xảy ra do sự gia tăng quá mức chất béo trong cơ thể, làm thúc đẩy và gây rối loạn chức năng mô mỡ.

Hiện nay, tỷ lệ béo phì đang ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nó không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, gây ra sự tự ti cho người bệnh mà còn làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tiểu đường, cao huyết áp và đặc biệt là bệnh tim mạch.

Theo các nhà nghiên cứu cho biết, những người bị bệnh béo phì thường có chỉ số BMI ≥30 kg/m2(theo tổ chức y tế thế giới WHO) hoặc ≥ 25 kg/m2 (theo IDI và WPRO dành cho người châu Á, trong đó có Việt Nam). Thêm vào đó, những người ở độ tuổi từ 40-59 bị béo phì sẽ có khả năng mắc các bệnh về tim mạch cao hơn nhiều so với những người có số cân nặng ở mức bình thường.

2. Nguyên nhân nào dẫn tới béo phì?

Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới béo phì là đa yếu tố. Những nhân tố chủ yếu góp phần gây ra căn bệnh này bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Hơn 140 vùng nhiễm sắc thể di truyền liên quan đến béo phì đã được xác định. Các gen liên quan đến BMI và adiposity (chứng béo phì) nói chung được thể hiện cao trong hệ thống thần kinh trung ương. Ngoài ra, nguy cơ gia tăng về mặt di truyền đối với bệnh béo phì ở người trưởng thành cũng có thể được truyền sang các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, nguyên nhân này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 10%).
  • Lối sống sinh hoạt: Ít hoạt động thể chất do đặc thù của công việc hàng ngày hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh (thường xuyên ăn vặt, ăn nhiều đường, chất béo, tinh bột, ăn khuya,..) đều là những nguyên nhân chính gây ra béo phì.

Ngoài ra các nguyên nhân khác cũng dẫn đến béo phì như giấc ngủ bị gián đoạn, căng thẳng tinh thần, rối loạn chức năng thần kinh, nhiễm virus, vấn đề về tuổi tác, sử dụng thuốc.

tăng huyết áp nên tập thể dục
Ít vận động cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì

3. Mối liên quan giữa béo phì và tim mạch

Mắc bệnh béo phì không chỉ khiến người bệnh mất thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Thực tế bệnh béo phì và tim mạch có mối liên hệ rất mật thiết, chúng tương quan gây ra nhiều căn bệnh cho con người. Cụ thể như sau:

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Béo phì liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và bệnh tim mạch. Theo Harold Bays, MD, FACC cho biết , sự gia tăng quá mức các chất béo trong cơ thể làm mở rộng tâm nhĩ, tâm thấtxơ vữa động mạch, chúng góp phần trực tiếp gây ra bệnh tim mạch. Hơn nữa, việc tăng mỡ cơ thể một cách gián tiếp thông qua sự thúc đẩy chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh huyết khối, khởi phát hoặc làm xấu đi các bệnh về chuyển hóa là các yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh tim mạch, bao gồm rối loạn lipid máu, tiểu đường loại 2, huyết áp cao và hội chứng chuyển hóa.

Béo phì liên quan đến tình trạng viêm trong bệnh lý tim mạch

Béo phì thúc đẩy nguy cơ viêm hệ thống, và ngược lại tình trạng viêm có thể thúc đẩy quá trình tạo mỡ cho cơ thể. Tình trạng viêm hệ thống mãn tính, cùng với sự tích tụ của mô mỡ hạ vị thường được tìm thấy ở những người bị bệnh béo phì. Điều này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, trong đó các lipoprotein xấu LDL-C, thúc đẩy và hình thành nên các mảng bám. Khi các mảng bám trên thành mạch bị vỡ ra sẽ dẫn tới hình thành nên các cục huyết khối đưa tới các cơn đau tim, đột quỵ não, tắc động mạch mạc treo, tắc động mạch chi dưới,...

Ngoài ra, tình trạng viêm mãn tính và tích tụ mỡ ở vùng hạ vị có liên quan mật thiết với sự hiện diện, mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh động mạch vành. Các tế bào mỡ biểu mô bình thường có chức năng tương tự như các tế bào mỡ từ mô mỡ màu nâu, giúp đốt cháy axit béo và nuôi dưỡng các mô lân cận. Chúng tiết ra adiponectin, giúp giảm thiểu tình trạng viêm và xơ hóa trong các động mạch vành và cơ tim. Ngược lại, mỡ vùng hạ vị ở những người béo phì dễ bị phân giải, dẫn đến giải phóng axit béo và gây ra phản ứng viêm. Trong béo phì, sự tiết adiponectin từ mỡ vùng hạ vị bị giảm và các adipokine tiền viêm được giải phóng, thúc đẩy sự xâm nhập của các đại thực bào, làm phá hủy các hệ thống vi mạch và kích hoạt các con đường xơ hóa.

Béo phì làm suy giảm chức năng của tim

Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cho biết, những người bị béo phì thường có nguy cơ cao bị suy tim, đột quỵ hoặc mắc phải một số căn bệnh về tim mạch khác. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển rung nhĩ do béo phì, khiến tim bị loạn nhịp và dần dần hình thành nên các cục máu đông.

Béo phì khiến tim phải hoạt động nhiều hơn

Khi cơ thể bị béo phì sẽ khiến tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn và căng thẳng hơn. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn tới suy tim.

Béo phì thường tồn tại ở hai dạng:

  • Đối với nam giới: mỡ thừa thường tập trung ở bụng (gọi là bụng bia)
  • Đối với nữ giới: mỡ thừa thường được tích lũy nhiều ở vùng mông và đùi.

Các chuyên gia tim mạch thường khuyến cáo rằng: nam giới nên để vòng eo dưới 90% vòng mông, và nữ giới nên duy trì ở mức dưới 80%. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng béo phì của mình để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

4. Làm thế nào để kiểm soát béo phì?

Nếu không may mắc phải tình trạng thừa cân béo phì thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do béo phì gây ra, bạn nên thực hiện theo những phương pháp sau đây:

  • Giảm cân: Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong cuộc hành trình chống lại béo phì và các bệnh về tim mạch. Bạn sẽ cảm nhận được rõ những thay đổi của cơ thể khi giảm được ít nhất là 5kg. Huyết áp, mức đường huyết, cholesterol và các nhân tố gây viêm khác cũng bắt đầu giảm xuống. Điều quan trọng là bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ ăn kiêng hợp lý đã được bác sĩ hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt hoặc các loại thực phẩm từ cá, thịt, các loại đậu, quả óc chó, sữa ít béo,...Đặc biệt, người bệnh cũng nên hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm có chứa lượng đường cao hoặc các món chiên rán, đã qua chế biến.
  • Hạn chế uống bia, rượu: Rượu bia đều là những chất kích thích, không những gây hại tới sức khỏe tổng thể mà còn làm tăng nguy cơ bị béo phì và mắc các bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu bạn là người có thói quen uống rượu, bia; tốt nhất bạn nên hạn chế chúng.
  • Thường xuyên tập thể dục: Bạn nên dành ra ít nhất khoảng 30-60 phút mỗi ngày để thực hiện những bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Những bài tập này bao gồm chạy bộ, bơi, đạp xe, aerobic ...Chúng đặc biệt hiệu quả trong việc đốt cháy lượng mỡ thừa của cơ thể, tăng khối lượng cơ bắp, giúp bạn lấy lại một vóc dáng cân đối và bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh.
Hạn chế rượu bia
Hạn chế rượu bia sẽ giúp trái tim khỏe mạnh

Bệnh béo phì không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh lý tim mạch, vì thế việc kiểm soát cân nặng cũng như thăm khám sớm các bệnh lý có liên quan là việc làm cần thiết. Bởi những biến chứng bệnh béo phì gây ra cho tim mạch không hề nhỏ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: acc.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan